Thứ Bảy, 09/07/2022 10:00

Fed không đáng phải chịu tất cả trách nhiệm khi lạm phát bùng nổ

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn phải chịu trách nhiệm về tình trạng lạm phát cao. Nhưng những áp lực chính trị từ những phân tích lạc quan về chính sách tín dụng cởi mở, chưa kể đến những bất ổn về lạm phát và lãi suất thực, cũng đóng một vai trò rất lớn.

Nguồn: Project Syndicate

* Bài viết thể hiện quan điểm của Kenneth Rogoff

Áp lực chính trị đè nặng lên Fed

Những lời chỉ trích ngày càng nhiều và hầu hết đều đổ lỗi cho Fed về tình trạng lạm phát gia tăng của nước Mỹ. Nhưng phần lớn những lời chỉ trích đều ngây thơ đến kinh ngạc về những áp lực chính trị mà Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới phải chịu đựng trong những năm gần đây.

Tại Hoa Kỳ, áp lực lên Fed đã lên đến đỉnh điểm khi Đảng Dân chủ, mong muốn đưa các chính sách kích thích cởi mở vào thực tiễn, đã nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội vào tháng 1/2021. Đúng vậy, Fed có sự độc lập đáng kể về nhiều mặt nhưng nó không được hưởng sự độc lập về thể chế gần giống như Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Thay vào đó, Fed là một tổ chức của Quốc hội, về lý thuyết, có thể được thay đổi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là nhiệm kỳ của chủ tịch Fed luôn kết thúc sau một năm kể từ nhiệm kỳ của chủ tịch mới và chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng có thể thực hiện một vài sự bổ nhiệm khác đối với Fed. Mặc dù ý tưởng “Fed packing” (thêm các vị trí mới để nghiêng về phe chiếm đa số phiếu bầu của ngân hàng trung ương) chưa bao giờ đạt được, các quan chức Fed chắc chắn nhận thấy cuộc thảo luận của chính quyền Biden về việc có nên chống lại sự bảo thủ của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bằng cách tăng số lượng thẩm phán hay không.

Với nỗ lực của Biden trong việc thúc đẩy những gói kích thích tài khóa lớn thì làm sao Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2021 khi lạm phát bắt đầu tăng? Hầu hết các nhà kinh tế vẫn chưa coi lạm phát là một mối quan tâm kinh tế vĩ mô lớn. Hãy nhớ rằng khi Lawrence Summers, đồng nghiệp tại Đại học Harvard của tôi, bắt đầu cảnh báo nhẹ về lạm phát vào tháng 2/2021, nhiều nhà kinh tế vẫn chưa coi sự phục hồi lâu dài từ đại dịch COVID-19 là điều hiển nhiên.

Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa tiến bộ bị mê hoặc bởi ý tưởng rằng nợ liên bang của Mỹ có thể tăng lên đáng kể mà không gây ra sự gia tăng nào về lạm phát hoặc lãi suất. Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (Modern Monetary Theory), hay MMT, một phiên bản cực đoan của ý tưởng này. Nó kêu gọi Fed mua thêm nợ khi Bộ Tài chính phát hành nó, nhiều tín đồ của lý thuyết này là những người có sức ảnh hưởng trong chính trị và truyền thông. Gần đây nhất vào tháng 2/2022, với lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ ở mức 7.9%, tờ New York Times đã công bố một danh sách những người đại diện cho lý thuyết MMT ủng hộ Stephanie Kelton.

Nếu Fed bắt đầu tăng lãi suất liên bang trong nửa đầu năm 2021, thậm chí một phần tư hoặc nửa điểm phần trăm, chính quyền Biden sẽ chắc chắn rằng hành động của ngân hàng trung ương sẽ gây ra một đợt suy thoái sau đó. Và những người ủng hộ MMT sẽ nói rằng phép thử của họ chưa bao giờ có cơ hội được thực hiện.

Đây hẳn là một lời chỉ trích có sức nặng đối với Fed, trong bối cảnh lạm phát đã được kiềm chế trong một khoảng thời gian dài. Trước đại dịch, ngoại trừ một số trường hợp cực đoan như Argentina và Venezuela, lạm phát dường như đã biến mất. Đồng thời, lãi suất hiện hành thấp có nghĩa là nhiều chính phủ được khuyến khích thực hiện thâm hụt tài khóa lớn hơn.

Các nhà kinh tế học theo khuynh hướng trung dung như Olivier Blanchard đã có những lập luận rằng các chính phủ nên bớt lo lắng về nợ hơn so với trước đây vì lãi suất sẽ vẫn ở mức rất thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP. Những người khác nhấn mạnh rằng các chính phủ nên cho phép nợ gia tăng trong các cuộc suy thoái và khủng hoảng nhưng không quá lo lắng về việc chủ động hạ nó xuống trong thời kỳ bùng nổ. Có vẻ như lạm phát không phải là một mối lo ngại quá lớn.

Thật vậy, cái gọi là "tiền trực thăng" (Helicopter money) hoặc tài trợ của các ngân hàng trung ương cho thâm hụt tài chính đã được quảng bá rộng rãi như một cách để kích thích các nền kinh tế khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhận thấy họ không thể cắt giảm lãi suất đã gần bằng 0. Mặc dù một số người trong chúng ta có những lập luận mạnh mẽ rằng MMT và thậm chí các phiên bản nhẹ nhàng hơn của nó đã mắc phải sai lầm sâu sắc nhưng đó là một ý tưởng hấp dẫn. Cho đến khi lạm phát thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát, chúng ta rất khó để chứng minh một cách rõ ràng những sai sót của nó.

Nhưng tại sao Fed lại từ chối hành động khi giá tăng cả tăng nhanh vào cuối năm 2021? Một phần lời giải thích có thể là các nhà kinh tế của Fed thực sự nghĩ rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, quyết định của ông Biden khi hoãn lại việc tái bổ nhiệm Chủ tịch Fed Jerome Powell cho đến cuối tháng 11/2021 cũng đóng một vai trò lớn. Nếu Fed bắt đầu tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2021, tổng thống có thể sẽ thay thế Powell bằng một người ôn hòa hơn và thị trường sẽ ngay lập tức giảm giá.

Liệu có cách nào để Fed có thể tự tách mình ra khỏi những áp lực như vậy trong tương lai không? Tôi thực sự có lỗi với Fed vì đã không nghiêm túc xem xét ý tưởng về chính sách lãi suất âm vào năm 2019 như một kế hoạch dự phòng chống lại giảm phát. Công bằng mà nói, nghiệp vụ kinh tế cũng đã bị tụt hậu rất nhiều về mặt đó. Phần lớn sự phản kháng về mặt lý trí đối với lãi suất âm là rất hời hợt và cần được giải quyết vào những lần họp tới.

Nếu Fed có một công cụ mạnh mẽ hơn để chống lại giảm phát thì có khả năng Fed sẽ dũng cảm tăng lãi suất sớm hơn khi lạm phát gia tăng. Tác động đầy đủ của chính sách tiền tệ đối với lạm phát thường mất vài quý mới xuất hiện và Fed cần sự tự tin để hành động nhanh hơn.

Tóm lại, Fed chắc chắn sẽ chịu phần lớn trách nhiệm trong vấn đề lạm phát leo thang hiện nay. Nhưng những áp lực chính trị từ những phân tích lạc quan về chính sách tín dụng cởi mở, chưa kể đến những bất ổn về lạm phát và lãi suất thực, cũng đóng một vai trò rất lớn.

Giới thiệu tác giả Kenneth Rogoff

Kenneth Rogoff là giáo sư kinh tế học và chính sách công tại Đại học Harvard. Ông từng là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - International Monetary Fund) từ năm 2001 đến 2003.

Ông là đồng tác giả của các cuốn sách This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly và The Curse of Cash.

Nguồn: World Economic Forum

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Lạm phát tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần nửa năm  (11/05/2022)

>   Hãng chip lớn nhất thế giới TSMC lại chuẩn bị tăng giá (11/05/2022)

>   Ông Biden tính dỡ thuế quan Mỹ-Trung thời ông Trump để kéo lạm phát xuống (11/05/2022)

>   Fed khẳng định sẽ nhanh chóng tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát (11/05/2022)

>   Nhiều nước châu Âu ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục (10/05/2022)

>   Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng yếu nhất 2 năm do phong tỏa ở Thượng Hải (10/05/2022)

>   Nhà kinh tế học trở thành Tổng thống Costa Rica (10/05/2022)

>   Kinh tế Trung Quốc phát đi nhiều dấu hiệu sụt tốc (10/05/2022)

>   Nếu Fed ''ăn mừng'' quá sớm, kinh tế Mỹ có thể suy thoái 2 đáy (10/05/2022)

>   Hạ cánh mềm nền kinh tế: Fed cần vận may (09/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật