VNM - Đã đến thời điểm cho đầu tư dài hạn (Kỳ 1)
Sự sụt giảm của giá cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) kể từ đầu năm 2018 cho đến nay đã đưa cổ phiếu về mức hấp dẫn. Với triển vọng ngành sữa khá tích cực thì đây chính là thời điểm thích hợp cho đầu tư dài hạn cổ phiếu này.
Tiêu thụ sữa vẫn tăng trưởng tốt
Nền kinh tế thế giới đang đứng trước một làn sóng siêu lạm phát. Các quốc gia có nền kinh tế mạnh như Mỹ, Anh, Brazil… đều có mức lạm phát trên 5%. Một số trường hợp cá biệt như Thổ Nhĩ Kỳ (60.5%), Argentina (51.7%), Yemen (59.7%)… có mức lạm phát vượt ngưỡng 50%.
Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… là những nước thuộc nhóm kiềm chế lạm phát tốt nhất thế giới hiện nay (dưới mức 5%). Đây là một thành tích rất xuất sắc trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Nhờ vào thành quả này nên người tiêu dùng ở Việt Nam không rơi vào hoàn cảnh phải quá khắt khe trong chi tiêu. Vì vậy, các ngành trong đó có thực phẩm - đồ uống vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Toàn cảnh tình hình lạm phát thế giới. Đvt: Phần trăm
Nguồn: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)
Về triển vọng ngành sữa tại Việt Nam, tiêu thụ sữa ở Việt Nam vẫn đang khá thấp so với mặt bằng chung của khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất sữa tươi trong nước cũng liên tục tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR - Compounded Annual Growth rate) trong giai đoạn 2014-2021 đạt mức 9.19%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO)
Số liệu khảo sát sức tiêu thụ FMCG (Fast Moving Consumer Goods) của Kantar Worldpanel cho thấy tiêu thụ sữa quý 1/2022 tại Việt Nam ở khu vực thành thị là 5% và tăng 17% ở khu vực nông thôn. Các con số này là cực kỳ ấn tượng khi so sánh với mức tăng trưởng chung tương ứng của ngành FMCG là 0.6% ở khu vực thành thị và 3.6% ở khu vực nông thôn.
Số liệu khảo sát sức tiêu thụ FMCG ở khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam trong giai đoạn Q1/2021-Q1/2022. Đvt: Phần trăm
Nguồn: Kantar Worldpanel
Vị thế dẫn đầu trong ngành
VNM là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thực phẩm đồ uống và là doanh nghiệp số một ngành sữa tại Việt Nam với 14 trang trại bò sữa, tổng đàn khai thác hơn 160,000 con, cùng với gần 200 nhà phân phối độc quyền.
Năm 2021, VNM đã tăng 0.9% tổng thị phần toàn ngành sữa tại Việt Nam. Theo kế hoạch 2022, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng thị phần của mình lên 0.5%, chiếm 56% thị phần sữa trong nước.
Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu của VNM tăng 9.4%, đạt khoảng 45,000 tấn. Với kết quả này, VNM tiếp tục duy trì danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2021, đây là lần thứ 5 VNM đạt được danh hiệu này.
Nguồn: VietstockFinance
Chú thích: Những doanh nghiệp được thể hiện bằng quả bóng màu xanh là những doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường (Market Capital) trên 100,000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại được thể hiện bằng quả bóng màu đỏ.
Vinamilk Green Farm - mô hình điển hình về các khía cạnh của phát triển bền vững
Ngày 14-16/6/2022, Hội nghị sữa toàn cầu lần thứ 15 đã được tổ chức tại Pháp, với sự tham dự của gần 200 tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới với nhiều báo cáo, bài trình bày về các xu hướng phát triển bền vững của ngành sữa trên toàn cầu và tại nhiều quốc gia. Tham dự Hội nghị năm nay, Vinamilk, đại diện duy nhất của ngành sữa Việt Nam và Đông Nam Á, được mời để chia sẻ về định hướng phát triển bền vững thông qua mô hình Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm và chuỗi giá trị “xanh” để sản xuất sản phẩm Sữa tươi 100% Vinamilk Green Farm.
Nguồn: VNM
Không chỉ đánh dấu bước tiến của ngành sữa Việt Nam trong lộ trình tiến đến phát triển bền vững, việc Vinamilk đã xây dựng hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm ngay trong 2 năm gặp nhiều tác động vì dịch Covid-19 cũng đã nhận được sự đánh giá cao. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững.
Theo đó, Vinamilk đã giới thiệu hệ thống trang trại Green Farm tại Quảng Ngãi với quy mô 4,000 con và chuẩn bị đưa vào khai thác trong năm 2023 tổ hợp trang trại tại Lào với quy mô giai đoạn 1 lên đến 24,000 con. Các công ty có quy mô nhỏ hơn như Sữa Mộc Châu cũng mở rộng quy mô trang trại hiện hữu lên 2,000 con và có kế hoạch xây dựng trang trại sinh thái mới quy mô 4,000 con.
Chu kỳ của SMP ảnh hưởng đến VNM rất lớn
Giá nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi, cước phí vận chuyển… đều tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu tích trữ hàng hóa tăng mạnh tại một số quốc gia lớn. Một số nguyên liệu sản xuất sữa quan trọng như sữa bột gầy (SMP - Skim Milk Powder) đã ghi nhận mức tăng giá 30-40% trong giai đoạn 2020-2021. Xu hướng này đang có sự đảo chiều khi dịch bệnh được kiểm soát tại các vùng nguyên liệu quan trọng như New Zealand, Châu Âu, Mỹ giúp nguồn cung được cải thiện và tình hình giao thương quốc tế ổn định giúp giảm bớt chi phí vận chuyển.
Nếu nhìn lại quá khứ chúng ta sẽ thấy SMP ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng cổ phiếu VNM. VNM tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2013-2017 cũng đồng thời ứng với sự tạo đỉnh và lao dốc của SMP từ 5,500 USD/MT xuống mức 1,680 USD/MT. Tương tự, giai đoạn điều chỉnh kéo dài của VNM từ 2018 đến nay cũng trùng khớp với quá trình đi lên liên tục của SMP.
Hiện nay, SMP đang điều chỉnh về quanh mức 4,200 USD/MT sau khi tạo đỉnh ở mốc 4,800 USD/MT. Người viết cho rằng SMP đã thực sự tạo đỉnh dài hạn và đây có thể là mở đầu cho một thời kỳ tươi sáng của VNM (trừ khi SMP vượt qua kháng cự 4,800 USD/MT trong giai đoạn cuối năm).
Đồ thị giá sữa bột gầy SMP và cổ phiếu VNM giai đoạn 2012-2022
Nguồn: TradingView
Đón đọc:
VNM - Mua ở vùng giá nào? (Kỳ 2)
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|