Thứ Sáu, 27/05/2022 06:36

Lạm phát và lãi suất tăng cao bóp nghẹt các nền kinh tế lớn

Các chỉ số kinh tế của những nền kinh tế lớn và giàu nhất thế giới đều lao dốc trong tháng 5. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã triệt tiêu sức mạnh tiêu dùng.

Theo Wall Street Journal, theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 24/5, tăng trưởng ở Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu lao dốc trong tháng 5 do lạm phát và lãi suất gia tăng tác động tới nhu cầu.

Theo các cuộc khảo sát của S&P Global, hoạt động kinh doanh trong ngành dịch vụ ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Anh và Australia đều tăng trưởng chậm hơn trong tháng 5 do giá cả tăng.

Các nhà máy trên khắp thế giới cũng đối mặt với những gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine, chi phí nhiên liệu và lao động tăng cao.

Lạm phát ảnh 1

Tăng trưởng ở Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu lao dốc trong tháng 5 do lạm phát và lãi suất gia tăng tác động tới nhu cầu. Ảnh: Wall Street Journal.

Mỹ, Anh và châu Âu đều gặp khó

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, vào tháng 4, doanh số bán nhà mới đã lao dốc trong tháng thứ 4 liên tiếp. Tháng 4 cũng ghi nhận tốc độ bán hàng chậm nhất kể từ tháng 4/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Sự sụt giảm cho thấy thị trường nhà ở đang giảm tốc tăng trưởng trong bối cảnh giá nhà tăng cao, lãi suất vay thế chấp tăng.

Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt trở ngại, từ các đợt phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc, giá lương thực và thực phẩm tăng cao, chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách để đối phó với lạm phát tăng cao.

Một số doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng, thậm chí thu hẹp trong năm nay.

Theo các cuộc khảo sát đối với những doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn và giàu nhất thế giới, hoạt động kinh doanh vẫn được hỗ trợ bởi chiến lược "sống chung với virus". Những lĩnh vực như du lịch đã phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, các xung đột địa chính trị và lãi suất đi lên đã khiến triển vọng trở nên u ám hơn.

Tại Mỹ, S&P Global cho biết PMI (chỉ số quản lý thu mua) tổng hợp - đo lường hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đạt 53,8 trong tháng 5, giảm so với 56 của tháng 4 và là mức tăng trưởng yếu nhất trong 4 tháng.

Còn PMI đối với các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của khu vực đồng EUR đã giảm từ mức 55,8 vào tháng 4 xuống 54,9 trong tháng 5.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong quý I/2022, sản lượng kinh tế của 38 quốc gia thành viên chỉ cao hơn 0,1% so với quý cuối năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 1,2% được ghi nhận trong quý IV/2021.

Đối mặt với gánh nặng từ giá năng lượng tăng cao vì xung đột Nga - Ukraine, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã chuẩn bị cho khoảng thời gian khó khăn sắp tới.

"Giờ đây, không thể chối cãi rằng thiệt hại kinh tế từ cuộc chiến đã lan tỏa trên toàn thế giới", Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe bình luận sau cuộc họp với các bộ trưởng tài chính khác trong khu vực đồng EUR.

"Giá cả tăng cao và tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm đang hoành hành khắp thế giới. Hậu quả trở nên rất nghiêm trọng với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội", ông chức nhấn mạnh.

Kinh tế toàn cầu chao đảo

Theo các cuộc khảo sát, hoạt động kinh tế của Anh đã hứng chịu tác động nặng nề bởi cuộc chiến ở Ukraine. S&P Global cho biết PMI của nước này đã giảm từ mức 58,2 trong tháng 4 xuống 51,8 vào tháng 5, mức thấp nhất trong 15 tháng.

Vào tháng 4, lạm phát của Anh đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ do giá năng lượng hộ gia đình tăng vọt.

"Ở Anh, chúng tôi đang đối mặt những tác động tiêu cực lớn đối với thu nhập thực tế, bởi giá các mặt hàng nhập khẩu, nhất là năng lượng, tăng cao", ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Anh - bình luận.

"Chúng tôi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu", ông nói thêm.

Trích dẫn tác động của cuộc xung đột đối với giá năng lượng và lương thực, tuần trước, Liên Hợp Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4% xuống 3,1%.

Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 3,5% xuống 2,6%.

Lạm phát ảnh 2

Tại Anh, các chỉ số kinh tế lao dốc, trong khi lạm phát tháng 4 đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ do giá năng lượng hộ gia đình tăng vọt. Ảnh: NEIL HALL/SHUTTERSTOCK.

IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 do tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với giá lương thực, nhiên liệu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,6% trong năm nay, giảm từ 6,1% hồi năm ngoái. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.

"Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn do xung đột ở Ukraine", ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế tại IMF - nhận định. "Ảnh hưởng của cuộc xung đột sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn", vị chuyên gia cảnh báo.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Nga sẽ kiểm soát các công ty nước ngoài muốn rời thị trường (26/05/2022)

>   Vòng xoáy lạm phát đe dọa đẩy giá cả leo thang trên toàn cầu (26/05/2022)

>   NHTW Nga giảm lãi suất từ 14% xuống 11% (26/05/2022)

>   Mỹ: Thâm hụt ngân sách chính phủ dự kiến giảm xuống mức 1.000 tỷ USD (26/05/2022)

>   Thủ tướng Trung Quốc: Nền kinh tế đang tệ hơn so với năm 2020 (26/05/2022)

>   Những con số gây sốc về tỷ phú và người nghèo (26/05/2022)

>   Biên bản họp của Fed phát tín hiệu nâng lãi suất vượt dự báo của thị trường (26/05/2022)

>   Ireland vẫn là thị trường đầu tư định cư triển vọng (27/05/2022)

>   Bill Ackman: Lạm phát chỉ giảm khi Fed mạnh bạo hơn hoặc thị trường chứng khoán sụp đổ (25/05/2022)

>   Vỡ nợ địa ốc ở Trung Quốc vẫn tăng cao (24/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật