Tổng thống Putin cảnh báo EU tẩy chay dầu khí Nga là 'đòn tự sát kinh tế'
Tổng thống Putin cho biết việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ là bất khả thi đối với một số quốc gia châu Âu phụ thuộc, sau khi EU không đạt được đồng thuận để áp đặt biện pháp này.
Khu chứa dầu tại thành phố Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: DW
|
EU đặt mục tiêu hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và cắt nguồn thu lớn của Điện Kremlin. Tuy nhiên, theo báo Deutsche Welle (Đức), Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/5 cho biết các nước châu Âu sẽ không thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh các thành viên EU đã thất bại trong việc đàm phán đề xuất cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sau khi một nhóm nhỏ các nước tiếp tục phản đối kế hoạch này.
Đề xuất cấm vận là một phần của hành động rộng lớn hơn của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine.
"Rõ ràng, một số quốc gia EU, vốn phụ thuộc lớn vào tỷ trọng hydrocacbon của Nga, sẽ không thể từ bỏ dầu của chúng tôi trong một thời gian dài", ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Theo ông Putin, châu Âu sẽ đối mặt với giá năng lượng và lạm phát cao hơn do đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga, đồng thời lưu ý: “Tất nhiên, một vụ tự sát kinh tế như vậy là chuyện nội bộ của các nước châu Âu".
Ông Putin thừa nhận rằng thị trường dầu mỏ của Nga đã bị ảnh hưởng bởi "những thay đổi mang tính kiến tạo" trong bối cảnh các lệnh trừng phạt sau chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine và nói thêm rằng Nga sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất dầu trong nước, bao gồm cả việc tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay và bảo hiểm.
Đầu tuần này, các bộ trưởng ngoại giao của 27 thành viên EU đã nhóm họp để thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga được đưa vào gói trừng phạt thứ 6 đối với Moskva.
Các thành viên EU phải đạt được sự đồng thuận để thực hiện biện pháp này, nhưng một nhóm các nước - dẫn đầu là Hungary - đã phản đối.
EU đã cho Hungary, Séc và Slovakia thêm thời gian để loại bỏ dần sự phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga. Nhưng Budapest vẫn chưa đồng ý, với việc Chính phủ Hungary yêu cầu cần 800 triệu Euro (830 triệu USD) trong quỹ của EU để hiện đại hóa một nhà máy lọc dầu và nâng cao công suất của một đường ống dẫn đến Croatia.
Ngoài ra, Hungary cũng đang tìm cách được miễn lệnh cấm vận mà EU đã đề xuất trong ít nhất 4 năm.
Công Thuận
Báo Tin tức
|