“Phải có đam mê mới tồn tại trên sàn chứng khoán, các tay mơ sẽ nhanh chán sau vài lần thua lỗ”
Ông Phạm Lưu Hưng (Mr.X30) là Kinh tế trưởng của SSI, một chuyên gia với cái nhìn sắc sảo về thị trường chứng khoán. Gần đây, ông nổi tiếng trên sóng truyền hình với chương trình Bí mật đồng tiền - nơi ông đúc kết các thông tin tài chính, đưa ra lời khuyên đầu tư dễ hiểu, nhẹ nhàng và hóm hỉnh cho khán giả.
Tham gia thị trường chứng khoán từ những năm 2007, ông Phạm Lưu Hưng là một trong những nhà đầu tư kỳ cựu đã trải qua nhiều biến động của thị trường. Danh xưng X30 là biệt danh ông Hưng tự đặt khi tham gia phòng chat chứng khoán trên Yahoo!. Đây là biệt danh được nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cùng thời biết đến.
Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về nghề, về ngành chứng khoán.
Điều gì đưa ông đến với chứng khoán? Thời đó bạn bè ông có nhiều người tham gia vào thị trường?
Ông Phạm Lưu Hưng: Ban đầu, tôi làm việc ở Bộ Thương mại; được một thời gian thì đi du học thạc sĩ kinh tế tài chính ở Úc vào năm 2006 - 2007. Tới tháng 10/2007, tôi vào làm ở SSIAM vì lúc đó cũng chưa biết tới công ty chứng khoán nào. Lúc tôi đi phỏng vấn vào quỹ SSIAM thì cũng nhanh gọn vì người phỏng vấn biết mình qua một diễn đàn khá nổi tiếng của dân du học.
Thế hệ đi du học và về nước giai đoạn 2006-2007 như tôi tham gia đầu tư khá nhiều. Lúc đó mình có tiền, không phải quá nhiều nhưng cũng gọi là có vốn, được học về tài chính nên muốn áp dụng kiến thức trong thực tế.
Tôi nhớ khi học môn tài chính doanh nghiệp, hôm đó, giảng viên hỏi cả giảng đường xem ai có tài khoản chứng khoán chưa thì rất ít người giơ tay. Giảng viên môn đó khá thất vọng và nói rằng chúng tôi nên đầu tư, nhất là với sinh viên tài chính.
Vậy con đường chứng khoán của ông là do rẽ ngang?
Xuất phát điểm là dân chuyên toán, thời đi học tôi chỉ tập trung học tuyển để ôn thi và học nhiều nhất là toán. Tới đại học thì vì phụ huynh làm ngoại thương nên hướng tôi vào học Đại học Ngoại thương (FTU). Ban đầu tôi được học về chứng khoán rất ít. Thời tôi làm ở Bộ Thương mại tính ra là đúng ngành đúng nghề, sau này chuyển sang chứng khoán thì kể ra cũng hơi rẽ ngang.
Ông có nghĩ mình tham gia thị trường trễ không?
Tôi bước vào thị trường chứng khoán năm 31 tuổi, khá muộn so với các bạn trẻ bây giờ. Nghĩ lại thì đầu tư từ sớm vẫn tốt hơn.
Thời điểm ông bước chân vào thị trường là lúc chứng khoán đang nóng. Ông có ấn tượng thế nào về thị trường lúc đó?
Tôi còn nhớ thời điểm năm 2007, thị trường chứng khoán còn chưa đạt đỉnh và rất nóng. Ở Úc, nhiều bạn học cũng về, cảm giác kiếm tiền rất dễ nên muốn chuyển sang chứng khoán liền. Thời đó kiếm tiền dễ thật, lợi nhuận rất nhiều. Nếu hồi tưởng lại thì khởi đầu cơn sốt tương tự đợt tăng tháng 3 - 4/2020, tôi cũng giống như các F0 bây giờ.
Những năm 2007 ấy, thị trường giao dịch như thế nào?
Khối lượng giao dịch khi đó rất ít, việc đặt lệnh cũng khá khó khăn, cổ phiếu biến động mạnh trắng bảng ở cả hai chiều là chuyện thường ngày. Ngày đó chắc chỉ có mẹo là khi cổ phiếu tăng thì cứ để đó, chỉ đến khi nào quay đầu giảm thì bán.
Ông có áp dụng nhiều kiến thức tài chính học được ở đại học vào đầu tư chứng khoán?
Tôi áp dụng nhiều kiến thức trong công việc (bộ phận phân tích), nhưng lúc đầu tư thì ít dùng hơn. Thị trường những ngày đầu không có nhiều thông tin, báo cáo phân tích từ công ty chứng khoán còn thiếu và yếu. Tài liệu nghiên cứu ít nên nhà đầu tư chủ yếu đầu tư theo cảm nhận cá nhân. Không có nhóm Facebook, Zalo để trao đổi mà ý tưởng đầu tư mang tính cá nhân, hay trong các buổi cà phê “chém gió”, bài viết trên một số diễn đàn.
Kiến thức học tới thạc sĩ kinh tế tài chính là quá nhiều so với nhu cầu thị trường, chỉ là mình áp dụng được tới đâu, và khả năng tự học tự đào tạo của mình ra sao. Điều đó là nền tảng để có quan điểm về thị trường, tùy chu kỳ kinh tế, chu kỳ thị trường để đầu tư. Nhưng những kiến thức đó không dùng được nhiều trong hoạt động đầu cơ.
Nhiều năm giao dịch trên thị trường đã cho ông bài học nào?
Ban đầu mới vào thị trường khó học được gì. Lúc lên thì kiếm tiền dễ quá, bán là thua mua là thắng. Lúc giảm thì cứ đợi hồi với cưa chân bàn tới lúc hết tiền, không học được gì cả.
Tới năm 2009, khi chứng khoán tăng, mọi người nhanh chóng quên đi nỗi đau trước đó. Cá nhân tôi đã trải qua nhiều đợt cố giữ cổ phiếu khi thị trường giảm mạnh những năm 2011, 2014, 2018. Điểm khác biệt là mình thoát sớm hơn để không rơi vào tình trạng “kẹp hàng”. Bài học cắt lỗ sớm phải tốn rất nhiều thời gian mới học được. Như mọi người vẫn đùa là thân lừa ưa cử tạ.
Có khoản lỗ nào khó quên không thưa ông?
Nhìn lại thì có nhiều khoản đầu tư lỗ thật, nhưng hầu hết cổ phiếu cầm lâu đều tăng giá. Hối hận nhất là việc dùng đòn bẩy sai người sai cả thời điểm. Margin sẽ biến cổ phiếu đầu tư thành đầu cơ.
Từ năm 2007 tới nay, tôi không mua nhiều cổ phiếu, tính ra chỉ khoảng 30 mã cổ phiếu. Tùy giai đoạn mà “gu” cổ phiếu khác nhau. Ví dụ như giai đoạn 2012 - 2014 thì thích cổ phiếu dưới 20,000 đồng/cp.
Trong quá trình làm phân tích, ông học hỏi thêm được gì về thị trường?
Lúc trước tôi làm việc với khách hàng tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, họ chủ yếu quan tâm tới vĩ mô Việt Nam. Lúc đó thường đi gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan… nay thì thiên về khách hàng cá nhân nhiều hơn.
Tôi học được nhiều từ khách hàng tổ chức vì thị trường của họ phát triển hơn nên cách đầu tư, cách nhìn nhận của người đi trước, khi tiếp xúc với khách hàng… có nhiều điều rất đáng để học hỏi.
Nghề này cho phép mình nói chuyện với nhiều người, nhiều phong cách đầu tư khác nhau, nhiều góc độ nên hiểu hơn về hành xử của họ. Đối với các nhà đầu tư tổ chức, họ thường có những quy tắc dẫn tới hành động khác biệt trên thị trường, nếu không hiểu thì thấy rất kỳ quặc.
Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ không?
Có thời tôi làm báo cáo cho nhà đầu tư là các bà nội trợ Nhật Bản, họ cần đọc báo cáo nhanh nên mỗi báo cáo chỉ có 2 trang. Đối tượng độc giả này rất đặc thù và thú vị.
Hiện tại công việc của ông thiên về hướng khách hàng cá nhân nhiều hơn, có gì khác biệt so với trước không?
Sau này chuyển qua làm mảng cá nhân thì chủ yếu làm việc với môi giới là chính. Như chương trình Bí mật đồng tiền cũng là một cách để nói chuyện với các nhà đầu tư cá nhân. Khi tiếp xúc mới biết, F0 không hẳn là mới và thiếu kiến thức. Nhiều nhà đầu tư có kiến thức đặt câu hỏi rất sâu. F0 hiện nay có thể tiếp xúc thị trường nhanh hơn, sẵn sàng học hỏi. Mọi người đã có ý thức về đầu tư nhiều hơn nên có sự quan tâm tới chứng khoán.
Thường thì nhà đầu tư thích tự đầu tư, nhưng phải có đam mê và đi đúng hướng mới tồn tại được trên sàn chứng khoán, còn các tay mơ sẽ nhanh chán thôi sau vài lần thua lỗ.
Lý do nào thúc đẩy ông tham gia chương trình Bí mật đồng tiền?
Lúc được đề nghị, tôi đồng ý ngay. Năm 2007, khi chập chững vào thị trường, bản thân mình gặp nhiều khó khăn, đọc bảng giá cũng không biết đọc, nghiên cứu cũng khó, vốn cũng ít nên không được môi giới chăm sóc kỹ như các khách VIP nên phải “tự bơi”.
Bí mật đồng tiền là chương trình cân đối giữa giải trí và thông tin chuyên môn, giải quyết được nhiều vấn đề cho nhà đầu tư và hướng dẫn tiếp cận tài chính một cách ít khô khan hơn. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư mới trao đổi cùng các khách mời, vì họ là những người mà nhà đầu tư cá nhân khó có thể gặp được bên ngoài. Giống chọn bạn mà chơi vậy, chương trình giúp tất cả cùng tiến bộ.
Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư F0?
Phương pháp đầu tư phụ thuộc vào tính cách của từng người. Những người thích tận hưởng cuộc sống thì có thể ủy thác để có thời gian làm việc khác. Còn ai năng động thì có thể đầu cơ, lướt sóng. Quan trọng nhất là duy trì được tâm lý vững vàng và không quá nặng nề chuyện đúng sai, đúng thì dễ rồi còn sai thì cắt lỗ.
Thành người nổi tiếng trên truyền hình, gần đây ở ngoài đời có ai nhận ra ông?
Có chứ, gần đây, đi cà phê cũng có người nhận ra rồi chụp hình mình (cười).
Thực tế có nhiều bình luận của ông trên sóng không được đồng tình, ông nghĩ sao?
Bình luận trái chiều là bình thường vì ở đời mỗi người một quan điểm. Sợ nhất là mọi người có cùng quan điểm với mình thì có lẽ thị trường đang ở một trạng thái sai sai. Quan trọng là khi lên chương trình mình được nói chuyện với nhà đầu tư. Thực ra, tôi cũng có kinh nghiệm xử lý các vấn đề này từ khi tham gia tranh luận trên các diễn đàn rồi. Các quan điểm khác nhau mới là cuộc sống.
Chẳng hạn nếu tôi đưa ra quan điểm không thích một cổ phiếu nào đó (cũng khó để tôi thích tất cả các cổ phiếu được), thì có thể có người nghĩ tôi là trong đội lái tay to dìm hàng để gom. Cũng chẳng có gì phải tức giận, vì mấy khi có người đánh giá tôi cao như thế (cười).
Mỗi lần lên sóng, ông đều đưa ra các bình luận với hàm lượng kiến thức đồ sộ. Có câu hỏi nào làm khó ông không?
Tôi thường chuẩn bị trước theo sườn chương trình. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến chương trình thì có thể nói nhiều hơn. Thông thường thì chỉ mất một buổi ghi hình vào buổi trưa nên chỉ cần chuẩn bị trong sáng hôm đó, không ảnh hưởng nhiều tới công việc lắm. Nội dung thì luôn cập nhật theo tình hình thị trường rồi nên cũng không cần chuẩn bị sớm. Chuẩn bị kỹ quá lại mất tự nhiên. Nhiều lúc MC Ngọc Trinh hỏi khó cũng cứng họng nhưng như vậy mới thật.
Có khi nào ông sợ mình hết ý tưởng để lên sóng không?
Nói thật là ngày nào tôi cũng nói chuyện với các đồng nghiệp trong công ty (giống như điểm tin sáng) và cập nhật tình hình cho các nhà đầu tư nên cũng không quá sợ chuyện không có gì để nói. Chưa kể còn ê-kíp chuẩn bị nội dung nữa mà. Với lại, tùy giai đoạn thị trường mà có thêm ý tưởng hoặc nhà đầu tư sẽ gợi ý thêm chủ đề.
Sau nhiều năm chinh chiến, ông cảm thấy thị trường thay đổi như thế nào?
Có những thứ của chứng khoán không bao giờ đổi là tâm lý và yếu tố cơ bản. Cái hay là thị trường không có ngày nào giống nhau.
Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội quen với các bạn trẻ có ý tưởng mới mẻ. Khi thị trường phát triển hơn thì phải viết nhiều loại báo cáo hơn, được làm nhiều công việc và tham gia các hoạt động mới nhiều hơn, cũng có nhiều hướng phân tích hơn. Qua từng giai đoạn thị trường thay đổi thì mình cũng phải thay đổi theo.
Làm lâu như vậy rồi, ông còn muốn gắn bó với nghề?
Thường thì dân tài chính hay nghĩ tới tự do tài chính sớm, nhưng tôi thấy đi làm vui hơn và thích đi làm. Làm việc là cơ hội để kiểm chứng các phân tích, nghiên cứu của mình. Nghĩ tới một ngày về quê trồng rau nuôi cá cũng vui, nhưng chắc nghĩ thế thôi, tôi nuôi cá chết cũng nhiều mà trồng cây thì chắc chỉ hợp trồng "hoa giấy".
Ông có hướng các con theo ngành tài chính?
Con lớn của tôi có nghiên cứu về tài chính nhưng chưa đầu tư vì cháu vẫn đang trong quá trình tìm hiểu xem mình thích gì. Cháu nhỏ hơn thì đã tìm tòi giao dịch đồ giới hạn (limiteds) trong game Roblox và cũng có lãi rồi. Và đó cũng là một cách tự học về đầu tư, đầu cơ trong thế giới ảo kiểu metaverse. Trẻ con giờ có nhiều cái để học về đầu tư hơn.
Với con, tôi chỉ nói về các vấn đề tài chính cơ bản như sử dụng tiền thế nào. Sau này các con muốn theo ngành nào tôi cũng đều ủng hộ chứ không nhất định phải theo nghề của bố.
Theo ông, nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức gì để tham gia thị trường chứng khoán?
Như đã nói, phương pháp đầu tư phụ thuộc vào từng người. Tuy nhiên dù là ai thì cũng cần biết một ít về tài chính, báo cáo tài chính và các vấn đề liên quan. Lớn nhất là tâm lý đầu tư.
Kiến thức cơ bản rất dễ tìm kiếm (sách, internet…) nhưng tâm lý thì phải có trải nghiệm. Kể cả đọc sách về tâm lý đầu tư cũng chưa chắc.
Chắc hẳn là ông rất thích sách, đâu là thể loại tủ của ông?
Tôi thích đọc sách, nhưng không thích các cuốn sách hướng dẫn chi tiết quá về kỹ thuật đầu tư, mà thích các quyển sách về tâm lý đầu tư hơn.
Cuốn sách gần đây tôi đọc là “The great mutual fund trap” - cuốn sách chỉ ra quan điểm đầu tư quỹ chỉ số thì sẽ hiệu quả hơn các quỹ chủ động muốn đánh bại thị trường. Mặc dù được viết rất lâu rồi, nhưng đọc khá vui và thực tế.
Xin cảm ơn ông!
Chí Kiên
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|