Khủng hoảng lương thực sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh ở Ukraine gây ra sẽ giết chết hàng triệu người, khiến những người nghèo đói nhất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, có khả năng gây ra một thảm họa sức khỏe tiếp theo trên thế giới, người đứng đầu một tổ chức viện trợ lớn cảnh báo.
Việc hải quân Nga phong tỏa các cảng trên Biển Đen của Ukraine đã khiến các chuyến hàng ngũ cốc từ nhà xuất khẩu lúa mì và bắp lớn thứ tư thế giới bị chặn lại, làm dấy lên bóng ma về tình trạng thiếu hụt và đói ăn ở các nước thu nhập thấp.
Tác động trực tiếp của tình trạng thiếu lương thực có nghĩa là nhiều người sẽ chết không chỉ vì đói mà còn vì khả năng phòng thủ với các bệnh truyền nhiễm của họ bị yếu hơn do chế độ dinh dưỡng kém, Peter Sands, giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu phòng chống bệnh AIDS, lao và sốt rét, nói với AFP trong tuần này.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ đã bắt đầu cuộc khủng hoảng sức khỏe tiếp theo. Đó không phải là một mầm bệnh mới nhưng nó có nghĩa là những người được nuôi dưỡng kém sẽ dễ bị mắc các bệnh hiện có hơn”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề cuộc họp Bộ trưởng Y tế G20 tại thành phố Yogyakarta của Indonesia.
“Tôi nghĩ tác động tổng hợp của các bệnh truyền nhiễm, tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng năng lượng có thể khiến thêm hàng triệu người mất mạng”, ông nói.
Các chính phủ thế giới nên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các cộng đồng nghèo nhất của họ, những người sẽ dễ bị tổn thương nhất, vị cựu giám đốc ngân hàng người Anh cho biết.
“Điều đó có nghĩa là tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện tại các ngôi làng, cộng đồng. Bệnh viện là quan trọng nhưng khi bạn phải đối mặt với loại thách thức này, điều quan trọng nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu”.
“Chuyện này đã là một thảm họa đối với bệnh lao”, Sands nói.
“Vào năm 2020, bạn đã thấy trên toàn cầu 1.5 triệu người ít được điều trị bệnh lao hơn và bi thảm thay, điều đó có nghĩa là hàng trăm nghìn người sẽ chết nhưng những người đó cũng sẽ lây nhiễm sang người khác”.
Chuyên gia y tế này cho biết việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện là điều tối quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ hai trên thế giới này.
Phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga cố gắng gây áp lực buộc họ phải nhượng bộ bằng cách chặn nguồn xuất khẩu ngũ cốc quan trọng để làm gia tăng lo ngại về nạn đói toàn cầu.
Moscow đã phản bác bằng cách nói rằng chính các biện pháp trừng phạt của phương Tây mới là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt ở Trung Đông và châu Phi.
Đức sẽ tổ chức một cuộc họp về cuộc khủng hoảng vào thứ Sáu tới với tiêu đề “Đoàn kết vì An ninh Lương thực Toàn cầu”, với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là một trong những người tham dự.
“Đó là đại dịch của người nghèo, do đó, nó đã không thu hút được lượng đầu tư tương tự vào nghiên cứu và phát triển”, Sands nói.
“Đây quả là một bi kịch vì đó là căn bệnh mà chúng ta biết cách phòng tránh, chữa trị, và loại bỏ”.
Nhã Thanh (Theo IBtimes)
FILI
|