Thứ Sáu, 19/08/2022 13:28

Hà Nội, TP.HCM thiếu hụt lao động

Báo cáo thị trường lao động 2022 của Navigos Group cho biết tỷ lệ thiếu hụt nhân lực sau đại dịch tại TP.HCM là gần 23% và Hà Nội gần 15%.

Trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks thuộc Navigos Group vừa có báo cáo “Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi”, trong đó cho biết từ đầu năm 2022, thị trường lao động Việt Nam đã nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, những biến đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã mang đến những xu hướng mới tại thị trường lao động và việc làm trong nước, tác động đến nhu cầu tìm việc của người lao động thời gian qua.

Báo cáo của VietnamWorks được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát với hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam.

Thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM và Hà Nội

Đánh giá về thị trường lao động nửa đầu năm nay, dưới góc độ doanh nghiệp, báo cáo chỉ ra có tới 87% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số 400 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 12% doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30-40% và gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc 10-20%.

Theo các chuyên gia tuyển dụng, đây là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh khi thị trường phục hồi.

Tìm kiếm việc làm ảnh 1

Tình trạng thiếu hụt nhân lực vẫn diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh đó, thị trường tuyển dụng nửa đầu năm nay cũng ghi nhận hiện tượng mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM và Hà Nội đã tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%.

Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về dịch vụ; xây dựng/kiến trúc; bất động sản; bán buôn/bán lẻ; nhà hàng/khách sạn/du lịch; công nghệ thông tin; tài chính/kế toán/kiểm toán…

Từ phía người tìm việc, báo cáo chỉ ra số lượng người lao động đang không có việc làm toàn thời gian chiếm tới 40% số lượng người tìm việc. Trong nhóm nhân sự chưa có việc làm toàn thời gian này, một nửa là người đã thôi việc nhưng chưa có công việc mới, còn lại là nhân sự đang làm thời vụ hoặc tự ra làm riêng…

Nhân sự nhiều ngành khó tìm việc sau dịch

Với thực trạng thị trường như trên, trong giai đoạn cuối năm, báo cáo cho biết có tới 89% doanh nghiệp sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong nửa cuối năm, tuỳ theo quy mô và nhu cầu sản xuất.

Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô 300-1.000 lao động dự kiến tăng tuyển dụng 50-60%; các doanh nghiệp quy mô 101-300 lao động sẽ tăng tuyển dụng 10-40% và các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng dự kiến tăng nhu cầu tuyển dụng thêm 50-60%.

Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch, các doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển người lao động thuộc các phòng ban như kinh doanh/bán hàng; kỹ thuật; công nghệ thông tin; tiếp thị - marketing và tài chính/kế toán/kiểm toán.

Tìm kiếm việc làm ảnh 2

Nhiều người lao động gặp khó khi tìm kiếm việc làm mới sau dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Navigos đánh giá thị trường tuyển dụng sẽ sôi động hơn với nhu cầu tìm kiếm việc làm rất cao của người lao động. Theo đó, có khoảng 65% người lao động ở hầu hết nhóm ngành đều mong muốn tìm một công việc toàn thời gian.

Tuy nhiên, đa số người lao động tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn hơn khi đi tìm việc thời gian này. Trong đó, gần một nửa người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và trên 2 năm kinh nghiệm thừa nhận gặp khó khăn khi đi tìm việc mới.

Với người lao động ở vị trí quản lý và trưởng nhóm, tỷ lệ cho biết gặp khó khăn khi đi tìm kiếm công việc mới lần lượt ở mức 46% và 53%.

Phân tích sâu hơn, báo cáo chỉ ra khả năng tìm việc trở nên khó khăn hơn ở những nhóm ngành đặc thù như y/nha/dược; giáo dục; bảo hiểm; ẩm thực/đồ uống hay nghệ thuật giải trí (chiếm 45-50% ở những nhóm ngành, đặc biệt chiếm 76% ở nhóm y dược). Điều này cho thấy những nhóm ngành chịu tác động lớn bởi dịch bệnh vẫn nằm trong trạng thái hạn chế nhân sự.

Trong khi đó, khả năng tìm việc mới tương đối bình ổn hoặc không có nhiều thay đổi tập trung ở những nhóm ngành hành chính/pháp lý; hóa học/hóa sinh hay bất động sản.

Đặc biệt, ở nhóm an toàn môi trường lại ghi nhận khả năng tìm việc mới dễ hơn, cho thấy đây là nhóm ngành đang khát nhân lực sau đại dịch và giúp người lao động dễ dàng tìm việc hơn.

Quang Thắng

ZING

Các tin tức khác

>   Lạm phát tăng cao, giới trẻ Hàn hưởng ứng trào lưu 'không tiêu pha' (19/08/2022)

>   Taxi, xe công nghệ “hết đường” chèo kéo, làm giá ở sân bay Tân Sơn Nhất (18/08/2022)

>   Thu phí không dừng: Vẫn rối chuyện thanh toán, dán thẻ (18/08/2022)

>   Người giàu Trung Quốc bán lỗ đồ Rolex, Hermès để lấy tiền tiêu (18/08/2022)

>   Người Việt Nam chi hơn 8.400 tỷ đồng/năm để mua trà sữa (17/08/2022)

>   Người Mỹ phụ thuộc vào thẻ tín dụng (17/08/2022)

>   Ai chịu phí chuyển tiền? (17/08/2022)

>   'Dội bom' điện thoại lôi kéo đầu tư chứng khoán quốc tế (17/08/2022)

>   3 loại hình du lịch hút khách dịp nghỉ lễ 2/9 (16/08/2022)

>   Thua lỗ khi chơi Bitcoin, cô gái lừa đảo gần 1 tỷ đồng của người quen (16/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật