Người trẻ tiêu hoang, không có tiết kiệm khi sống riêng
Ra ở riêng được gần 2 năm nhưng Minh Hiếu (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn thường rơi vào cảnh hết tiền từ giữa tháng, phải vay mượn để chi tiêu.
Hiếu thừa nhận anh chưa biết cách cân đối chi tiêu, cũng không có tiền tiết kiệm sau một thời gian đi làm.
Do làm freelance, anh không có mức lương cố định, thu nhập phụ thuộc vào khối lượng việc nhận được.
Tuy nhiên, vài tháng qua, Hiếu gặp khó khăn về tài chính. Khoản tiền anh kiếm được mỗi tháng chỉ vừa đủ để chi tiêu thiết yếu, có khi phải vay mượn bạn bè.
“Sống tự lập ở thành phố lớn không dễ vì mọi thứ đều đắt đỏ, từ chợ búa cho đến xăng xe. Tôi đã cố gắng ăn tiêu dè sẻn, nhưng vẫn rơi vào cảnh ‘thiếu chỗ này, hụt chỗ kia’ vì không có kế hoạch chi tiêu cụ thể. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn tới tinh thần của tôi”, Hiếu kể.
Nhiều bạn trẻ thừa nhận ra ở riêng là cách nhanh nhất để trưởng thành. Tuy nhiên, đi kèm với cuộc sống tự do, độc lập là những bài toán khó về kinh tế. Một trong những vấn đề đau đầu nhất với họ là cân đối chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, ăn tiêu hàng tháng.
Nhiều người gặp nhiều khó khăn về tài chính khi lần đầu ra ở riêng. Ảnh: Phương Lâm.
|
Đổi kế hoạch chi tiêu
Thảo Uyên (23 tuổi, quận 7, TP.HCM), nhân viên văn phòng, vừa chuyển tới nhà mới cách đây 2 tuần.
Thời gian đầu dọn ra ở riêng, cô phải mất 6 tháng mới có thể làm quen với cuộc sống một mình. Phải tự xoay xở mọi thứ mà không có sự phụ thuộc vào bố mẹ, vấn đề tài chính luôn là điều khiến cô đau đầu nhất.
“Lúc đó tôi không biết bắt đầu từ đâu, sắm sửa những gì. Chỉ nghĩ đơn giản là có một khoản tiền dành dụm nên muốn có không gian riêng, thuê nhà trước rồi mua những món cần thiết, thiếu gì sẽ bổ sung sau. Tôi cũng tham khảo ý kiến của gia đình, mỗi người một ý nhưng ai cũng khuyên tôi nên ra riêng”, Uyên chia sẻ.
Thảo Uyên học cách chi tiêu cẩn thận để cắt giảm những khoản tiền không cần thiết. Ảnh: NVCC.
|
Tuy thu nhập đã ổn định hơn, Uyên cũng không dám chi tiêu "lố tay" mà tận dụng những gì có thể dùng lại để trang trí nhà cửa hoặc lên các hội nhóm thanh lý đồ gia dụng, bàn ghế để tiết kiệm ngân sách.
Tương tự Thảo Uyên, Quỳnh Anh (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng gặp khó khăn trong việc phân bổ tiền bạc khi bắt đầu ở riêng. Có mức lương 10 triệu đồng/tháng, cô nhiều lần phải vay mượn bạn bè, ăn uống dè sẻn vì thói quen chi tiêu “vô tội vạ”.
Kể từ khi sống tự lập, Quỳnh Anh cho biết cô thường xuyên mua sắm, di chuyển bằng xe công nghệ và ăn ngoài. Dù biết những khoản chi này không quá cần thiết, cô vẫn không thể kìm lòng mà bỏ ra 5-6 triệu đồng mỗi tháng.
“Khi ở riêng, tôi có xu hướng ‘chi tiêu hưởng thụ’ vì không còn bị gia đình quản thúc, lại ngại nấu nướng. Tôi nghĩ mức lương của mình có khả năng chi trả cho những khoản đó, nên cứ quẹt thẻ trong vô thức”, Quỳnh Anh giải thích.
Tháng này, cô đã lỡ chi quá tay cho việc đi du lịch, mua quần áo, ăn ngoài nên chỉ còn 2 triệu đồng trong tài khoản để sống tới cuối tháng, trong khi chưa đóng tiền nhà, điện nước.
“Có lẽ từ tháng tới, tôi sẽ ghi chép lại các khoản thu - chi, kết hợp với việc gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ngay khi vừa nhận lương. Tôi cần dần học cách quản lý tiền bạc để không rơi vào cảnh thiếu hụt tiền nong vào cuối tháng như vậy nữa”, cô bày tỏ.
Nhiều bạn trẻ cho rằng cân đối chi tiêu là một trong những kỹ năng quan trọng khi ra ở riêng. Ảnh: Việt Linh.
|
Trước khi ra ở riêng, Quỳnh Anh chưa bao giờ phải cân nhắc tỉ mỉ về các khoản thu chi trong sinh hoạt, không có thói quen lập kế hoạch và quản lý tài chính. Do đó, cô luôn chật vật và lo lắng mỗi khi nhận lương.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ kỹ năng quản lý tài chính lại quan trọng đến thế cho tới khi phải một mình quán xuyến mọi thứ. Tôi cũng thấy thất vọng vì đi làm và ra riêng được gần một năm song bản thân lại chưa có đồng nào trong tài khoản tiết kiệm. Thật khó để có thể kiểm soát thói quen tiêu tiền của mình”.
Tiết kiệm từng đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, Minh Châu (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã dọn ra ở riêng gần 2 năm. Phòng trọ của Châu rộng khoảng 30 m2, khép kín nhưng khá đầy đủ tiện nghi. Tổng chi phí thuê nhà và hóa đơn điện nước một tháng dao động từ 2,7 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng.
Minh Châu đặt ra giới hạn chi tiêu cho bản thân mỗi tháng. Ảnh: NVCC.
|
Ngoài làm Marketing cho một công ty truyền thông với mức lương 15 triệu đồng/tháng, cô còn đi dạy thêm ở các trung tâm và kèm người nước ngoài 1-1 học tiếng Anh để tăng thu nhập.
Là người khá kỹ tính trong việc chi tiêu, Châu luôn tạo thói quen tiết kiệm và tích luỹ cho bản thân để tránh rơi vào tình huống dùng lố ngân sách.
“Tôi xác định sẽ có những khoản tiền cố định, không được động vào như tiền nhà và tiết kiệm. Ví dụ, mỗi tháng tôi dành ra khoảng 8 triệu đồng cho 2 khoản đó. Nếu có chi phí phát sinh, tôi buộc phải kiếm nhiều hơn hoặc tiêu ít đi để cân đối lại”, Châu nói.
Khi mới ra ở riêng, vấn đề lớn nhất với Châu là không biết cách chi tiêu hợp lý. Vì thế, đôi khi cô rơi vào thế khó khi thiếu tiền trong những tình huống khẩn cấp. Sau những lần như vậy, cô tự đặt ra nguyên tắc: mỗi tháng chỉ dùng khoảng 3 triệu đồng và mỗi ngày không xài quá 100.000 đồng.
“Mới đầu sẽ hơi khó khăn nhưng nếu nếu kiên trì, tôi thấy cách này khá hiệu quả. Cũng có những lúc bị tiêu lố, tôi phải vay mượn bạn bè 1-2 triệu đồng để bù vào. Tuy nhiên, khi sống một mình, tôi nghĩ việc lên kế hoạch và điều chỉnh chi tiêu là điều nên làm”, cô gái 24 tuổi nói thêm.
Chị Mina Chung, đại sứ nền tảng tài chính cộng đồng phụ nữ, chia sẻ với Zing rằng người trẻ cần phân biệt rõ giữa các khoản chi tiêu “cần” và “muốn” để quản lý tài chính hiệu quả.
Theo chị, chi tiêu cần là những khoản thiết yếu, buộc phải chi trả hàng tháng như tiền nhà, điện nước, bảo hiểm, chợ búa. Ngược lại, quần áo, phụ kiện, ăn ngoài… thường được xếp vào hạng mục chi tiêu vì nhu cầu cá nhân.
Người trẻ cần đặt ra kế hoạch chi tiêu rõ ràng để hạn chế việc vay mượn. Ảnh: Phương Lâm.
|
“Tôi cho rằng quy tắc 50-30-20 là mô hình phân bổ chi tiêu phù hợp, trong đó 50% thu nhập sẽ sử dụng để chi trả cho hạng mục chi tiêu cần, 30% cho nhu cầu cá nhân và 20% còn lại sẽ sử dụng để tiết kiệm và đầu tư. Trước khi mua một món đồ gì, ta nên cân nhắc xem nó có vượt quá hạn mức bản thân đặt ra hay không”, chị nói.
Ngoài ra, chị cũng khẳng định người trẻ cần hạn chế việc vay mượn để tránh bị tác động tiêu cực lâu dài.
“Để kế hoạch quản lý tài chính thực sự hiệu quả, người trẻ nên tập trung trả hết các khoản nợ sớm nhất có thể và lên kế hoạch chiến lược tài chính mới: tăng thu - giảm chi - tăng cường đầu tư”, chị kết luận.
Trang Minh - Phương Thảo
ZING
|