Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm
Theo phóng viên thường trú tại Tokyo, ngày 18/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quý I vừa qua, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng âm, chủ yếu do tác động tiêu cực của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Người dân chọn mua hàng trong siêu thị ở Chiba, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN
|
Cụ thể, trong kỳ báo cáo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm 0,2% so với quý trước đó và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản vẫn tiếp tục dao động theo đồ thị hình sin khi có tới 3 trong 5 quý gần nhất bị tăng trưởng âm, xen giữa 3 quý đó là 2 quý tăng trưởng dương. Điều này cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn hết sức mong manh và GDP của Nhật Bản chưa thể tăng trở lại mức trước đại dịch.
Nguyên nhân chủ yếu khiến Nhật Bản bị tăng trưởng âm trong quý I là do Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 36 trong tổng số 47 tỉnh, thành để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 và chỉ dỡ bỏ các biện pháp này trên toàn quốc từ ngày 22/3. Bên cạnh đó, việc giá cả thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng leo thang, một phần do đồng yen mất giá và xung đột Nga-Ukraine, cũng khiến nhiều hộ gia đình thắt chặt chi tiêu, từ đó ảnh hưởng tới chi tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của Nhật Bản. Tuy nhiên, tính chung cả tài khóa 2021 (kết thúc vào cuối tháng 3/2022), nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,1%. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tăng trưởng dương trong 3 năm qua.
Để giảm bớt tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới nền kinh tế, ngày 17/5, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung trong tài khóa 2022 trị giá 2.700 tỷ yen (khoảng 21 tỷ USD). Trong đó, 1.500 tỷ yen sẽ được chi để bổ sung cho các quỹ dự phòng của chính phủ để thực hiện một số biện pháp trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp như trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu để giảm giá bán lẻ nhiên liệu trong nước; trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp có con chưa tới tuổi thành niên (bao gồm cả các gia đình đơn thân) với mức trợ cấp 50.000 yen/trẻ. Số tiền còn lại 1.200 tỷ yen sẽ được sử dụng để kéo dài thời gian thực hiện chương trình trợ giá xăng dầu cho tới cuối tháng 9 năm nay.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để duy trì chi phí vay vốn thấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy trong quý II vừa qua, Nhật Bản có thể đạt tốc độ tăng trưởng dương 1,3%, chủ yếu là nhờ chính phủ đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm sau khi dịch COVID-19 đã tạm lắng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng đối với kinh tế Nhật Bản trong phần còn lại của năm nay vẫn khá bấp bênh do tác động của lạm phát, xung đột Nga-Ukraine và sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng sau khi Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn để chống dịch COVID-19.
Đào Thanh Tùng
TTXVN
|