Thứ Năm, 23/06/2022 18:00

Đâu là mối đe dọa lớn nhất với kinh tế Trung Quốc?

Thế giới hiện đang dồn sự chú ý vào các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nhưng đà lao dốc trên thị trường bất động sản có lẽ còn khiến Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn thế.

Chỉ số theo dõi doanh số bán nhà đất và căn hộ tại Trung Quốc đã giảm 11 tháng liên tiếp, là mức kỷ lục kể từ khi Trung Quốc cải cách thị trường bất động sản hồi thập niên 90.

Khi mà nhu cầu dịch vụ, hàng hóa phát sinh từ xây dựng và kinh doanh nhà ở đóng góp gần 20% GDP Trung Quốc, đà giảm của thị trường nhà ở có thể kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Đây là đợt lao dốc bất động sản tệ nhất trong lịch sử", Lu Ting, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura Holdings, nhận định. Chuỗi giảm này còn dài hơn năm 2008 và 2014, đồng thời gây tác động tới thị trường hàng hóa thế giới vì nhu cầu nhập khẩu thép và đồng của Trung Quốc suy giảm.

Đà giảm đã bắt đầu từ năm 2021, thời điểm Bắc Kinh áp dụng các chính sách nhằm kìm hãm các khoản cho vay thế chấp và siết tín dụng với các hãng bất động sản. Mục tiêu của họ là kiềm chế bong bóng giá và giảm rủi ro tài chính.

Tốc độ bán nhà ở tại đây được kỳ vọng cải thiện nhẹ trong năm nay, khi các chính quyền địa phương nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và hàng chục thành phố khác từ tháng 3 đã đập tan kỳ vọng đó. Mức giảm của thị trường bất động sản năm nay có thể còn lớn hơn năm 2021.

Nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã nới lỏng chính sách kiểm soát mua nhà trong vài tháng gần đây và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng hạ lãi suất cho vay thế chấp trong tháng 5. Tuy vậy, doanh số bán nhà ở tại các thành phố lớn vẫn giảm hơn 40% trong tháng 5 so với năm ngoái. Nguyên nhân là các doanh nghiệp phải đóng cửa và số người thất nghiệp tăng lên vì phong tỏa.

"Thị trường việc làm phải cải thiện thì nhu cầu mới tăng được", Iris Pang, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ING Groep, nhận định. "Việc này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phong tỏa trong tương lai". Bà cho rằng thị trường sẽ khó hồi phục trước năm 2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nay vẫn giữ lập trường cứng rắn với thị trường nhà ở. Tình cảnh này trái ngược với các đợt kinh tế lao dốc trước, khi bất động sản được dùng làm chất xúc tác. Trong một phiên họp tháng 4, giới chức Trung Quốc khẳng định "nhà ở không phải để đầu cơ" – một câu nói gắn chặt với chiến dịch thắt chặt tài chính đối với lĩnh vực bất động sản.

“Lần này đã khác. Bắc Kinh đã xem việc kiểm soát bong bóng bất động sản là mục tiêu chiến lược quốc gia”, Lu cho biết.

Thị trường bất động sản sẽ khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm thêm 1.4 điểm phần trăm trong năm nay, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs. Việc này sẽ khiến mục tiêu GDP tăng 5.5% của giới chức Trung Quốc vượt khỏi tầm với. Một số chuyên gia kinh tế thậm chí nghĩ GDP tăng 3% cũng khó.

Giới chức tài chính Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát sự vỡ nợ của các hãng bất động sản để không gây ra khủng hoảng trong toàn ngành. Lãi suất cho vay thế chấp hiện cũng cao hơn hẳn mức lãi sau đợt sụp đổ năm 2014. "Giới chức Trung Quốc không muốn bị đổ lỗi nếu mọi việc lại vượt tầm kiểm soát", Chen Long, Chuyên gia kinh tế tại Plenum, cho biết.

Dù hoạt động xây dựng và bán nhà giảm mạnh, giá nhà lại không giảm như các đợt lao dốc trước, do nguồn cung không còn nhiều. Việc này giúp các lãnh đạo có nhiều dư địa hơn trong việc duy trì các chính sách thắt chặt mà không khiến người dân nổi giận. Phần lớn tài sản của người Trung Quốc gắn liền với bất động sản.

Rosealea Yao, Chuyên gia kinh tế tại Gavekal Dragonomics, nhận định doanh số bán nhà của Trung Quốc sẽ giảm hơn 10% so với năm ngoái. Hơn nữa, bà cho rằng thị trường có thể không bao giờ phục hồi về mức như 2 năm qua. "Tiêu thụ thép và các vật liệu xây dựng khác đang đi ngang và có xu hướng giảm", bà giải thích.

Ngay cả khi Bắc Kinh muốn tạo ra một cơn sốt xây dựng, họ cũng không có cơ sở để làm điều này. Quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc đã chững lại. Tăng trưởng dân số tại các thị trấn và thành phố đã xuống dưới 1% lần đầu tiên kể từ năm 1996. Tại các tỉnh phát triển hơn, như Quảng Đông, khoảng 75% dân số sống ở đô thị, gần bằng mức của Mỹ là 83%.

Đầu tư vào nhà ở hiện đóng góp khoảng 11% GDP cho Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Viện Lowy (Australia), tỷ lệ này sẽ giảm về 7% năm 2030. Tuy nhiên, các loại hình đầu tư khác, như cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà máy sẽ không tăng đủ nhanh để lấp đầy khoảng trống này.

Lowy cho rằng kể cả nếu Trung Quốc tránh được khủng hoảng tài chính từ việc bất động sản lao dốc, tăng trưởng GDP cũng sẽ bị kéo về quanh 4% trong thập kỷ này. "Đầu tư giảm tốc sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn khi cạnh tranh về kinh tế với Mỹ", Roland Rajah, Chuyên gia kinh tế của Lowy, nhận định.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Sri Lanka: Nền kinh tế đang “sụp đổ hoàn toàn” (23/06/2022)

>   Gần 1 thập kỷ Nga chuẩn bị “pháo đài kinh tế” cho ngày hứng “bão” trừng phạt từ phương Tây (23/06/2022)

>   Chủ tịch Powell: Fed quyết tâm hạ lạm phát, Mỹ có khả năng suy thoái (23/06/2022)

>   Zero Covid khiến Trung Quốc giảm hấp dẫn (23/06/2022)

>   Citigroup: Xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu tiệm cận mức 50% (22/06/2022)

>   Lạm phát Anh chạm mức 9.1% (22/06/2022)

>   Friend-shoring là gì, vì sao bị phản đối? (22/06/2022)

>   Nomura: Lạm phát thực phẩm ở châu Á có thể tăng mạnh hơn (22/06/2022)

>   CEO Deutsche Bank: Lạm phát là "liều thuốc độc" đối với kinh tế toàn cầu (22/06/2022)

>   Thành phố đếm ngược đến ngày hết nước (22/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật