Ngân hàng Thế giới khuyên Thái Lan nâng lãi suất để chống lạm phát
Tốc độ phục hồi của nền kinh tế Thái Lan, nhờ đà khởi sắc của ngành du lịch, mang lại cho Ngân hàng Trung ương nước này (BOT) dư địa rộng rãi hơn để nâng lãi suất nhằm chống lạm phát – Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định...
Du khách nước ngoài trên đường Khaosan ở Bangkok - Ảnh: Bloomberg.
|
Thái Lan, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, có khả năng “sẽ có được xung lực tăng trưởng mạnh hơn và trở về quy mô trước đại dịch trong quý 4 năm nay”, nhờ số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh và các biện pháp kiểm soát biên giới được nới lỏng – theo một báo cáo ngày 29/6 của WB.
“Việc bình thường hoá lãi suất của Thái Lan có thể sớm bắt đầu, nên họ có thể tăng lãi suất chính sách với tốc độ từ tốn, phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế”, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia kinh tế cấp cao Kiatipong Arriyapruchya của WB trong một buổi họp báo tại Bangkok.
Lạm phát ở Thái Lan hiện đang ở mức cao nhất 14 năm. Chống lạm phát trở thành một nhiệm vụ cấp bách vì giá cả leo thang khiến nhiều người Thái Lan có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo, nhất là khi giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng liên tục vì ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine, ông Kiatipong nhấn mạnh.
WB dự báo lạm phát ở Thái Lan sẽ duy trì ở ngưỡng cao nhất 14 năm 5,2% trong thời gian còn lại của năm nay. Lạm phát mục tiêu mà BOT đề ra là 1-3%.
“Khi Thái Lan chuyển sang giai đoạn hồi phục, điều quan trọng là nước này cần đạt tiến bộ về củng cố tài khoá, cân bằng chi tiêu công theo hướng đầu tư công để hậu thuẫn cho tầm nhìn của Chính phủ về xây dựng lại nền kinh tế tốt hơn và xanh hơn”, vị chuyên gia WB phát biểu.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6, BOT duy trì lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục 0,5% lần thứ 16 liên tiếp. Tuy nhiên, biên bản của cuộc họp nói rằng việc tiếp tục trì hoãn ứng phó với áp lực lạm phát có thể gây ra “tổn thất lớn hơn” cho nền kinh tế.
WB dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái Lan tăng trưởng 2,9% trong năm nay. Một báo cáo của công ty phân tích kinh tế Moody’s Analytics dự báo GDP Thái Lan tăng khoảng 3,5% trong 2022, khi “xuất khẩu mạnh mẽ và sự trở lại của du khách nước ngoài sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế”.
Xuất khẩu lương thực-thực phẩm đang là một điểm sáng của nền kinh tế Thái Lan. Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Thái Lan trong năm nay có khả năng vượt qua mức dự báo đưa ra hồi tháng 1, lập kỷ lục 1,2 nghìn tỷ Baht, tương đương 35 tỷ USD – theo dự báo mới nhất của Viện nghiên cứu Lương thực Quốc gia (NFI) có trụ sở ở Bangkok.
“Nếu chiến tranh và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực-thực phẩm tiếp diễn, giá lương thực-thực phẩm giữ ở mức cao, chúng tôi sẽ hưởng lợi”, ông Sirivuthi Siamphakdee, một Giám đốc của công ty mía đường Kaset Thai International Sugar Corp., phát biểu.
Theo dự báo của Chính phủ Thái Lan đưa ra ngày 29/6, lượng du khách quốc tế đến nước này trong năm nay sẽ đạt 9,3 triệu lượt, cao hơn 55% so với dự báo mà BOT đưa ra hồi đầu tháng này và cao hơn con số 7 triệu lượt du khách quốc tế mà Hội đồng Phát triển Kinh tế-xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) đưa ra.
Còn theo dự báo của WB, lượng du khách quốc tế đến Thái Lan sẽ đạt 24 triệu lượt vào năm 2024, bằng khoảng 60% so với trước đại dịch. Năm 2019, nước này đón gần 40 triệu lượt du khách quốc tế.
“Mặc dù một số ngân hàng trung ương trong khu vực đã tăng lãi suất vài lần, BOT rất từ tốn trong việc tiến tới bình thường hoá lãi suất”, chuyên gia kinh tế Eric Chiang của Moody’s Analytics nhận định. “Vì lý do này, cuộc họp định kỳ tiếp theo của BOT vào ngày 10/8 có thể sẽ đánh dấu đợt nâng lãi suất đầu tiên”.
Theo vị chuyên gia của Moody’s, đồng Baht yếu là một nhân tố khác khuyến khích việc nâng lãi suất. Năm nay, đồng nội tệ của Thái Lan đã giảm giá 3,5% so với đồng USD, hiện còn khoảng 35,2 Baht đổi 1 USD.
Điệp Vũ
VnEconomy
|