Nghịch lý và thiếu công bằng!
Làn sóng cán bộ công chức, viên chức bỏ việc đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong hơn một năm qua, gây ra tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong các ngành dịch vụ công, nhất là y tế và giáo dục. Đây có thể xem là hệ quả của một nghịch lý đã tồn tại từ nhiều năm nay khi một mặt các công chức, viên chức luôn được yêu cầu phải học bổ sung nhiều kiến thức, bằng cấp để đáp ứng những tiêu chuẩn mới cũng như yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày một cao hơn của xã hội, nhưng mặt khác, nhu cầu có được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống của chính họ thì hầu như không được đáp ứng.
Suốt hàng chục năm qua vấn đề cải cách tiền lương cho khu vực công liên tục được đặt ra, nhưng gần như đều rơi vào bế tắc do vấp phải rào cản về quỹ lương mà ngân sách nhà nước có thể trang trải.
Đây sẽ tiếp tục là bài toán không tìm ra lời giải, trừ khi giải quyết được những nghịch lý và bất công tồn tại trong chính những ngành dịch vụ công do cơ chế còn nặng tính bao cấp tạo ra.
Hãy thử nhìn vào dịch vụ y tế thì sẽ thấy rõ. Sau hơn 30 năm nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách duy trì giá khám chữa bệnh trong hệ thống bệnh viện công ở mức thấp. Mục tiêu là nhằm giúp cho mọi người đều có cơ hội để tiếp cận dịch vụ y tế. Ý định này là tốt, nhưng vấn đề là ở chỗ chính đội ngũ nhân viên y tế của nhà nước lại đang phải trả giá bằng đồng lương còi cọc của mình cho chính sách xã hội này.
Quan trọng hơn, chính sách nhân văn này chỉ có thể đến được những nhóm đối tượng cần hỗ trợ với điều kiện họ có thể tiếp cận được dịch vụ một cách thuận lợi và dễ dàng. Nhưng không khó để nhận ra nhóm có lợi thế nhất để tiếp cận dịch vụ y tế công chính là cư dân ở các khu đô thị lớn, hay gần những đô thị lớn, chứ không phải cư dân nông thôn hay người sống ở vùng sâu vùng xa – nhóm người có thu nhập thấp và cần chính sách xã hội của Nhà nước nhất.
Tình trạng này cũng diễn ra ở ngành giáo dục, nơi con em của những gia đình nghèo thường ít có cơ hội để cạnh tranh cho một suất ở hệ thống trường công, mà rõ nét nhất là ở bậc mầm non.
Đây rõ ràng là điều nghịch lý và thiếu công bằng; thiếu công bằng không chỉ đối với nhân viên làm việc trong hệ thống dịch vụ công lập, mà cả với những người yếu thế trong cơ hội tiếp cận dịch vụ công của Nhà nước.
Thực tế đó cho thấy, giải pháp khả thi nhất hiện nay để giải bài toán thu nhập cho công chức, viên chức, đồng thời cũng là góp phần đem lại công bằng trong xã hội, là tính toán lại giá các loại dịch vụ công theo hướng sao cho gần với giá thị trường hơn và toàn bộ số tiền tăng thu phải được sử dụng để tăng lương theo điều tiết của Nhà nước.
Tất nhiên, sẽ có ý kiến lo rằng tăng phí dịch vụ công sẽ tạo ra gánh nặng cho người nghèo. Nhưng giải quyết vấn đề này không khó; chỉ cần làm như các doanh nghiệp vẫn làm với khách hàng thân thiết của họ, đó là cấp cho mỗi gia đình nghèo, gia đình chính sách một thẻ giảm giá hoặc miễn phí để họ có thể sử dụng ở bất cứ cơ sở dịch vụ công nào. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách dễ dàng và thuận lợi nhất không thuộc về những nhóm đối tượng cần được trợ giúp nhất, nên duy trì chính sách giá dịch vụ nặng bao cấp như lâu nay chỉ càng tạo ra bất công trong xã hội mà thôi.
TBKTSG
|