SSI Research: Ngành thực phẩm và đồ uống - một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát cao
Theo Báo cáo cập nhật ngành thực phẩm và đồ uống, Bộ phận Phân tích của CTCK SSI (SSI Research) cho biết cổ phiếu phòng thủ là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Các công ty trong ngành có thể đạt được sự phục hồi về doanh thu cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Tiêu dùng phục hồi yếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng
Theo SSI Research, doanh thu bán lẻ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022. Xét về tổng thể, doanh thu bán lẻ tăng trưởng mạnh nhờ dịch vụ du lịch (tăng 94% so cùng kỳ) và dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 21% so cùng kỳ), trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11.3% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Kantar Worldpanel, doanh thu nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý 1/2022 chỉ tăng 0.6% so với cùng kỳ ở khu vực thành thị và 3.6% ở khu vực nông thôn, trong khi theo số liệu của AC Nielsen thì thị trường FMCG trong nước tăng 2.1% về giá trị.
Trong quý 2/2022, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng cao hơn, vì Việt Nam đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 3/2022.
Tuy nhiên, SSI Research đánh giá nhu cầu phục hồi yếu hơn dự kiến, và sự phục hồi chủ yếu do giá cả trung bình tăng lên, chứ không phải do sự gia tăng của khối lượng hàng hóa tiêu dùng. Điều này có thể là do các yếu tố: Thu nhập khả dụng thấp hơn do các đợt giãn cách xã hội vì đại dịch, đặc biệt là ở các nhóm thu nhập thấp; lạm phát gia tăng; nhu cầu ăn uống bên ngoài vẫn ở mức thấp sau đại dịch (do thay đổi thói quen tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch và Việt Nam vừa mở cửa trở lại hoàn toàn từ giữa tháng 3/2022).
Theo một khảo sát hồi tháng 5 của Kantar Worldpanel, người tiêu dùng Việt Nam lo lắng nhiều hơn về giá xăng dầu, bên cạnh mối lo về việc giá cả lương thực thực phẩm tăng cao so cùng kỳ.
SSI Research chỉ ra lạm phát gia tăng tác động tới giá bán và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù sự tăng lên của chi phí đầu vào chưa được phản ánh hoàn toàn vào CPI Việt Nam nhưng người tiêu dùng đã cảm nhận được sức nóng của giá cả tăng lên. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống đã tăng giá bán bình quân 2-10% để chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng. Các nguyên liệu đầu vào chính của các công ty F&B đều tăng so với cùng kỳ như sữa bột (tăng 30-40%), đường (tăng 30%), đậu tương (tăng 20%) và dầu cọ (tăng 44%).
Tỷ suất lợi nhuận gộp của các Công ty F&B bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá cả hàng hoá tăng cao ở các mức độ khác nhau trong năm 2022. Mặc dù các công ty F&B cuối cùng đã quyết định tăng giá bán bình quân 2-10% trong nửa đầu năm, nhưng điều này vẫn chưa đủ để bảo vệ biên lợi nhuận gộp.
Giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm trong nửa cuối năm
Theo SSI Research, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng điều chỉnh giảm trong các quý tới. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sẽ có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 so với cùng kỳ (do giãn cách xã hội chặt chẽ trong quý 3/2021) nhưng mức tăng trưởng sẽ bình thường hóa từ nửa cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, các kênh thương mại sẽ phục hồi hoàn toàn khi khách sạn, nhà hàng, quán cà phê được mở lại hoàn toàn và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên (khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022).
Sau khi mở cửa trở lại, SSI Research cho rằng người tiêu dùng vẫn do dự khi ăn uống bên ngoài và nhiều cơ sở buôn bán vẫn đóng cửa sau đại dịch.
Ngoài ra, thoái vốn Nhà nước, IPO của Beerco (công ty mẹ của SAB), và/hoặc IPO của TCX (công ty mẹ của MCH) cũng là yếu tố quan trọng cần theo dõi.
Thế Mạnh
FILI
|