Kinh tế Anh sẽ ra sao sau khi Nữ hoàng băng hà
Các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, thị trường chứng khoán đóng cửa, tiền tệ và hộ chiếu phải in lại... là những vấn đề mà nền kinh tế Anh phải đối mặt khi Nữ hoàng băng hà.
Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh, đã qua đời tại Balmoral ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì.
Thái tử Charles sẽ là người kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng qua đời.
Sự kiện này chắc chắn sẽ khiến nước Anh rơi vào một trạng thái không chắc chắn và bất định, khi người dân tại quốc gia này chưa từng tưởng tượng đến một cuộc sống mà không có Nữ hoàng Elizabeth II.
Các doanh nghiệp tại đây sẽ tạm ngừng hoạt động trong một thời gian dài, đồng tiền hiện tại cũng phải in lại, hộ chiếu, trang phục của quân đội và cả bài Quốc ca cũng sẽ được thay đổi. Theo tờ Grunge, nền kinh tế nước này có thể sẽ thiệt hại hàng tỷ bảng Anh để hoàn tất mọi việc sau khi Nữ hoàng băng hà. Đồng thời, việc duy trì khối tài sản Hoàng gia và những đóng góp cho nền kinh tế Anh cũng sẽ có một số khác biệt trong thời gian tới.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN.
|
Nền kinh tế tạm ngừng hoạt động
Theo tờ Independent, trong ít nhất 2 tuần kể từ sau khi Nữ hoàng băng hà, nước Anh sẽ tạm ngừng mọi hoạt động để tiến hành những nghi thức tang lễ.
2 tuần này sẽ khiến nước Anh thiệt hại hàng tỷ bảng do những gián đoạn trong nền kinh tế. Cả lễ tang và lễ đăng quang sau đó của Thái tử Charles cũng sẽ trở thành những ngày kỉ niệm chính thức của quốc gia, khiến các ngân hàng và thị trường chứng khoán phải đóng cửa thêm một tuần nữa.
Quốc gia này ước tính sẽ tổn thất khoảng 1,2-6 tỷ bảng Anh mỗi ngày khi các doanh nghiệp, ngân hàng và thị trường chứng khoán đóng cửa.
Ngoài ra, vào ngày 8/9, đồng bảng Anh cũng giảm ngay lập tức sau khi cung điện Buckingham thông báo tin Nữ hoàng qua đời. Đồng bảng hiện ở mức 1,1506 USD, giảm 0,3% so với hôm trước đó.
Tiền tệ phải thay đổi
Bên cạnh những thiệt hại khi tạm dừng nền kinh tế, nước Anh cũng sẽ tốn một khoản lớn cho những thay đổi về tiền tệ, hộ chiếu và quân trang trong tương lai.
Trước hết, nước này sẽ phải in lại những đồng tiền mới mang hình Vua Charles III. Mặc dù đồng tiền cũ in hình Nữ hoàng sẽ không bị khai tử ngay trong một đêm, nhưng chúng cũng sẽ được Chính phủ thu hồi lại dần và không còn giá trị lưu hành nữa. Hộ chiếu của Anh và các loại tem phiếu cũng sẽ được cập nhật và thay đổi thành hình ảnh Vua Charles ngay sau đó.
Tiền tệ tại Anh sẽ chuyển sang in hình Vua Charles III. Ảnh: Janusz Pienkowski.
|
Tuy nhiên, sau triều đại kéo dài 7 thập kỷ của Nữ hoàng Elizabeth II, việc bóc tách tên, hình ảnh và biểu tượng của bà khỏi cấu trúc đời sống quốc gia ở Anh và trên toàn Khối thịnh vượng chung sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Hiện có 4,5 tỷ đồng bảng Anh đang được lưu hành có in hình Nữ hoàng, trị giá khoảng gần 100 tỷ bảng. Việc thay thế chúng bằng các tờ tiền mới có hình Vua Charles dự kiến mất ít nhất khoảng 2 năm, chưa tính đến những đồng tiền xu vì khó kiểm soát.
Ngoài ra, nước Anh cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức để sửa đổi quân trang, đồng phục cảnh sát và cả vũ khí Hoàng gia. Hiện tại, mũ và đồng phục của cảnh sát Anh, cùng với quân trang của quân đội và vũ khí đều được in tên viết tắt và số hiệu của Nữ hoàng.
Đóng góp của Hoàng gia vào nền kinh tế
Cuối cùng, nhiều nhà phân tích ước tính, thương hiệu của Hoàng gia Anh cũng là một “tài sản” lớn khi mỗi năm đều đóng góp khoảng 1,7 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không có gì thay đổi với khối tài sản hoàng gia này.
Tờ Wall Street Journal tiết lộ, số tiền trợ cấp Hoàng gia trong năm 2019 trị giá 107,1 triệu USD. Theo thỏa thuận, Nữ hoàng Anh sẽ nhận khoản trợ cấp và đổi lại chính phủ Anh sẽ thu về ngân khố quốc gia khoản tiền tương đương với 25% lợi nhuận từ Crown Estate, khối bất động sản lớn nhất của Hoàng gia.
Ngoài ra, những khối bất động sản thương mại khác như Duchy of Lancaster hay lâu đài Balmoral cũng đóng góp cho ngân khố Anh tới vài chục triệu bảng tiền thuế mỗi năm.
Bên cạnh đó, Hoàng gia Anh cũng được cho là sở hữu khoảng 11.000 ha rừng ở Berkshire, Somerset và Cairngorms, đế chế năng lượng ngoài khơi trị giá 1,1 tỷ bảng, trong đó có 30 khu năng lượng gió. Tài sản Hoàng gia còn bao gồm khu đánh bắt cá hồi và khai thác vàng ở Scotland, cùng với một số cánh rừng và trang trại nuôi hàu ở đây.
Hoàng gia Anh sở hữu một đế chế tài sản khổng lồ. Ảnh: Forbes.
|
Cuối cùng, Công ty Hoàng gia - đế chế trị giá 28 tỷ USD, sẽ được trao lại cho tất cả các thành viên hoàng thất cùng điều hành và quản lý chứ không riêng cá nhân nào.
Theo Forbes, gia đình hoàng gia không thu lại nhiều lợi nhuận cá nhân từ việc kinh doanh. Mục đích chính của công ty này là giúp chính phủ Anh thúc đẩy nền kinh tế thông qua hiệu ứng truyền thông.
Hằng Nga
Zing.vn
|