Thứ Ba, 26/04/2022 20:51

Lương không đủ sống, công nhân phải đi vay nợ

Tiền lương thấp và thiếu tích lũy khiến công nhân lựa chọn đi vay nợ để trang trải cuộc sống, thậm chí rút bảo hiểm xã hội một lần...

Ảnh minh họa.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết thông tin này tại Hội thảo Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, chiều 26/4.

Theo tính toán của đơn vị này từ số liệu thống kê cho thấy, công nhân lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

Những năm qua, dù mức sống, điều kiện làm việc của người lao động từng bước được cải thiện, song vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

“Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề đó tiếp tục bị lật tung lên, hiện ra rõ và trầm trọng hơn, đó là tiền lương thấp và thiếu tích luỹ; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Một bộ phận lớn công nhân lao động đã bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Người lao động cũng không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Đối với lao động nhập cư, họ phải thuê nhà để ở, sử dụng điện nước với giá kinh doanh của chủ nhà trọ. Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên phải đi vay tiền; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 - 4 tháng/lần) phải đi vay. Bên cạnh đó, có hơn 21% số người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cũng cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

“Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ...”, ông Tiến dẫn chứng.

Tiền lương thấp cũng ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của người lao động. Trong tổng số 269 người lao động (hơn 10%) tham gia khảo sát là người chưa kết hôn thì có tới 54,6% cho biết tiền lương và thu nhập thấp nên chưa dám lập gia đình, vì e ngại không đủ tài chính đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này.

Viện trưởng Công nhân và Công đoàn nhấn mạnh, công nhân phải được bảo đảm cuộc sống, “sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống”, do đó họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ.

“Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của họ thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp”, ông Tiến cho biết thêm.

Trong bối cảnh tiền lương của người lao động đang rất thấp, Viện Công nhân và Công đoàn đề nghị các hiệp hội nên cân nhắc và rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu cũng nhằm để thu hút lao động, thúc đẩy chuyển đổi số và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.

Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa được điều chỉnh, hiện vẫn đang áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với mức 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng 260.000 đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng và vùng 4 tăng 180.000 đồng.

Phúc Minh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa (26/04/2022)

>   Lộ bảng giá thuê KOLs quảng cáo tiền mã hóa (26/04/2022)

>   Người Mỹ tìm cách tăng lương để đối phó với lạm phát (26/04/2022)

>   Vụ Công ty Việt Á: Bắt tạm giam Giám đốc và 4 cán bộ chủ chốt của CDC Nam Định (25/04/2022)

>   Kinh doanh dịch vụ cưới “hốt bạc” thời bình thường mới (25/04/2022)

>   Thế giới khan hiếm dầu ăn vì xung đột Nga - Ukraine (24/04/2022)

>   Cô gái Mỹ mua 3 căn nhà nhờ mặc đồ cũ, ăn đồ giảm giá (23/04/2022)

>   Móc túi 30 tỷ của hàng nghìn người bằng chiêu thông báo trúng thưởng (23/04/2022)

>   TP.HCM quy định tất cả người dân phải đeo khẩu trang (22/04/2022)

>   Thế hệ từ bỏ lối sống xa xỉ (22/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật