"Chiếc thuyền ngoài xa" và nỗi buồn của chứng sĩ
“Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Minh Châu trong đề môn Ngữ văn của kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 đã đem đến nhiều cảm xúc, không chỉ cho sĩ tử mà còn cả các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, các chứng sĩ đang nghĩ về một “chiếc thuyền” khác, cũng đang “ngoài xa” nhưng mà… lạ lắm.
Từ đầu năm 2022 tới nay, những “chiếc thuyền” mang tên VN-Index và HNX-Index đã đưa các chứng sĩ đi xa lắm rồi.
Từ đầu năm 2022, VN-Index liên tục phá những kỷ lục buồn. Hệ quả từ những sự kiện tiêu cực như vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Thành Nhân, bối cảnh lạm phát tăng cao vì cuộc xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine khiến Fed nâng lãi suất kỷ lục đã đẩy VN-Index lao dốc. Từ đỉnh 1,524.70 điểm hôm 04/04, chỉ số này “cắm đầu”, rớt thẳng về mức thấp nhất trong 1 năm tại phiên 13/05. Ngày 06/07, VN-Index tạo đáy mới trong năm 2022 ở mức 1,149.61, xuyên thủng cả đáy 16 tháng được ghi nhận từ tháng 03/2021.
Tương tự, HNX-Index cũng trải qua nhiều biến cố trong 6 tháng đầu năm. Từ đỉnh 493.84 điểm ngày 07/01/2022, chỉ số này có xu hướng giảm liên tục, thậm chí giảm mạnh trong quý 02/2022. Ngày 21/06/2022, HNX-Index đóng cửa thấp nhất đạt 264.62 điểm, giảm 46% so với đỉnh tháng 1. Kết phiên 13/07, chỉ số này đạt 281.32 điểm.
Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, đa số cổ phiếu cũng lao dốc mạnh mẽ. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, có 598 mã cổ phiếu trên cả hai sàn HOSE và HNX giảm giá, chỉ 149 mã tăng kể từ đầu năm. Trong đó, khoảng 146 mã cổ phiếu giảm hơn 50%, đặc biệt có nhiều mã lao dốc tới 65% – gần 80%, với sự góp mặt của những cái tên làm nhiều chứng sĩ bị tổn thương nặng nề.
Top 30 cổ phiếu giảm sâu nhất từ đầu năm 2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Đứng đầu danh sách là mã THD (CTCP Thaiholdings) của ông Nguyễn Đức Thụy (hay bầu Thụy). Thị giá THD phiên sáng ngày 13/07 ghi nhận 55,900 đồng/cp, giảm gần 79% so với đỉnh hơn 260,000 đồng/cp thời điểm kết phiên 04/01/2022.
Trước đó, THD từng là cái tên đầy “nóng bỏng” trên thị trường vào cuối năm 2021, sau khi có thông tin Công ty thành lập Thaispace với số vốn 1.2 tỷ USD, mang theo giấc mộng bay lên vũ trụ vào năm 2026. Nhưng ngay trong tháng 01/2022, THD cắm đầu, rớt một mạch 34% giá trị xuống vùng đáy 170,000 đồng/cp ở kết phiên ngày 28/01. Giai đoạn tháng 4-6/2022, mã này tiếp tục lao dốc, chạm vùng đáy 38,000 đồng/cp ngày 10/06.
Giá cổ phiếu giảm mạnh bất chấp việc THD báo lãi khủng và đặt mục tiêu lợi nhuận tới 1.5 ngàn tỷ đồng trong ĐHĐCĐ 2022, cùng những động thái gây bất ngờ từ bầu Thụy như giảm vốn điều lệ của Thaispace còn 1/10, hay thoái sạch vốn hơn 87 triệu cp tại THD… đã làm giới đầu tư hoang mang, thậm chí tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, HĐQT THD khẳng định việc giá giảm là do thị trường, và Công ty hoàn toàn không có tác động gì liên quan.
Những cái tên khác làm “tổn thương” chứng sĩ không kém gì THD có thể kể đến nhóm liên quan đến vụ “thao túng giá cổ phiếu” của ông Trịnh Văn Quyết, như FLC (CTCP Tập đoàn FLC), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), HAI (CTCP Nông dược H.A.I), hay ART (CTCP Chứng khoán BOS). Tính đến phiên ngày 13/07, các mã này đều đã giảm từ 69%-77% giá trị so với thời điểm đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là ROS, với mức giảm 77% ở thời điểm kết phiên 13/07.
Nhóm cổ phiếu “họ Louis” và TVB (CTCP Chứng khoán Trí Việt) cũng “sập sàn” liên tục, đặc biệt là sau khi ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Louis Holdings kiêm thành viên HĐQT CTCP Louis Capital (HOSE: TGG) và CTCP Louis Land (HOSE: BII) – cùng ông Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc TVB bị bắt vì thao túng giá chứng khoán vào tháng 4/2022. Thời điểm kết phiên ngày 13/07, giá cổ phiếu nhóm này đã giảm tới gần 70% so với đầu 2022.
Không chỉ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm điểm khá mạnh. Chẳng hạn như DIG giảm 60%, SSI giảm 57%, hay GEX giảm trên 50% tại kết phiên 13/07 so với đầu năm.
Top 10 cổ phiếu Large Cap giảm mạnh nhất từ đầu năm 2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Biết bao giờ “về bờ”?
Dự báo nửa cuối năm của một số công ty chứng khoán dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô và các chính sách trong thời gian tới cũng phần nào khiến các nhà đầu tư cảm thấy thêm ngờ vực về thời điểm “về bờ”.
Như báo cáo chiến lược giữa năm 2022 của Mirae Asset đã đề ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản xấu sẽ đưa VN-Index về mức 1,060 điểm vì tâm lý e ngại rủi ro từ lãi suất và chính sách chiếm ưu thế. Tuy vậy, Mirae Asset nhận định trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể dao động từ 1,156–1,300 điểm, hoặc lấy lại mốc 1,530 điểm trong kịch bản tích cực.
CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) cho rằng VN-Index sẽ lấy lại mốc 1,500 điểm vào cuối năm, nhưng tất nhiên là trong kịch bản tích cực khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt từ cuối quý 3/2022 khiến kế hoạch tăng lãi suất của Fed chậm lại; GDP Việt Nam tăng trưởng vượt 7.5% so với cùng kỳ, và ngân hàng nhà nước không tăng lãi suất điều hành. Còn với kịch bản cơ sở, nơi lạm phát Mỹ không thể hạ nhiệt sớm và đẩy Fed vào thế phải tăng lãi suất, NHNN tăng lãi suất lên 25-50 điểm cơ bản, VN-Index chỉ đạt 1,330 điểm mà thôi.
Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội ( SHS)
|
Tại Talkshow “Hành động trong mắt bão” vừa diễn ra vào cuối tháng 6, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định thị trường đang quay lại kiểm định mốc 1,150 điểm. Trước mắt có ngưỡng tâm lý 1,200 điểm cần phải vượt qua. Tuy nhiên nhìn về phân tích kỹ thuật, đáy này đã gọi là đáy dài hạn hay hỗ trợ cứng chưa thì cần thêm thời gian. Chỉ xác nhận thị trường đã đáy hay chưa sau khi đã qua đáy rồi, trong khi đó thị trường vẫn còn một số yếu tố rủi ro đằng trước.
“Vẫn có một số mốc hỗ trợ bên dưới nếu chỉ số giảm qua 1,150 điểm, mốc hỗ trợ gần nhất là 1,130 điểm, dưới nữa là 1,080 điểm. Còn kịch bản có về 950 điểm sẽ khó xảy ra. Tất nhiên là chuyện gì cũng có thể xảy ra nhưng nếu ở bên ngoài và trong nước có chứng kiến biến động hay tin tức đặc biệt xấu thì chỉ số mới có thể về vùng đó,” ông Hiển cho biết thêm.
Dự báo về xu hướng trong thời gian tới, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho biết, khả năng thị trường vẫn sẽ có những đợt biến động và sẽ tạo ra sự khó khăn nhất định, đặc biệt cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Dự báo thị trường đi theo diễn biến sideway trước khi chờ đợi một sự phục hồi trở lại.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI
|
Nếu nhìn trong quý 3, yếu tố tác động lên thị trường nổi bật nhất vẫn là diễn biến lạm phát và lãi suất. Điều này chủ yếu đến từ thị trường thế giới, trong tháng 7, Fed sẽ có 1 lần tăng lãi suất nữa sau đó đến 9, 11, 12, những điều này chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường.
Với bối cảnh như hiện nay, các chứng sĩ vẫn khó có thể lạc quan. Chẳng biết bao giờ, những “chiếc thuyền ngoài xa” mới có thể về được bờ.
Hồng Đức
FILI
|