Thứ Hai, 25/04/2022 13:56

Trái phiếu doanh nghiệp: Luật hóa các chuẩn mực, trách nhiệm

Với tầm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), không ai nói Chính phủ phải siết lại vì một số sự kiện cá biệt vừa qua. Bởi lẽ Việt Nam đang nói nhiều về một trung tâm tài chính quốc tế, nên siết chặt thị trường nợ này không phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Ai mua TPDN?

Để thị trường tài chính phát triển chắc chắn cần phát triển thị trường nợ. Trên thế giới, phát triển thị trường nợ cũng là một câu chuyện không dễ, các nước cũng trải qua quá trình điều chỉnh các quy định, các quy phạm pháp luật cho phù hợp, và Việt Nam cũng vậy.

Do vậy việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN đang được đưa ra lấy ý kiến là điều rất cần thiết, để tiếp tục kiện toàn các văn bản pháp luật.

Thời gian vừa qua, kênh TPDN có những điểm tốt, nhưng nếu nhìn khách quan TPDN chỉ mới sôi động từ sau khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực, và cũng là thời điểm Chính phủ thúc đẩy các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế từ dịch bệnh Covid.

Trước thời điểm đó, DN rất ít sử dụng công cụ TP để huy động vốn, vốn hóa của thị trường TPDN rất khiêm tốn trong nền kinh tế Việt Nam. Sau đó đến khi Nghị định 81/2020 sửa đổi Nghị định 163/2018 được ban hành, quy mô thị trường TPDN phát triển rất mạnh.

Tuy nhiên, chủ thể phát hành chính trên thị trường này thời gian qua, ngoại trừ ngân hàng, chủ yếu các công ty bất động sản và họ có xu hướng tạo ra các hệ sinh thái, các công ty con để phát hành TPDN. Đây là một hiện tượng ẩn chứa rủi ro.

Hậu đại dịch Covid-19, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Từ việc bơm tiền, quy định giảm trần lãi suất, gia tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM)…

Nhưng các NHTM lại bắt tay để nắm giữ các TPDN phát hành nhằm mưu cầu lợi nhuận cho chính họ hơn là chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Dẫu biết rằng mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, nhưng trách nhiệm xã hội mới là điều quan trọng hơn.

Năm 2021, tổng giá trị TP phát hành đạt 623.500 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ theo Nghị định 81 và 153 là 583.300 tỷ đồng, nhóm tài chính-NH chiếm 42%, tăng 83,8% so với năm trước; 34,8% cho nhóm ngành bất động sản, tăng 36,2% so với năm 2020… Nếu đề cập đến người mua TPDN thì có đến 60% người mua TPDN là NH, và NH không mua TP  do NH khác phát hành. Chính điều này, cuối năm 2021, NHNN ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng mua TPDN.

Nếu tiếp tục phân tích thêm tài sản đảm bảo, thì có đến 20% TP không được đảm bảo tài sản, 30% TP có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và cổ phiếu, còn lại là tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai. Điều này cho thấy nếu không kiểm soát dòng vốn đầu tư TPDN của các NH thì rủi ro cực kỳ lớn và tương lai họ trở thành chủ dự án bất động sản, là cổ đông “bất đắc dĩ”.

Lành mạnh thị trường TPDN như thế nào?

Vậy giải pháp nào cho thị trường TPDN phát triển lành mạnh?

Trước hết phải nhắc đến vấn đề sử dụng vốn cho mục đích phát hành được nói đến rất nhiều, không có cơ quan quản lý nhà nước nào giám sát quá trình sử dụng vốn của các DN phát hành TP. Chuyện này cũng không thể nào đặt trên vai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. DN phải tự chịu trách nhiệm chuyện họ phải làm.

Tuy nhiên, thị trường cần một cơ chế giám sát, ít nhất là sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo định kỳ ra thị trường của DN phát hành. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN không đủ hàm lượng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư, ngay cả tìm kiếm trên trang tin phát hành TP của Sở Giao dịch về hồ sơ phát hành cũng không có. Nói cách khác, nội hàm về công bố, minh bạch thông tin đòi hỏi phải được nâng lên không chỉ cho lần phát hành, mà cho quá trình giao dịch TPDN.

Theo quy định tại Nghị định 153/2020, hồ sơ chào bán TPDN trước khi phát hành phải nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán. Nhưng nộp để làm gì? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói giám sát nhưng thời gian giám sát là bao lâu? TPDN phát hành kỳ hạn 5 năm mà 4 năm sau mới phát hiện hồ sơ đó có vấn đề và thu hồi thì ai chịu trách nhiệm? Đó là vấn đề cần quan tâm.

Tuy nhiên, nếu quản chặt quá như phát hành của các công ty đại chúng, DN lại không tiếp cận được kênh huy động vốn quan trọng này. Thế nên, trong quy định cần  phải có một thời hạn nào đó để thông báo cho DN biết hồ sơ có đúng quy định hay không, nhằm để hồ sơ minh bạch và đến với người mua.

Xếp hạng tín nhiệm cần quy trình, chuẩn mực và trách nhiệm

Về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định 153/2020 hay các quy định trước đó đều có nói, trong hồ sơ chào bán TPDN kèm theo kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP và loại TP phát hành (nếu có). Thực tế trong luật của các nước, không phải các nước đều bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm.

Do đó, xếp hạng tín nhiệm nên được khuyến khích chứ  không phải bắt buộc như nhiều đề xuất hiện nay. Vậy nếu khuyến khích xếp hạng, ai sẽ là người trả phí?

Một hướng tiếp cận mới trên thế giới hiện nay là người mua trả phí này. Liệu chăng chúng ta có thể theo hướng này thay vì yêu cầu chủ thể phát hành phải đi thuê công ty xếp hạng?

Vì thực tế hiện nay, người mua dù là nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và các định chế tài chính đều mua lô lớn hàng trăm tỷ đồng. Như thế, họ trả phí xếp hạng tức là trả phí cho việc đầu tư cũng xứng đáng, vì phí này cũng nằm trong lợi ích mà họ thụ hưởng.

Từ những kinh nghiệm về tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thấy, chỉ quy định bằng Nghị định là không đủ mà phải xem đó trách nhiệm, vì đó là chuẩn mực đạo đức trong hành nghề để đánh giá tín nhiệm, tức Quốc hội phải tạo ra luật, đặt ra các quy trình, chuẩn mực liên quan đến các vấn đề này.

Những quy định này phải được ban hành không chỉ cho các tổ chức xếp hạng mà cả các bên kiểm toán, định giá… để người mua và cơ quan quản lý có cơ sở truy tố, khởi kiện.

Từ trường hợp Tập đoàn China Evergrande Group của Trung Quốc đã vỡ nợ các lô TP, họ cũng được xếp hạng tín nhiệm nhưng sau đó bị vỡ nợ. Vậy khi công ty xếp hạng đánh giá tín nhiệm tốt, nhưng DN bị vỡ nợ ai sẽ chịu trách nhiệm?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Trường Đại học Kinh tế TPHCM

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Phải ngay lập tức “hạ cánh mềm” thị trường trái phiếu doanh nghiệp (25/04/2022)

>   Tân Hoàng Minh chờ hướng dẫn hoàn tiền trái phiếu ra sao? (24/04/2022)

>   Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư trái phiếu vẫn 'ngóng' hướng dẫn cơ quan chức năng (23/04/2022)

>   Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thu hút sự chú ý (23/04/2022)

>   Phát hành TPDN: Nên đặt theo quy tắc quản lý rủi ro phù hợp, không áp dụng cào bằng (23/04/2022)

>   ADB: Đánh giá tín nhiệm là cách tiếp cận phổ biến (23/04/2022)

>   Ông Trần Bá Dương: Cần đề cao sự tư vấn và tham gia kiểm soát của các tổ chức kiểm toán quốc tế (23/04/2022)

>   Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững, phải cạnh tranh lành mạnh (23/04/2022)

>   Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Cần nâng cấp hoàn thiện hạ tầng tài chính (23/04/2022)

>   Phó Chủ tịch VBMA Phạm Phú Khôi nêu 3 giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (22/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật