Thứ Hai, 09/05/2022 09:14

Lo ngại quy định mới khiến hạn chế cơ hội phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Một số quy định tại dự thảo lần thứ 5 sửa đổi Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước của Bộ Tài chính được đánh giá là thu hẹp cơ hội gia nhập thị trường của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Về mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, khoản 2, Điều 5 tại dự thảo quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Mục tiêu khi đưa ra quy định này là hạn chế việc chuyển vốn từ huy động TPDN lòng vòng, không gắn với mục đích huy động, bảo vệ các nhà đầu tư TPDN khác, bên cạnh các tổ chức tín dụng, theo Bộ Tài chính.

Góp ý, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đề nghị ngoại trừ quy định này với trường hợp công ty mẹ/tập đoàn phát hành trái phiếu huy động vốn cho công ty con.

Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương còn cho rằng quy định này có thể hạn chế quyền dự do huy động vốn kinh doanh, tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Còn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) lo ngại quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn do công ty con mới ra đời hoặc ra đời đã lâu nhưng quy mô nhỏ, rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu hỗ trợ.

Ông Khổng Phan Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) VietinBank Capital – cho biết dự thảo lần thứ 5 của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp phát hành không được phát hành trái phiếu để đầu tư cổ phần, cổ phiếu, trong khi hình thức phổ biến nhất trong hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập – PV) bất động sản là mua lại cổ phần hoặc mua lại dự án.

Vì vậy, các dự án hoặc các doanh nghiệp quyết định chiến lược là phải bán mình, tìm các nhà đầu tư khác để mua lại doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp sang một giai đoạn phát triển mới sẽ gặp khó khăn.

“Với thị trường M&A, ai sẽ người đi mua? Chẳng lẽ lại phải chờ một nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực tài chính lên đến 1.000, 2.000, 3.000 tỉ đồng mới tiến hành thâu tóm, hoặc buộc phải dành cho nhà đầu tư nước ngoài?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 43,1% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tính tới cuối năm 2021.

Về điều kiện phát hành, điểm c khoản 1 Điều 9 tại dự thảo quy định tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức vay trái phiếu tại thời điểm phát hành – gồm cả khối lượng dự kiến phát hành – không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán về tài sản đảm bảo với trái phiếu.

Lý giải quy định này, Bộ Tài chính cho rằng tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu còn hạn chế với 57/380 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021 có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 51 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

“Việc doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kinh doanh thua lỗ phát hành TPDN có thể không phải để huy động vốn cho chính doanh nghiệp mà để đầu tư vào dự án đầu tư của doanh nghiệp khác, lách quy định về giới hạn cấp tín dụng của TCTD đối với một khách hàng/nhóm khách hàng”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Góp ý, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW – cho rằng việc quy định doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng.

“Điều kiện quay ngoắt 180 độ như vậy thì khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp khởi nghiệp vì làm sao họ có lãi được ngay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lỗ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình”, ông Hà nói và cho rằng điều kiện trên sẽ loại rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), dự án tốt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Anh – Trưởng nhóm Nghiên cứu rủi ro tín dụng thuộc FiinRatings – cho rằng doanh nghiệp thua lỗ không hẳn là doanh nghiệp xấu do thực tế có nhiều doanh nghiệp, dự án đang ở giai đoạn thua lỗ ban đầu.

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của họ vẫn dương và có khả năng trả nợ. Còn sức khoẻ tài chính và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng của doanh nghiệp ổn định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng có thiện chí trả nợ.

“Nên nhận diện sự khác biệt giữa doanh nghiệp có khả năng trả nợ và thiện chí trả nợ của doanh nghiệp đó. Trái phiếu riêng lẻ nên hướng đến là kênh để doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn minh bạch hoàn toàn có thể tiếp cận được”, ông Tùng Anh nhấn mạnh.

Về nhà đầu tư TPDN riêng lẻ, điểm d Điều 8 quy định cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; ngoại trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Lý giải quy định, Bộ Tài chính cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ vẫn tương đối lớn khi nắm giữ 43,1% dư nợ trái phiếu trên thị trường tính đến 31-12-2021.

Ngoài ra, có hiện tượng lách quy định của pháp luật trong việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp qua một số hình thức, gồm mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày và bán ra; sử dụng tài khoản vay ký quỹ (margin) để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỉ đồng; tham gia các hợp đồng góp vốn đầu tư TPDN với tổ chức theo pháp luật dân sự như trường hợp Tân Hoàng Minh.

Với hai yếu tố này, Bộ Tài chính dự báo sẽ xảy ra sự việc gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội nếu doanh nghiệp phát hành hoặc đơn vị phân phối trái phiếu là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán hoặc tổ chức khác không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư. Vì vậy, cần bổ sung quy định cụ thể về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tránh các trường hợp lách quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quy định này khiến ông Khổng Phan Đức lo ngại vì không biết có bao nhiêu nhà đầu tư trong số 1,5 triệu nhà đầu tư có tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường đáp ứng được những tiêu chí khắt khe do cơ quan quản lý đưa ra.

“Chắc chỉ cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp niêm yết mới đáp ứng được. Còn với những nhà đầu tư chỉ đơn thuần, coi thị trường chứng khoán là cơ hội đầu tư để kiếm tiền, khi thị trường xuống thì họ rút vốn mà yêu cầu duy trì suốt cả 2 năm liên tục là một điều rất rất khó”, ông Đức phân tích.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ai đang nắm giữ phần lớn trái phiếu doanh nghiệp (07/05/2022)

>   Giải pháp nào để ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ? (06/05/2022)

>   VIC sắp huy động 525 triệu USD trái phiếu quốc tế (05/05/2022)

>   “Thị phi” tiếp tục bủa vây dự thảo sửa đổi Nghị định 153 phiên bản 5 (04/05/2022)

>   UBCK yêu cầu công ty chứng khoán siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (02/05/2022)

>   Công ty chứng khoán báo cáo lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu ký trước ngày 5.5 (30/04/2022)

>   Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực (29/04/2022)

>   Bộ Tài chính ra Chỉ thị về tăng cường quản lý, thanh tra thị trường TPDN (28/04/2022)

>   Vụ hoàn tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh: UBCK hướng dẫn nhà đầu tư liên hệ với Bộ Công an (27/04/2022)

>   Để doanh nghiệp tốt không bị vạ lây (26/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật