Thứ Bảy, 02/07/2022 08:17

Nguy cơ lạm phát bao phủ kinh tế toàn cầu

Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Giá hàng hóa, nhất là lương thực và thực phẩm, đe dọa đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 2 năm đại dịch, với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022.

Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Do đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống gần một nửa, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Hoạt động kinh tế lao dốc

Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 6/2022, OECD nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Các cú sốc kinh tế và tác động của chúng đối với thị trường hàng hóa, thương mại và tài chính toàn cầu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân.

Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo chậm lại và chỉ đạt 3% trong năm 2022, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021.

Còn theo báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tính tới giữa năm 2022 của Liên hợp quốc (UNDESA), nền kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 1/2022.

Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tháng 5/2022 cho thấy xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa tại Trung Quốc đang làm suy giảm thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.

Giá trị trong tháng 3/2022 của thước đo thương mại là 99, vẫn thấp hơn so với giá trị cơ sở 100.

Lạm phát thế giới ảnh 1

Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Trong tháng 4/2022, WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa thế giới là 3% cho năm 2022, giảm so với mức tăng 4,7% được dự báo vào tháng 10/2021.

Theo WB, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, đạt 4% trong năm 2022 do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu.

Nga và Ukraine chiếm dưới 3% tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu, nhưng nhiều ngành công nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào nguồn cung cấp các mặt hàng quan trọng được sản xuất tại 2 quốc gia này, đặc biệt là ở Nga.

Tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao chưa từng thấy đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng cao.

Ngoài ra, chi phí vận tải tăng lên khi hoạt động hàng hải và thương mại ở Biển Đen bị gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến vận chuyển lương thực và dầu thô.

Bóng ma lạm phát

Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm 2022 sau đà tăng từ giữa năm 2020 do nhu cầu phục hồi. Trong khi đó, sản xuất một số mặt hàng bị hạn chế, tác động của xung đột Nga - Ukraine dẫn đến sự gián đoạn lớn đối với sản xuất và thương mại, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga và Ukraine, bao gồm năng lượng và lúa mì.

Giá các sản phẩm dầu, đặc biệt là dầu diesel và xăng, tăng cao hơn nhiều so với giá dầu thô do công suất lọc dầu không đủ và hoạt động xuất khẩu những sản phẩm dầu tinh chế của Nga bị gián đoạn.

Nhóm các quốc gia G7 và EU tuyên bố sẽ cấm hoặc dần dần loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga. Những biện pháp tương tự có thể được thực hiện đối với than và khí đốt tự nhiên của quốc gia này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính theo các lệnh trừng phạt hiện tại, xuất khẩu dầu của Nga có thể tạm thời giảm 2,5 triệu thùng mỗi ngày, khoảng 30% lượng xuất khẩu hiện tại và khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, giá năng lượng được dự báo tăng 52% trong năm 2022, cao hơn 47 điểm phần trăm so với dự báo trước đây của WB. Giá dầu thô Brent được dự báo ở mức trung bình 100 USD/thùng.

Giá nông sản được dự báo tăng 18% trong năm 2022, cao hơn các dự báo trước đó. Giá phân bón dự kiến tăng gần 70% do chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất giảm và gián đoạn thương mại.

Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lúa mì chính, chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã thiết lập các hạn ngạch và hạn chế mới đối với xuất khẩu. Khoảng 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine chảy qua các cảng Biển Đen, hiện không hoạt động.

Một số lượng lúa mì có thể được vận chuyển qua các hành lang đường bộ và đường sắt, nhưng khối lượng sẽ giảm mạnh do tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và các lo ngại về an toàn.

Giá kim loại tiếp tục tăng trong năm 2022, góp phần làm tăng đáng kể so với mức tăng của năm ngoái. Giá nhôm và niken tăng khoảng 30% do tầm quan trọng của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu lớn.

Giá kim loại dự kiến tăng 12% năm 2022, mức tăng đáng kể so với các dự báo trước đó.

Trong năm 2022, IMF dự báo lạm phát là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Lạm phát tại Eurozone lập kỷ lục mới 8.6% (01/07/2022)

>   Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed? (01/07/2022)

>   Các nước đánh thuế bất động sản ra sao? (01/07/2022)

>   Vì sao kinh tế Mỹ khó thoát suy thoái? (01/07/2022)

>   Kinh tế Trung Quốc phục hồi sau khi nới lỏng biện pháp chống dịch (30/06/2022)

>   Chủ tịch Powell: Fed phải chấp nhận rủi ro suy thoái cao hơn để chống lạm phát (30/06/2022)

>   G7 sẽ ngăn Nga thu lợi từ dầu thô thế nào (30/06/2022)

>   Ngân hàng Thế giới khuyên Thái Lan nâng lãi suất để chống lạm phát (30/06/2022)

>   Khủng hoảng năng lượng gây hỗn loạn ở châu Á như thế nào? (29/06/2022)

>   Hàng loạt quan chức Fed ủng hộ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 7 (29/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật