Thứ Sáu, 29/04/2022 16:05

Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực

Với tầm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia, muốn lành mạnh thị trường cần luật hóa các chuẩn mực, quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện, giám sát…

Sau vụ việc tiêu cực đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cơ quan quản lý Nhà nước đã có hàng loạt các động thái nhằm kiểm tra, chấn chỉnh, lành mạnh hóa thị trường.

Bên cạnh đề xuất sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ.

Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần Luật hóa các chuẩn mực - Ảnh minh họa

Theo Chỉ thị, thị trường TPDN đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng.

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Để triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện: rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến chào bán và giao dịch TPDN; tăng cường quản lý, thanh tra thị trường TPDN; giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ.

Đặc biệt, đối với việc giám sát chặt chẽ hoạt động TPDN riêng lẻ, Chỉ thị số 01/CT-BTC yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chỉ đạo các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, đăng ký, lưu ký trái phiếu chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ trước ngày 28/4/2022, bao gồm các nội dung:

Đối với các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, rà soát chặt chẽ, bảo đảm doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và pháp luật chứng khoán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình.

Đối với các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tuân thủ các quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp phát hành, công bố đầy đủ, chính xác thông tin của doanh nghiệp phát hành, trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư theo phương án phát hành, bản công bố thông tin chào bán trái phiếu đã được phê duyệt…

Đối với các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, rà soát toàn bộ các TPDN đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tính đến thời điểm 15/4/2022, báo cáo về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trước ngày 30/4/2022.

Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, động thái của Bộ Tài chính thời gian qua là hết sức cần thiết, nhưng để lành mạnh hóa thị trường TPDN, cần Luật hóa các chuẩn mực, quy định về trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cá nhân, tổ chức thực hiện, giám sát.

Cụ thể, về vấn đề sử dụng vốn cho mục đích phát hành TPDN, việc này không thể đặt lên vai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm việc họ làm. Tuy nhiên, thị trường cần một cơ chế giám sát, ít nhất là sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo định kỳ ra thị trường của doanh nghiệp phát hành.

Theo TS Lê Đạt Chí - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN không đủ hàm lượng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư, ngay cả tìm kiếm trên trang tin phát hành trái phiếu của Sở Giao dịch về hồ sơ phát hành cũng không có. Nói cách khác, nội hàm về công bố, minh bạch thông tin đòi hỏi phải được nâng lên không chỉ cho lần phát hành, mà cho quá trình giao dịch TPDN.

TS Lê Đạt Chí cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, hồ sơ chào bán TPDN trước khi phát hành phải nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán. Nhưng nộp để làm gì? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói giám sát nhưng thời gian giám sát là bao lâu? TPDN phát hành kỳ hạn 5 năm mà 4 năm sau mới phát hiện hồ sơ đó có vấn đề và thu hồi thì ai chịu trách nhiệm? Đó là vấn đề cần quan tâm.

“Tuy nhiên, nếu quản chặt quá như phát hành của các công ty đại chúng, doanh nghiệp lại không tiếp cận được kênh huy động vốn quan trọng này. Thế nên, trong quy định cần phải có một thời hạn nào đó để thông báo cho doanh nghiệp biết hồ sơ có đúng quy định hay không, nhằm để hồ sơ minh bạch và đến với người mua”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ.

Về xếp hạng tín nhiệm, TS Lê Đạt Chí cho rằng, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP hay các quy định trước đó đều có nói, trong hồ sơ chào bán TPDN kèm theo kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có). Nhưng thực tế, trong luật của các nước, không phải các nước đều bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm.

Do đó, xếp hạng tín nhiệm nên được khuyến khích chứ không phải bắt buộc như nhiều đề xuất hiện nay. Vậy nếu khuyến khích xếp hạng, ai sẽ là người trả phí? Một hướng tiếp cận mới trên thế giới hiện nay là người mua trả phí này. Liệu chăng chúng ta có thể theo hướng này thay vì yêu cầu chủ thể phát hành phải đi thuê công ty xếp hạng?

Vì thực tế hiện nay, người mua dù là nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và các định chế tài chính đều mua lô lớn hàng trăm tỷ đồng. Như thế, họ trả phí xếp hạng tức là trả phí cho việc đầu tư cũng xứng đáng, vì phí này cũng nằm trong lợi ích mà họ thụ hưởng.

“Từ những kinh nghiệm về tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thấy, chỉ quy định bằng Nghị định là không đủ mà phải xem đó trách nhiệm, vì đó là chuẩn mực đạo đức trong hành nghề để đánh giá tín nhiệm, tức Quốc hội phải tạo ra luật, đặt ra các quy trình, chuẩn mực liên quan đến các vấn đề này. Những quy định này phải được ban hành không chỉ cho các tổ chức xếp hạng mà cả các bên kiểm toán, định giá… để người mua và cơ quan quản lý có cơ sở truy tố, khởi kiện”, TS Lê Đạt Chí nêu quan điểm.

Gia Nguyễn

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính ra Chỉ thị về tăng cường quản lý, thanh tra thị trường TPDN (28/04/2022)

>   Vụ hoàn tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh: UBCK hướng dẫn nhà đầu tư liên hệ với Bộ Công an (27/04/2022)

>   Để doanh nghiệp tốt không bị vạ lây (26/04/2022)

>   Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là "khoản vay dưới chuẩn"? (26/04/2022)

>   Trái phiếu doanh nghiệp: Luật hóa các chuẩn mực, trách nhiệm (25/04/2022)

>   Phải ngay lập tức “hạ cánh mềm” thị trường trái phiếu doanh nghiệp (25/04/2022)

>   Tân Hoàng Minh chờ hướng dẫn hoàn tiền trái phiếu ra sao? (24/04/2022)

>   Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư trái phiếu vẫn 'ngóng' hướng dẫn cơ quan chức năng (23/04/2022)

>   Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thu hút sự chú ý (23/04/2022)

>   Phát hành TPDN: Nên đặt theo quy tắc quản lý rủi ro phù hợp, không áp dụng cào bằng (23/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật