Đề án tái cơ cấu ngân hàng: Xử lý nợ xấu, phân nhóm, hiện đại hóa và lại... tái sắp xếp
Đề án lần này tiếp tục nhấn mạnh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, với mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng dưới 3%, giống như Đề án 1058 cho giai đoạn 2016-2020; ngoài ra cũng đặt mục tiêu trọng tâm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD thông qua khuyến khích hợp nhất, sáp nhập (M&A) tự nguyện mà Đề án 254 cho giai đoạn 2011-2015 đã từng nêu ra.
Trọng tâm của đề án giai đoạn 2021-2025
Ngày 8-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025)”. Như vậy sau bảy tháng từ khi Nghị quyết 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được ban hành; và sau hai tháng từ khi Nghị quyết 54/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội, bản đề án tái cơ cấu dành riêng cho ngành ngân hàng bắt đầu được triển khai.
Về tổng quan, đề án lần này tiếp tục nhấn mạnh việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, với mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng dưới 3%, giống như Đề án 1058 cho giai đoạn 2016-2020; ngoài ra cũng đặt mục tiêu trọng tâm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD thông qua khuyến khích M&A tự nguyện mà Đề án 254 cho giai đoạn 2011-2015 đã từng nêu ra.
Theo đó, quan điểm của nhà điều hành là tạo điều kiện cho các TCTD có đủ năng lực tài chính, quản trị tham gia hợp nhất, sáp nhập, mua lại TCTD quy mô nhỏ hoặc tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động. Việc hai ngân hàng 0 đồng là OceanBank và CBBank gần đây đã có phương án xử lý theo hình thức chuyển giao bắt buộc cho hai ngân hàng trong nước lớn hơn, kỳ vọng sẽ là bước mở đầu cho giai đoạn hợp nhất, sáp nhập sôi động hơn trong giai đoạn tới, như những gì đã từng diễn ra trong giai đoạn 2011-2013 với hàng loạt thương vụ M&A giữa các ngân hàng cũng như giữa ngân hàng và các công ty tài chính.
Đề án lần này đặt ra đến 10 mục tiêu cụ thể. Ngoài những mục tiêu quen thuộc còn có những mục tiêu lần đầu tiên được đặt ra theo yêu cầu phát triển, như phát triển các mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, dịch vụ thanh toán hiện đại theo cách mạng công nghiệp 4.0, xanh hóa ngân hàng.
Nâng cao tiềm lực tài chính theo phân nhóm
Cụ thể, mục tiêu đầu tiên tiếp tục đặt ra yêu cầu triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại (NHTM) đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%. Với việc trong hai năm vừa qua, một số ngân hàng đã áp dụng phương pháp Basel II nâng cao, hoàn thành cả ba trụ cột gồm: (i) yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); (ii) rà soát giám sát; (iii) thực hiện các nguyên tắc thị trường, và thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu triển khai Basel III, mục tiêu này được cho là khả thi.
Nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 8,2%.
|
Tuy nhiên, mục tiêu này với lộ trình đưa hệ số CAR tăng dần lên mức cao hơn, đặt ra thách thức cho các ngân hàng phải liên tục tăng vốn tự có, cũng như quản trị chất lượng tài sản hiệu quả. Mục tiêu thứ hai của đề án đã yêu cầu TCTD phải có biện pháp đảm bảo có số vốn điều lệ đến năm 2025 theo các tiêu chí phân nhóm. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý chính thức xác định phân nhóm giữa các TCTD theo tiêu chuẩn vốn điều lệ.
Theo đó, nhóm 1 sẽ gồm các NHTM trong nước với tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng; nhóm 2 được xem là nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài yêu cầu có vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỉ đồng, riêng công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có vốn điều lệ tương ứng 750 tỉ đồng và 450 tỉ đồng. Nhóm 3 là các NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém/ được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay vẫn còn một số ngân hàng có mức vốn điều lệ chỉ quanh 3.000 tỉ đồng như PGBank, Saigon Bank, BaoViet Bank, do đó các ngân hàng này là nhóm sẽ buộc phải đẩy mạnh tăng vốn trong thời gian tới. Nếu có thể sớm tăng vốn thành công, nâng cao năng lực tài chính và các hệ số an toàn tiệm cận theo chuẩn quốc tế, thì cũng sẽ góp phần giảm bớt áp lực huy động trên thị trường 1, tạo điều kiện để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định trong dài hạn. Đáng lưu ý, giải pháp khuyến khích M&A để gia tăng quy mô một lần nữa được nhấn mạnh trong đề án lần này.
Mục tiêu thứ 3 là một câu chuyện cũ, vốn đã từng được đặt ra trong các đề án trước đây nhưng dường như vẫn chưa thực hiện được. Đó là phấn đấu có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á, trong đó các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank hay các NHTM tư nhân hàng đầu như VPBank, Techcombank,… là có khả năng lớn nhất. Ngoài ra, yêu cầu hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1-2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế, cũng được xem là khả thi.
Đẩy mạnh hiện đại hóa
Mục tiêu thứ 4 với yêu cầu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Mục tiêu thứ 5 là ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, có lẽ sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến chiến lược phát triển dài hạn của các ngân hàng.
Thực tế trong ba năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã chủ động hiện đại hóa công nghệ, nâng cấp ngân hàng lõi, ứng dụng Ebanking, hệ thống thanh toán, giao dịch, liên kết với các công ty công nghệ tài chính (FinTech) hoặc chủ động tự phát triển mảng ngân hàng số riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới. Do đó hai yêu cầu này thực ra xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng thời gian qua, vì vậy sẽ không phải là thách thức quá lớn.
Mục tiêu thứ 6 phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ lên khoảng 16-17% tổng thu nhập và tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon, phần nào là hệ quả của hai mục tiêu 4 và 5. Vì nếu làm tốt việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, sẽ giúp các ngân hàng bán chéo sản phẩm hiệu quả, nâng cao nguồn thu nhập dịch vụ và tăng cường khả năng bán lẻ, cho vay ở các phân khúc khách hàng cá nhân nhiều hơn.
Ba mục tiêu tiếp theo gồm (i) phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; (ii) phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô; (iii) hoàn thiện mô hình, chức năng và cơ chế hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã, không phải là yêu cầu gì mới mẻ, khi cũng đã luôn được đề cập đến đâu đó trong các đề án tái cơ cấu trước đây. Điều này cho thấy các TCTD thuộc ba nhóm này vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề trong nhiều năm qua, năng lực cạnh tranh bị giới hạn và chưa thể hiện được đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao phó, vì vậy luôn được yêu cầu phải đổi mới và phát triển.
Và thách thức xử lý nợ xấu
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mục tiêu thứ 10 về việc xử lý nợ xấu tiếp tục là một cấu phần quan trọng trong các đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém). Có thể thấy lần này, nhà điều hành vẫn giữ nguyên một phần mục tiêu đã từng đặt ra trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, chỉ bổ sung thêm yếu tố nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Dù vậy, để hoàn thành được mục tiêu này không phải là điều đơn giản.
Với các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua, nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trở lại vẫn đang là rủi ro lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Chia sẻ gần đây từ đại diện của NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên. Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn, có thể lên tới 3,79%. Trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 8,2%.
Thụy Lê
TBKTSG
|