Người Nhật không còn tiền để 'mua sắm trả thù'
Trước tình hình giá cả tăng cao, người dân ở xứ sở hoa anh đào từ chối chi mạnh tay cho việc mua sắm. Thay vào đó, họ cắt giảm tối đa những nhu cầu không cần thiết.
Maiko Takahashi (sống ở ngoại ô phía bắc Tokyo, Nhật Bản) chưa bao giờ than thở khi phải nuôi 3 đứa con với đồng lương của mình. Cuộc sống không quá khó khăn nhưng gia đình cô có 5 người nên mọi chi tiêu trong nhà đều phải được tính toán kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, điều đó đang dần thay đổi. Giờ đây, Takahashi phải tận dụng quần áo đã qua sử dụng và theo đuổi những món hời trong mùa giảm giá.
“Tôi bắt đầu chú ý đến các mẹo trên chương trình truyền hình, chẳng hạn như giảm thiểu số lần mở tủ lạnh để tiết kiệm điện. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn buộc tôi phải thực hiện một số điều chỉnh”, bà mẹ 3 con nói với SCMP.
Hành vi của Takahashi được phản ánh bởi số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng và nhấn mạnh một tình trạng đáng lo ngại đối với Nhật Bản, theo SCMP.
Sau khi liên tục dỡ bỏ những hạn chế về dịch bệnh, chính phủ nước này đã tính đến cú hích "mua sắm trả thù" (revenge shopping/buying) - một thuật ngữ nói về nhu cầu mua sắm bùng nổ để khỏa lấp nỗi buồn hoặc bù đắp sự thiếu thốn trong thời gian dài.
Xu hướng này đã thúc đẩy sức mua và được ghi nhận ở Mỹ, Trung Quốc.
Thế nhưng, khi hóa đơn điện, nước, thực phẩm và một số chi phí sinh hoạt khác tăng cao, thậm chí trầm trọng hơn trong những tháng gần đây do đồng yen giảm mạnh và chiến tranh ở Ukraine, hy vọng đó đang tan biến nhanh chóng.
Người Nhật thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao. Ảnh: Bloomberg.
|
Đối mặt với bối cảnh “vật giá leo thang”, người dân ở xứ sở hoa anh đào vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng ngay cả khi họ sở hữu khoản “tiết kiệm bắt buộc” được tích lũy trong đại dịch, ước tính gần 50 nghìn tỷ yên (383 tỷ USD).
Nhiều nhà kinh tế cho biết một số công ty lớn đã phản đối kêu gọi tăng lương của chính phủ trong thời điểm hiện tại.
Vào tháng 3/2022, giá điện ở Nhật Bản đã tăng 22% so với năm trước - mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.
Trong một cuộc khảo sát của chính phủ, hơn 90% người tiêu dùng nói rằng họ dự đoán hàng hóa thiết yếu sẽ trở nên đắt hơn trong 12 tháng tới. Giống như Takahashi, nhiều gia đình khác cũng phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu cho phù hợp.
Ngoài việc sử dụng lại những đồng phục cũ cho con trai đang học mẫu giáo, bà mẹ này cũng chuyển sang dùng các loại thực phẩm có giá rẻ hơn.
Theo JTB Corp, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, số lượng du khách dự kiến sẽ tăng khoảng 70% so với năm ngoái, nhưng không bằng thời kỳ trước dịch.
“Giá cả liên tục tăng với những mặt hàng mà chúng tôi không thể sống thiếu, trong khi lương thì không đổi. Tôi liên tục vắt óc suy nghĩ về những thứ có thể cắt giảm trong lần mua sắm tiếp theo”, Takahashi bày tỏ.
Thảo Ngân
ZINg
|