Thứ Tư, 29/06/2022 16:33

Hàng loạt quan chức Fed ủng hộ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 7

Mới đây, Chủ tịch Fed Cleverland Loretta Mester cho biết nếu các điều kiện kinh tế vẫn duy trì như hiện tại cho tới cuộc họp tháng 7/2022, bà sẽ ủng hộ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed trở thành yếu tố tác động mạnh tới diễn biến thị trường trong những tháng gần đây, khi Fed trở nên quyết liệt hơn với lạm phát, đồng thời thừa nhận về rủi ro suy thoái kinh tế.

Trong tháng này, Fed đã nâng 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, giữa lúc lạm phát lập đỉnh 40 năm.

Chủ tịch Fed Cleverland Loretta Mester

Bà Mester – một thành viên có quyền biểu quyết trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) – cho biết cuộc họp tháng 7 nhiều khả năng sẽ có sự tranh cãi giữa việc nâng 50 hay 75 điểm cơ bản.

“Nếu các điều kiện vẫn còn duy trì như hiện tại, tôi sẽ ủng hộ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, vì tôi vẫn chưa thấy lạm phát ở mức cần thiết để nâng 50 điểm”, bà nói.

Mester cho biết bà sẽ đánh giá về các điều kiện cung và cầu trong vài tuần trước cuộc họp tháng 7/2022, với mục đích xác định lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Biểu đồ dot-plot của Fed cho thấy các thành viên kỳ vọng lãi suất của Fed ở mức 3.4% vào cuối năm 2022, tăng từ mức 1.5-1.75% ở hiện tại. “Tôi nghĩ việc nâng lãi suất lên 3-3.5% là rất quan trọng và cần phải thực hiện một cách gấp rút và liên tục”, bà Mester cho biết.

Sự chuyển dịch đầy đau đớn

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 28/06 sau khi dữ liệu về niềm tin tiêu dùng gây thất vọng. Cụ thể, niềm tin tiêu dùng ở mức 98.7, thấp hơn ước tính 100 của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Điều này càng khiến nhà đầu tư lo sợ về đà giảm tốc kinh tế giữa lúc Fed nâng lãi suất quyết liệt.

Bà Mester cho biết diễn biến lạm phát tiêu dùng (ở mức 8.6% trong tháng 5/2022) đang kéo giảm niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế.

“Tại Fed, chúng tôi đang trong quá trình nâng lãi suất lên mức bình thường hơn và có lẽ sẽ bước vào phạm vi kìm hãm kinh tế (restrictive). Nhờ đó, chúng tôi có thể kéo giảm lạm phát xuống mức có thể duy trì một nền kinh tế lành mạnh trong tương lai”, bà nói.

“Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi và đây sẽ là giai đoạn đầy đau đớn và sẽ gập ghềnh. Tuy nhiên, đây là điều rất cần thiết để kéo giảm lạm phát”, bà nói.

Trước đó, Chủ tịch Fed New York John Williams và Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng đồng tình với phương án nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Trong ngày 28/06, bà Mary Daly đã cho biết: “Nhiều người lo lắng rằng Fed có thể đang hành động quá mạnh mẽ và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Bản thân tôi lo lắng rằng nếu lạm phát không được kiềm chế, thì sẽ là một mối đe dọa lớn đến nền kinh tế Mỹ và khả năng tăng trưởng”.

Bà cho biết Fed đang “đạp phanh” bằng cách nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt nhu cầu: “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu kìm hãm lạm phát càng nhanh càng tốt, và mong rằng người dân Mỹ tại khắp mọi nơi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn”. Bà Daly cũng kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ chậm lại, nhưng không ngừng hoàn toàn tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Williams nói trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC: “Fed cần phải hành động nhanh chóng. Về cuộc họp tiếp theo, tôi nghĩ mức tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản sẽ được thảo luận".

Cả bà Daly và ông Williams đều kỳ vọng rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vài điểm phần trăm, từ mức 3.6% hiện tại. Tuy nhiên cả hai đều khẳng định thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ và có đủ động lực để tránh khỏi một cuộc suy thoái.

Vũ Hạo (Theo CNBC, Reuters)

FILI

Các tin tức khác

>   Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thay đổi thế nào 20 năm qua? (29/06/2022)

>   Nữ đầu tư đại tài Cathie Wood: Mỹ đã rơi vào suy thoái (29/06/2022)

>   Moody’s tuyên bố Nga vỡ nợ trái phiếu nước ngoài (28/06/2022)

>   Mỹ nâng thuế nhập khẩu với một số hàng hóa Nga lên 35% (28/06/2022)

>   Kinh tế giảm tốc, các nhà máy thép ở Trung Quốc lâm “cơn bĩ cực” (28/06/2022)

>   Mối lo thị trường bất động sản Trung Quốc tụt dốc (28/06/2022)

>   Ấn Độ 'hãm phanh' xuất khẩu lương thực, thế giới căng thẳng (27/06/2022)

>   Lý do khiến lạm phát toàn cầu sẽ đứng ở mức cao hơn so với trước đại dịch (27/06/2022)

>   G7 công bố kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 600 tỷ USD (27/06/2022)

>   Khủng hoảng lương thực sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới (24/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật