Thứ Sáu, 03/06/2022 13:32

Tình trạng lạm phát cao ở Mỹ có dẫn đến suy thoái?

Trong khi sự phục hồi vẫn đang diễn ra, một số chỉ số kinh tế lại cho thấy tiêu dùng đang chững lại, các hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng trở nên bi quan. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải phản ứng nhanh hơn với những chính sách linh hoạt thay vì cứng rắn như năm 2021.

Nguồn: Project Syndicate

*Bài viết thể hiện quan điểm của Michael R. Strain

Các tín hiệu suy thoái đang xuất hiện

Tốc độ gia tăng nhanh chóng của lạm phát ở Mỹ đang che dấu các dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể đe dọa sự tăng trưởng bền vững hiện tại. Trong khi chỉ số tiêu dùng cá nhân tăng 3.4% trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022. Do được tính toán trên giá cao hơn nên chi tiêu tiêu dùng cá nhân nhìn chung là không đổi. Doanh số bán lẻ điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát thậm chí còn tồi tệ hơn, đã đi ngang kể từ tháng 3 năm 2021.

Sự chững lại này cũng được thể hiện trong dữ liệu điều tra dư luận. Một cuộc thăm dò của CNBC-Momentive vào tháng trước cho thấy hơn một nửa số người Mỹ đã ăn uống ít hơn và hơn một phần ba đã hạn chế việc lái xe hoặc hủy các đăng ký mua hàng. Việc cắt giảm chi tiêu như vậy có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn: 40% số người được hỏi cho biết nếu giá cả vẫn tiếp tục tăng cao hơn, họ sẽ cân nhắc hủy bỏ một kỳ nghỉ; 76% bày tỏ lo ngại rằng tình trạng hiện nay buộc họ phải suy nghĩ lại về các lựa chọn tài chính của mình.

Củng cố cho những phát hiện này, lạm phát đã khiến chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan (University of Michigan’s consumer sentiment index) xuống thấp nhất trong một thập kỷ, thậm chí thấp hơn so với mùa xuân năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột ngột và kinh tế suy giảm nghiêm trọng.

Nhu cầu tiêu dùng trì trệ và các kế hoạch giảm bớt chi tiêu trong tương lai không có gì đáng ngạc nhiên vì lạm phát đã làm giảm mức lương thực tế của hầu hết lực lượng lao động. Cho đến nay, người tiêu dùng vẫn duy trì mức chi tiêu hiện tại, bất chấp việc giá cả cao hơn sẽ tác động đáng kể đến ngân sách hộ gia đình. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài mãi mãi và thậm chí có thể không kéo dài đến nửa cuối năm 2022.

Do chi tiêu tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Mỹ nên các doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho sự giảm tốc trong tương lai. Tháng trước, một cuộc khảo sát của Fed tại Philadelphia cho thấy các doanh nghiệp sản xuất đặt kỳ vọng rất thấp về việc gia tăng hoạt động trong tương lai và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2008, giai đoạn tăm tối của thời kỳ Đại suy thoái. Kết quả khảo sát cho thấy giá nguyên liệu đầu vào của hơn 85% doanh nghiệp đã gia tăng.

Tương tự, trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4 về các doanh nghiệp nhỏ của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB), chỉ có 4% doanh nghiệp cho rằng ba tháng tới là thời điểm tốt để mở rộng kinh doanh, giảm hơn một nửa so với sáu tháng trước đó. Mùa thu năm ngoái, các doanh nghiệp thường kỳ vọng doanh số bán hàng cao hơn trong ba tháng tới; song hiện nay, đã có thêm 12% doanh nghiệp cho rằng doanh số bán hàng sẽ thấp hơn trong ba tháng tới so với doanh số bán hàng cao hơn.

Những phát hiện này thật đáng lo ngại bởi vì chúng chỉ ra rằng người tiêu dùng, các hộ gia đình và doanh nghiệp đang ngày càng trở nên bi quan. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói về việc tăng lãi suất “khẩn trương”. Phe diều hâu trong ủy ban hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đang thúc đẩy hành động này tích cực hơn nữa. Ví dụ, James Bullard, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, muốn thấy lãi suất chính sách của Fed đạt mức 3.25-3.5% vào cuối năm nay.

Con đường đó cuối cùng có thể cần thiết. Nhưng với những tín hiệu cảnh báo đang xuất hiện, bao gồm cả sự chậm lại của tăng trưởng lương trung bình danh nghĩa vào tháng 4, Fed nên cẩn thận để không tự khóa mình vào một lộ trình hành động cụ thể bằng cách điều chỉnh kỳ vọng thị trường một cách cẩu thả bằng những lời lẽ gay gắt. Rốt cuộc, những người ủng hộ Fed có thể đang đánh giá quá cao mức độ khó khăn của việc hạ nhiệt nền kinh tế. Thông thường, Fed cần phải đưa ra các biện pháp mạnh để hạ nhiệt nền kinh tế. Nhưng thị trường lao động ngày nay eo hẹp vì tuyển dụng quá nhiều, trình độ không cao. Giảm bớt vị trí tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn so với việc sa thải nhân viên.

Hơn nữa, các điều kiện tài chính đã và đang phản ứng nhanh chóng với khả năng thắt chặt tiền tệ, với lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và lãi suất thế chấp cố định 30 năm tăng vọt từ khoảng 3% vào đầu năm lên hơn 5% trong tháng này. Hơn nữa, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ ở một mức độ nào đó, giảm thêm gánh nặng của Fed.

Ngoài ra, kỳ vọng lạm phát dài hạn ổn định một cách hợp lý, có nghĩa là Fed sẽ dễ dàng thiết lập lại lạm phát ngắn hạn hơn so với những năm 1970 và 1980, khi các kỳ vọng dài hạn cần được thiết lập lại từ những vết xước.

Fed đã phản ứng một cách bị động và chậm đưa ra các quyết sách hiệu quả trong suốt năm 2021. Không nhận thức được các yếu tố tác động và mức độ gây ra áp lực lạm phát, Fed đã “đổ dầu vào lửa”. Nếu nền kinh tế đột ngột giảm tốc thì Fed cần phản ứng nhanh hơn với những chính sách linh hoạt thay vì cứng rắn như năm 2021.

Nước Mỹ có phải trải qua một cuộc suy thoái trong năm tới hay không phụ thuộc vào khả năng giữ cân bằng chính sách kinh tế vĩ mô của Fed.

Giới thiệu tác giả Michael R. Strain

Michael R. Strain là một nhà kinh tế học người Mỹ. Ông hiện là giám đốc Nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Ông cũng là thành viên nghiên cứu tại Viện Kinh tế Lao động (IZA), và là người viết chuyên mục cho Bloomberg Opinion. Nghiên cứu của Strain tập trung vào kinh tế lao động, tài chính công và chính sách xã hội

Strain tốt nghiệp trường trung học Rockhurst ở thành phố Kansas, bang Missouri, trước khi theo học trường đại học Marquette và tốt nghiệp đại học tại đây. Ông có bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Cornell.

Ông là biên tập viên của cuốn “The US Labor Market: Questions and Challenges for Public Policy”; Đồng biên tập (cùng với Stan Veuger) sách “Economic Freedom and Human Flourishing: Perspectives from Political Philosophy”.

Strain đã xuất bản nhiều nghiên cứu học thuật, trong đó có Chương trình Bảo vệ Tiền lương, Tín dụng Thuế Thu nhập Kiếm được, chênh lệch lương theo giới, ảnh hưởng của luật lương tối thiểu, Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và cho vay ngắn hạn. Ông đã công bố nghiên cứu chính sách về tăng việc làm, thuế suất thu nhập cận biên "tối ưu về mặt xã hội", các chương trình bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ việc làm, tác động của mất việc làm và ngân sách liên bang.

Nguồn: https://www.michaelrstrain.com/

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   Chuyên gia đoạt giải Nobel kinh tế: Nâng lãi suất cũng không thể “chữa lành” căn bệnh lạm phát (27/05/2022)

>   Trung Quốc loay hoay hồi sinh thị trường bất động sản (27/05/2022)

>   Lạm phát và lãi suất tăng cao bóp nghẹt các nền kinh tế lớn (27/05/2022)

>   Nga sẽ kiểm soát các công ty nước ngoài muốn rời thị trường (26/05/2022)

>   Vòng xoáy lạm phát đe dọa đẩy giá cả leo thang trên toàn cầu (26/05/2022)

>   NHTW Nga giảm lãi suất từ 14% xuống 11% (26/05/2022)

>   Mỹ: Thâm hụt ngân sách chính phủ dự kiến giảm xuống mức 1.000 tỷ USD (26/05/2022)

>   Thủ tướng Trung Quốc: Nền kinh tế đang tệ hơn so với năm 2020 (26/05/2022)

>   Những con số gây sốc về tỷ phú và người nghèo (26/05/2022)

>   Biên bản họp của Fed phát tín hiệu nâng lãi suất vượt dự báo của thị trường (26/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật