Thứ Bảy, 10/09/2022 09:29

ECB tăng lãi suất mạnh chưa từng có: Kinh tế châu Âu sẽ ra sao?

Các nhà đầu tư lo lắng rằng lãi suất tăng sẽ tạo thêm căng thẳng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, trong khi họ đã phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng quá lớn.

Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức ngày 3/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới quan sát, tuy chứng khoán châu Âu đóng phiên 8/9 cao hơn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng mạnh lãi suất, nhưng đó chỉ là do các nhà đầu tư thấy ECB đang nghiêm túc hơn trong việc chống lại lạm phát - hiện ở mức khoảng 9%.

Lạm phát tăng cao gây quan ngại khắp nơi. Nhưng mặt trái của việc chống lạm phát là chi phí sử dụng vốn sẽ lên cao hơn - điều sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn cùng các quỹ phòng hộ có giao dịch ký quỹ, khiến họ đầu tư ít hơn. Tín dụng tiêu dùng tăng cũng sẽ làm giảm nhu cầu của người dân.

Triển vọng này không phải những điều Liên minh châu Âu (EU) mong muốn khi họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu. Nhưng đó sẽ là kịch bản khó tránh được nếu ECB quyết tâm duy trì chính sách tăng lãi suất.

Lựa chọn khó khăn

ECB ngày 8/9 đã thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn của khu vực lên mức 1,25% nhằm đối phó với lạm phát phi mã. Chỉ số tổng hợp Stoxx 600 của châu Âu đóng cửa tăng hơn 0,5% sau thông tin trên.

Nhưng vào giữa buổi chiều tại thị trường New York, chỉ số FTSE Europe VGK theo dõi các cổ phiếu tại thị trường châu Âu đã giảm 0,4% và đảo ngược tất cả.

Nếu còn bất cứ nhà đầu tư nào còn hy vọng về việc ECB không tăng mạnh lãi suất, ngân hàng trung ương này đã thể hiện rõ ràng rằng họ phải giảm tốc tăng trưởng kinh tế hơn nữa để giải quyết vấn đề lạm phát, dù nền kinh tế châu Âu đã “hạ nhiệt” từ trước đó.

Trong một báo cáo ngắn mới đây, các chiến lược gia đầu tư của Viện Đầu tư BlackRock do ông Jean Boivin đứng đầu cho biết các thị trường đang đối mặt với một môi trường vĩ mô mới.

Các ngân hàng trung ương tại diễn đàn Jackson Hole gần đây đã thể hiện rằng họ sẽ ưu tiên áp lực kiềm chế lạm phát hơn các tác động kinh tế từ các biện pháp này.

Theo các chiến lược gia, có vẻ các ngân hàng trung ương không có ý định quản lý sự đánh đổi lớn giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế - và đó là một yếu tố quan trọng cần chú ý.

Đây sẽ là tin xấu đối với các tài sản rủi ro và các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy. Một nền kinh tế đang suy thoái sẽ đẩy giá dầu và khí đốt đi xuống.

Một số nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ hạ xuống 60 USD/thùng nếu ECB duy trì tốc độ tăng lãi suất hiện thời. Điều đó sẽ giảm nhẹ phần nào áp lực chi phí sinh hoạt cho những người châu Âu. Nhưng đáng buồn là sự nhẹ nhõm này có thể đi kèm với khả năng họ mất việc làm.

Tình hình có thể tồi tệ hơn

Các nhà đầu tư lo lắng rằng lãi suất tăng sẽ tạo thêm căng thẳng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, trong khi họ đã phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng quá lớn. Nhiều người trong số họ đã phải gánh một khoản nợ đáng kể kể từ khi giá năng lượng tăng cao.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tại châu Âu do công ty dịch vụ tư vấn tài chính S&P Global tổng hợp - được coi là một chỉ báo về sức khỏe của nền kinh tế - đã giảm từ 49,9 của tháng Bảy xuống mức thấp nhất trong 18 tháng là 48,9 vào tháng trước.

Con số này thấp hơn so với ước tính sơ bộ là 49,2, vốn đã dưới ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Cũng trong tháng Tám, Đức đã ghi nhận chi tiêu cho dịch vụ giảm tháng thứ hai liên tiếp. Giá cả tăng và niềm tin suy giảm đã làm giảm nhu cầu trong nước, góp phần khiến giá nhiên liệu giảm vào giai đoạn gần đây trong khi chính phủ cũng sẽ áp trần giá điện. Các nhà đầu cơ tương lai đang rời khỏi thị trường và bán ra các tài sản để chốt lời.

Tại Pháp, các nhà quản lý doanh nghiệp cũng dự đoán về một mùa Thu-Đông ảm đạm. Các công ty lo ngại rằng lạm phát và hóa đơn tiền điện cao hơn sẽ làm giảm doanh thu của họ cũng như giảm nhu cầu từ người tiêu dùng.

Ngành dịch vụ ở Italymcũng ghi nhận đà tăng trưởng chậm lại trong tháng Tám và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Trong khi đó, ông Naeem Aslam, Giám đốc chiến lược thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến AvaTrade có trụ sở tại Anh, cho biết người dân nước này đã rất nhạy cảm về điệu kiện kinh tế hiện thời.

Tình hình có thể còn u ám hơn sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Các vấn đề của họ tương tự như những gì các nước châu Âu khác đang phải đối phó - chủ yếu là chi phí thực phẩm và nhiên liệu lên cao.

Theo chuyên gia này, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lẫn đồng tiền chung châu Âu trong trung hạn.

Biến động của đồng euro

Giới quan sát chỉ ra rằng một đồng euro yếu chỉ làm cho bức tranh lạm phát trở nên tồi tệ hơn, khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn đối với những người mua ở Eurozone.

Đồng tiền Euro tại ngân hàng ở Heidelberg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu sau cuộc họp mới nhất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng chia sẻ quan điểm tương tự: “Sự giảm giá của đồng euro cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát.”

Kết thúc phiên 8/9, đồng euro giảm 0,7% so với đồng USD và xuống mức 0,9949 USD đổi 1 euro. Mức này không quá xa mức thấp nhất gần 20 năm là dưới 0,99 USD đổi 1 euro ghi nhận vào đầu tuần này.

Bà Lagarde nhấn mạnh rằng ECB sẽ không nhắm tới một tỷ giá hối đoái cụ thể nào cho đồng euro. Song Chủ tịch ECB cũng cho hay, các nhà hoạch định chính sách đã lưu ý tới những tác động từ đồng tiền chung suy yếu đối với nền kinh tế khu vực.

Theo giới chuyên gia, dù ECB muốn nâng đồng euro lên thì đó cũng là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Eurozone quá hẹp. Các nỗ lực của ECB sẽ khó tác động đến một thị trường vốn đã đổ xô đặt cược vào tương lai lên giá của đồng USD.

Ông Sebastien Galy, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại ngân hàng Nordea, nhận định điều ECB muốn là thuyết phục thị trường rằng họ muốn có một đồng euro mạnh mà không cần thực hiện quá nhiều đợt tăng lãi suất. Do đồng euro vốn đã không ổn định vì xu hướng đặt cược vào triển vọng tăng giá của đồng USD, thị trường có khả năng sẽ chứng kiến những biến động mạnh trong vài tháng, dù một số tuần tới khá “bình yên.”

Còn ông Carsten Brzeski, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING, cho biết với quyết định hôm 8/9, ECB rõ ràng đã từ bỏ việc nhắm mục tiêu và dự báo lạm phát để tham gia vào nhóm các ngân hàng trung ương đang tập trung vào việc giảm lạm phát thực tế.

Theo ông, hiện vẫn chưa rõ việc ECB điều chỉnh chính sách tiền tệ có thể làm giảm lạm phát - vốn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài - ra sao.

Ngay cả tác động của việc tăng lãi suất đối với kỳ vọng lạm phát cũng không chắc chắn. Đồng thời, ông lưu ý rằng quy mô của đợt tăng lãi suất mới nhất cũng không mang tính quyết định tới việc liệu nền kinh tế Eurozone có rơi vào suy thoái hay không.

Chuyên gia của ING nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra trong Eurozone vào mùa Đông tới phần lớn sẽ do giá năng lượng chứ không phải bởi lãi suất./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Kinh tế Anh sẽ ra sao sau khi Nữ hoàng băng hà (09/09/2022)

>   [Infographic] Quốc gia nào thống trị thị trường pin mặt trời toàn cầu? (10/09/2022)

>   Người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi khi giá USD tăng (09/09/2022)

>   Hong Kong là nền kinh tế tự do nhất thế giới trong 28 năm liên tiếp (09/09/2022)

>   Châu Âu có thể áp giá trần thế nào để giảm chi phí năng lượng cao kỷ lục? (09/09/2022)

>   Tín hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu (09/09/2022)

>   Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà (09/09/2022)

>   NHTW châu Âu nâng lãi suất 75 điểm cơ bản (08/09/2022)

>   Vì sao Trung Quốc vẫn phong tỏa nhiều thành phố (08/09/2022)

>   Kịch bản Fed nâng 75 điểm cơ bản trong tháng 9 đang thắng thế (08/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật