TS. Quách Mạnh Hào: “Từng thua lỗ vì mua theo kiểu cá độ thỏa thuận bắt 3 phiên sàn”
Trải qua hành trình hơn hai thập niên, thị trường chứng khoán Việt Nam nay đã rất khác so với giai đoạn sơ khai cả về chất lẫn về lượng. Song, cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư với các sắc màu chứng khoán vẫn mãi dạt dào như thế.
Chiều dài phát triển của thị trường chứng khoán có dấu ấn của không ít chứng nhân lịch sử. TS Quách Mạnh Hào - đại diện cho nhà đầu tư chuyên nghiệp “bén duyên” cùng thị trường chứng khoán từ những ngày đầu đến nay - đã chia sẻ với người viết về những năm tháng đáng nhớ cùng chứng khoán Việt.
Ông đã chuẩn bị cho mình những hành trang gì khi là một F0 trên thị trường chứng khoán vào 20 năm trước?
TS Quách Mạnh Hào: Tôi biết rất ít. Dù học ở đại học về thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng hầu hết chỉ học khái niệm, học khớp lệnh trên giấy, nên thực sự chưa hiểu TTCK hoạt động thế nào.
Ngày đó tôi đầu tư mà cứ như đi giải toán và nghĩ rằng mình làm đúng công thức thì sẽ thành công.
Vì sao ông quyết định tham gia vào chứng khoán?
Tôi được học trò “xui” đầu tư cho biết khi mới có thị trường chứng khoán. Sau đó thì đi du học, bạn tôi bảo kiếm tiền dễ lắm nên tôi nhờ bạn mua hộ.
Ông có thể bật mí về lần giao dịch cổ phiếu đầu tiên?
Lần đầu, tôi không trực tiếp mua mà nhờ mua, có lãi nhưng không nhớ bao nhiêu vì tiền ít.
Còn lần mua thực sự đầu tiên là mua cổ phiếu OTC họ cao su, cũng có lãi khá. Lúc đó mua kiểu giao dịch viết tay, lo lắm. Chỉ vài ngày sau là bán lại cho đúng người môi giới đó.
Thời giao dịch mua bán bằng phiếu lệnh viết tay và thông qua môi giới hẳn phải để lại nhiều kỷ niệm?
Đáng nhớ nhất là tôi có cậu học trò làm môi giới và cậu ta luôn nói rằng sẽ giúp tôi chèn phiếu lệnh để lệnh được khớp như là một sự ưu ái. Mà ngày đó đúng là ưu ái thật.
Chiến lược đầu tư của ông thời gian đầu tham gia thị trường là gì?
Những năm đầu tôi không có chiến lược gì cả, bạn bè hô mua thì tôi mua cùng. Sau này làm chứng khoán rồi thì lại không có thời gian tự quản lý tài khoản mà nhờ môi giới quản lý hộ.
Khoản lời tốt nhất lúc đó của ông?
Thời đó, khoản lời tốt nhất là khi tôi được chia lại số tiền đã góp và chỉ giữ lại phần lãi để tiếp tục đầu tư. Phần lãi sau đó giảm theo thị trường nhưng tôi để đó và vài năm sau thì nó lại có giá trị hơn lúc trước khá nhiều.
Có vụ lỗ đậm nào không, thưa ông?
Nhiều chứ. Có lần tôi mua cổ phiếu theo kiểu cá độ thỏa thuận bắt 3 phiên sàn và cổ phiếu đó nó sàn tới cả chục phiên. Hay một cổ phiếu OTC giờ tôi vẫn cầm sổ làm kỷ niệm, còn công ty thì chắc giải thể lâu rồi.
Cổ phiếu mà nhiều người đồn đoán tôi và các đồng nghiệp “dính” là cổ phiếu của Chứng khoán Thăng Long (giờ là MBS) thì tôi cũng “lỗ” vì không thu “được” gì. Tôi “lỗ” thời gian và công sức đóng góp cho sự phát triển của nó.
Cũng nhiều năm rồi, không biết ông còn nhớ về chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 chứ?
Thời điểm ấy tôi đã bắt đầu tham gia thị trường như một người làm nghề nhưng vẫn còn nghiệp dư và hầu hết vẫn đều theo bạn bè hoặc môi giới.
Thị trường tăng, ai cũng có lãi, gần như không ai nghĩ tới thị trường giảm. Công ty nào mới thành lập là có thể mua bán vài chấm dù chả biết nó làm gì.
Và rồi thị trường rơi mạnh, lúc đó ông có lỗ không?
Thật may là đúng lúc thị trường rơi thì tôi lại cùng gia đình sống tại Mỹ và không có khoản đầu tư nào. Một năm ở Mỹ, tôi theo dõi thị trường nhiều hơn, hiểu sự vận hành của nó và quan trọng nhất là tôi không còn nghĩ chứng khoán dễ ăn nữa.
Cũng giai đoạn này, khi ở Mỹ, tôi có tiếp chuyện và trao đổi khá thường xuyên với một bạn thua lỗ nhiều, muốn tự tử và tôi tin rằng những lời động viên của tôi khi đó đã làm bạn ấy thay đổi suy nghĩ.
Từ đó tôi nghĩ rằng, cuối cùng thì kiếm tiền cũng chỉ là để sống. Cuộc sống của tôi và gia đình chắc không tốt hơn nhiều nếu có thêm tiền, nhưng chắc chắn nó sẽ rất tệ nếu mất nhiều tiền.
Sau đó, tôi lựa chọn an toàn trong đầu tư theo nghĩa không bỏ hết tiền mình có vào chứng khoán cũng như không vay nợ để đầu tư.
TTCK sau đó giằng co mãi cho đến năm 2016 mới chính thức bước vào đợt tăng trưởng mới. Trong thời gian đó, ông đã đầu tư như thế nào?
Giai đoạn từ 2011 đến 2016 tôi mua bán rất ít, gần như chỉ giao dịch khi nhớ ra vì cổ phiếu có sẵn thì hoặc bị khóa hoặc nó lỗ nên tôi cứ để kệ đó. Giai đoạn này cũng là lúc gia đình tôi quyết định trở lại nước Anh sinh sống và làm việc sau 5 năm ở Việt Nam.
Tôi đặc biệt thích mua các cổ phiếu trà đá, tức là có thị giá thấp trong giai đoạn này. Mua xong để đó, có khi lỗ vài chục % vẫn cứ để. Tôi cũng gần như không bao giờ dùng margin với các cổ phiếu khác.
Ông có bạn bè đầu tư chung từ thời đó không? Mọi người vẫn còn nói chuyện về chứng khoán với nhau?
Tôi có nhiều bạn không chỉ vì làm chứng khoán hay đầu tư chung. Gặp bạn bè chủ yếu bia hơi hay cà phê tán phét là chính, còn nói chuyện về chứng khoán với bạn bè thì tôi gần như không chủ động, trừ khi họ hỏi ý kiến tôi.
Tôi tin rằng đầu tư chứng khoán là những quyết định hết sức cá nhân, thậm chí việc ai đó đầu tư nên là bí mật.
Ông nhìn nhận lớp nhà đầu tư F0 hiện nay như thế nào? Họ có giống ông lúc mới bước chân vào thị trường?
Họ khác tôi khi đó rất nhiều. Khi tôi mới vào với tư cách nhà đầu tư, tôi gần như không biết gì, TTCK cũng còn quá mới với Việt Nam. Bây giờ, dù các nhà đầu tư cũng coi như mới vào nhưng chắc chắn được tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, có nhiều người để học hỏi hơn và đặc biệt được hướng dẫn tận tình hơn. Gọi là F0 nhưng thực ra xuất phát điểm của họ tốt hơn nhiều so với F0 của 15-20 năm trước.
Sự khác biệt nhiều nhất, nếu so sánh họ với những người kỳ cựu trên thị trường, là họ có sự lạc quan của những người chưa biết “múa bên trăng” là gì. Giờ thì chắc là biết rồi.
Còn về kiến thức, đôi khi đó không phải là yếu tố quyết định thành công trong đầu tư chứng khoán, nó chỉ có ý nghĩa bạn đón nhận thành công hay thất bại một cách bình thản hay hoảng hốt.
Là người đi trước, ông có thể đưa ra lời khuyên nào cho nhà đầu tư F0?
Tôi nghĩ mọi F0 sẽ vẫn là F0 cho đến khi họ đối mặt với một khoản lỗ từ quyết định đầu tư. Bởi vậy, chừng nào bạn mua đâu lãi đó thì hãy kiềm chế, chỉ nên tiếp tục với số tiền đang đầu tư, đừng tìm cách huy động thêm, cho đến khi bạn bị lỗ. Sau đó, tôi không cần phải khuyên bạn nữa.
Ông từng làm việc tại một trong những công ty chứng khoán (CTCK) ra đời đầu tiên. Ngành chứng khoán bây giờ chắc đã trưởng thành hơn nhiều?
Giai đoạn đầu, các CTCK cũng có những dịch vụ gần như bây giờ, nhưng chỉ là công nghệ lạc hậu và hành lang pháp lý chưa chặt chẽ. Sự khác biệt từ thời kỳ đó đến bây giờ có thể dễ dàng kể ra như hoạt động môi giới đã không còn là việc viết phiếu lệnh, gọi điện thoại và nhập lệnh tại sàn, hay như dịch vụ tài chính đã chuẩn hóa thành margin thay vì lách qua các thỏa thuận hợp tác đầu tư, hoặc phân tích tư vấn đầu tư không còn là các tờ A4 giới thiệu hồ sơ doanh nghiệp, còn các dịch vụ ngân hàng đầu tư đã không chỉ còn là việc làm thủ tục lên sàn.
Nhìn chung, công nghệ và sự hoàn thiện hơn về pháp lý đã thay đổi cách các CTCK vận hành từ các tổ chức đơn giản là làm thủ tục sang các tổ chức cung cấp dịch vụ thông minh hơn.
Trong suốt hơn 20 năm đầu tư, đâu là giai đoạn ông gặp khó khăn nhất? Khi đó, ông có muốn buông bỏ thị trường không?
Giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn khó khăn nhất nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ thị trường. Lúc đó chỉ nghĩ rằng mình cần phải bám vào nghề chính là nghề giáo và chứng khoán là nghề phụ.
Ông đánh giá TTCK có những thay đổi nào lớn nhất sau hơn 20 năm?
Số cổ phiếu nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, nhiều nhà đầu tư hơn, kiến thức họ tốt hơn và đồng thời các đội nhóm lái cổ phiếu cũng tinh vi hơn.
Có một thứ không bao giờ thay đổi là tâm lý đám đông: Tham khi tăng và sợ hãi khi giảm. Sự thái quá trong tâm lý tạo ra cơ hội thị trường, nhưng đồng thời cũng là vùng màu mỡ của các đội làm giá.
Ông nhìn nhận thế nào về chứng khoán phái sinh?
Phái sinh là một công cụ, đến lúc phải có thì nó có như một sự tự nhiên. Nhưng ở hiện tại, nó có vẻ như dễ thao túng quá khi nhóm cổ phiếu cơ sở không thực sự tạo ra sự khách quan cần thiết.
Tôi có vài lần thử giao dịch phái sinh như một công cụ phòng ngừa rủi ro nhưng không thành công. Tôi cầm cổ phiếu, sợ thị trường xuống nên tôi bán phái sinh để phòng ngừa rủi ro thì kết cục là giá cổ phiếu vẫn xuống còn thị trường thì lại tăng.
Vì không cầm được cả nhóm cơ sở, nên tôi không nghĩ phái sinh có thể phòng ngừa được mà có tính đầu cơ nhiều hơn. Đó là lý do tôi gần như ít dùng vì không có máu mạo hiểm đòn bẩy kiểu đó.
Phái sinh chắc chắn không phải là công cụ để đầu tư. Nó được dùng hoặc để đầu cơ hoặc để phòng ngừa rủi ro nhưng cái này khó làm ở Việt Nam nên cuối cùng vẫn là công cụ đầu cơ. Nói cách khác, trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, chúng ta đã tạo thêm công cụ để đầu cơ chứ không phải là để phòng ngừa rủi ro như kỳ vọng. Và vì đầu cơ với tỷ lệ đòn bẩy cao nên dễ tạo cảm hứng chi phối nhóm cơ sở.
Suốt chiều dài lịch sử chứng khoán, không ít lần thị trường đối mặt với những thông tin bắt bớ, từ vụ “bầu Kiên” cho đến gần đây là ông Trịnh Văn Quyết. Khi đối mặt với những thông tin này, ông đã hành động như thế nào?
Trong cách tiếp cận của tôi, việc tôi nghĩ gì không quan trọng bằng thị trường nghĩ, mà thị trường thì suy nghĩ rất đơn giản. Khi có thông tin tiêu cực dạng bắt bớ, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, “chuồn là thượng sách”. Ai cũng chạy thì bạn không nên đứng ra kêu gọi mọi người đứng lại, mà đơn giản nhất là chạy theo.
Và đương nhiên, nếu bạn đoán được họ sẽ chạy thì càng tốt. Đó là tâm lý học hành vi. Bạn nhìn thị trường hành động nhưng quan trọng là cần nhận thấy đó là phản ứng thái quá hay đó là phản ứng hợp lý dựa trên kiến thức của mình. Đừng cố làm điều hợp lý khi thị trường vô lý và ngược lại khi thị trường hợp lý thì ta không nên hành động vô lý.
Trân trọng cảm ơn ông.
Chí Kiên
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|