Phong tỏa kéo dài, cái giá mà Trung Quốc phải trả ngày càng đắt
Bức tranh kinh tế của Trung Quốc ngày càng tệ đi vì làn sóng Covid-19 mới. Giới quan sát cho rằng các biện pháp hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh không đủ để vực dậy nền kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc đang chìm sâu hơn vào suy thoái do cách chống dịch gắt gao. Theo Wall Street Journal, điều này đặt câu hỏi rằng liệu những biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh có đủ để ngăn tình trạng suy thoái kéo dài hay không.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/5, chi tiêu tiêu dùng và sản lượng nhà máy đều sụt giảm trong tháng 4. Còn tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn được Bắc Kinh coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng năm nay, đã giảm mạnh.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong vòng 2 năm. Con số này phơi bày cái giá ngày một lớn mà Bắc Kinh phải trả để theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.
Trong tháng 4, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế Trung Quốc là chi tiêu tiêu dùng. Ảnh: CHEN SI/ASSOCIATED PRESS.
|
Vết thương lan rộng
Các hoạt động có thể trở lại sau khi Trung Quốc dỡ bỏ yêu cầu phong tỏa. Nhưng thiệt hại đang lan tỏa khắp nền kinh tế và có khả năng kéo dài.
Câu hỏi đặt ra là giới chức Bắc Kinh có thể xoa dịu vết thương kinh tế bằng các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ hay không.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc chủ yếu tập trung về phía cung. Trong khi đó, những yêu cầu chống dịch đã làm xói mòn sức mạnh tiêu dùng, vốn là động lực lớn để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo ông Stephen Roach - nhà kinh tế, giảng viên tại Đại học Yale, chi tiêu cơ sở hạ tầng có thể không phát huy tác dụng tốt như trước đây, một phần do mức nợ hiện tại.
"Trung Quốc đang đối mặt với những trở ngại lớn, trong khi giới chức nước này không phản ứng kịp thời và hiệu quả", ông Roach nhận định.
Theo dữ liệu chính thức, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế Trung Quốc là chi tiêu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tại Thượng Hải, lệnh phong tỏa khiến doanh số bán xe tháng 4 bằng 0.
Các lệnh phong tỏa khiến sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.
|
Sản xuất công nghiệp tháng 4 đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, sau khi tăng 5% vào tháng 3. Sản lượng trong lĩnh vực ôtô giảm 43,5% bởi các đợt bùng dịch ở Thượng Hải và những vùng lân cận.
Tăng trưởng hàng năm của đầu tư tài sản cố định, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã giảm từ 9,3% vào quý I/2022 xuống 6,8% trong 4 tháng đầu năm.
Ông Fu Linghui - quan chức tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - thừa nhận rằng các thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt nằm ngoài dự đoán. Nhưng ông khẳng định những khó khăn chỉ là tạm thời.
Hôm 16/5, Citigroup cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II và cả năm xuống lần lượt 1,7% và 4,2%, giảm từ mức 4,7% và 5,1% trước đó.
Theo ông Zhaopeng Xing - chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư ANZ, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với hai thách thức. Đó là dư địa nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp và tâm lý kinh doanh, tiêu dùng xấu đi.
Theo ông, Trung Quốc khó trở lại đà phục hồi nhanh như sau đợt phong tỏa hồi năm 2020, bởi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn.
Các biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả
Nhưng khác với dự đoán của giới quan sát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn chưa cắt giảm lãi suất cho vay. Theo giới quan sát, dư địa của Bắc Kinh trong việc nới lỏng tiền tệ đã bị thu hẹp. Bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất làm dấy lên lo ngại rằng dòng vốn sẽ chảy khỏi Trung Quốc.
PBoC đã cho phép các ngân hàng cắt giảm lãi suất thế chấp cho những người mua nhà lần đầu. Động thái này nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang suy thoái. Nhưng điều này có thể đảo ngược mọi nỗ lực chấn chỉnh ngành địa ốc của Trung Quốc một năm qua.
Tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn của doanh nghiệp Trung Quốc đã lao dốc mạnh trong tháng 4. Trong khi đó, tổng các khoản vay hộ gia đình giảm 1,7% do nhu cầu vay thế chấp và vay tiêu dùng sụt giảm.
Rất ít công ty có thể hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế, nếu tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD.com
|
Khác với hầu hết nền kinh tế phát triển kể từ đầu đại dịch, bao gồm Mỹ, giới chức Trung Quốc không trao tiền mặt hay trợ cấp thất nghiệp trực tiếp cho các hộ gia đình.
Thay vào đó, Bắc Kinh cho biết sẽ cung cấp những khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp và cung cấp tới 2.500 tỷ NDT, tương đương 368 tỷ USD, để hoàn thuế đối với các công ty và chủ sở hữu doanh nghiệp trong năm nay.
"Điểm yếu thực sự nằm ở phía cầu, nhưng hầu hết biện pháp kinh tế đều hướng vào bên cung", ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, bình luận.
Ông Shen Jianguang - nhà kinh tế trưởng tại JD.com - cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các phản ứng chính sách hiện có. Ông kêu gọi Bắc Kinh phân phát phiếu giảm giá tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu.
"Rất ít công ty có thể hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế, nếu tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông giải thích.
Thảo Phương
ZINg
|