Hàng triệu nhà đầu tư F0 chao đảo vì cú rơi của chứng khoán Mỹ
Với các gói kích thích kinh tế chưa từng có, hàng triệu người bắt đầu tham gia thị trường vào năm 2020. Họ chưa hề chuẩn bị cho hàng loạt vấn đề làm chao đảo thị trường hiện giờ.
Những lo ngại về lãi suất tăng cao, lạm phát tăng nóng và tăng trưởng giảm tốc bởi các thách thức trên toàn cầu đã khiến những chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm điểm. Vấn đề nằm ở chỗ hàng triệu nhà đầu tư mới chưa chuẩn bị cho môi trường giao dịch nguy hiểm như hiện nay.
CNN chỉ ra trong 2 năm qua, khoảng 20 triệu người đã bắt đầu đầu tư chứng khoán. Theo một cuộc khảo sát năm 2021, những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường vào năm 2020 chiếm tới 15% tổng số nhà đầu tư trên thị trường.
Tiền mã hóa và các cổ phiếu meme đã tăng giá không tưởng trong năm ngoái. Ảnh: Reuters.
|
Hàng triệu nhà đầu tư F0
Khi đại dịch bùng phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Cơ quan này cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Với các khoản tiền được hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tăng trưởng nóng, cổ phiếu meme, tiền mã hóa và những tài sản rủi ro khác. Bước sang năm 2022, giá cổ phiếu của các công ty như GameStop, AMC, Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác đã lao dốc nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 vẫn đang ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch.
Các nhà đầu tư đã mua điên cuồng những cổ phiếu meme, SPAC và NFT. Giờ, chúng ta đang chứng kiến làn sóng bán tháo điên cuồng không kém.
Ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư của BNY Mellon Wealth Management
|
Theo ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư của BNY Mellon Wealth Management, các nhà đầu tư mới này chưa bao giờ trải qua thời kỳ lạm phát và lãi suất tăng cao. Sự thay đổi đột ngột trong môi trường kinh doanh sẽ làm gia tăng tình trạng hỗn loạn trên thị trường.
"Các nhà đầu tư đã mua điên cuồng những cổ phiếu meme, SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt), NFT (token không thể thay thế). Giờ, chúng ta đang chứng kiến làn sóng bán tháo điên cuồng không kém", ông bình luận.
Còn theo ông Joshua Brown - đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của Ritholtz Wealth Management, hầu hết nhà đầu tư chưa chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường giao dịch hiện tại.
"Tôi từng trải qua bong bóng công nghệ dot-com, sự kiện ngày 11/9, bê bối Enron, vụ gian lận WorldCom, sự sụp đổ của Lehman Brothers và một loạt cuộc khủng hoảng khác. Nhưng đây là một trong những môi trường đầu tư nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy", ông Brown nói thêm.
Trong cuộc họp cổ đông mới đây, ông Charlie Munger - Phó chủ tịch Berkshire Hathaway - mô tả thị trường chứng khoán gần như đã trở thành "chứng cuồng đầu cơ".
"Chúng ta thấy những nhà đầu tư không biết gì về chứng khoán, được tư vấn bởi các nhân viên môi giới chứng khoán - những người thậm chí còn biết ít hơn", ông chia sẻ.
Không nên quá hoảng loạn
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích kỹ thuật cho rằng giới đầu tư không nên quá lo lắng.
Theo dữ liệu của S&P Dow Jones Indices, kể từ năm 1932, 14 thị trường tăng trưởng đã thu về mức tăng trung bình 175%. Trong khi đó, tính từ năm 1929, 14 thị trường suy giảm dẫn tới mức lỗ trung bình chỉ 39%.
Xu hướng giảm cũng ngắn hơn nhiều so với tăng. Kể từ năm 1932, thị trường suy giảm đã xảy ra trung bình 56 tháng/lần, tức khoảng 4,5 năm. Nhưng chúng chỉ kéo dài khoảng một năm, ngắn hơn nhiều so với các đợt tăng giá tương ứng.
"Nếu tránh được một cuộc suy thoái, chúng ta có thể chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ", Trưởng bộ phận Chiến lược Đầu tư Liz Young tại SoFi nhận định.
Kể từ những năm 1970, giai đoạn chỉ số S&P 500 giảm hơn 10% mà không xảy ra suy thoái, chứng khoán đã tăng vọt trong vòng vài tuần sau khi sụt giảm.
Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái đã được thể hiện trên thị trường. Do đó, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất mà không gây ra suy thoái, thị trường có thể tăng điểm mạnh mẽ.
Vào cuối tuần trước, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã bước vào tuần thứ 7 giảm điểm liên tục. Đối với 2 chỉ số này, đây là khoảng thời gian bất ổn dài nhất kể từ năm 2001 và 2002.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy với chuỗi giảm điểm kéo dài 6 tuần, mức lợi nhuận trung bình của S&P 500 thường đạt trên 10% sau một năm.
"Giờ có thể là thời điểm thích hợp để đặt cược vào thị trường trong ngắn hạn", ông Rocky White tại Schaeffer's Investment Research bình luận.
Thêm vào đó, theo các nhà phân tích, chỉ số biến động - thường là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall - thấp hơn đáng kể so với 2 cuộc suy thoái trước đó.
Thảo Phương
ZING
|