Toàn cầu hóa thời hậu COVID: Ấn Độ có thay thế được Trung Quốc?
Ấn Độ có thể hưởng lợi nhiều hơn Trung Quốc từ giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa, theo Arvind Subramanian, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện các vấn đề Quốc tế và Công cộng của Đại học Brown.
Tuy nhiên, chừng đó có thể không đủ để nước này thay thế Trung Quốc.
David Dollar, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, lập luận toàn cầu hóa đang thay đổi theo hướng có lợi cho Ấn Độ, chứ không phải Trung Quốc.
“Trung Quốc làm rất tốt trong một thời gian dài đến nỗi họ gần chạm mức giới hạn hơn so với Ấn Độ”, Dollar nói.
“Giả sử GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/3 GDP bình quân đầu người của Mỹ, thì Ấn Độ có lẽ là 11% hoặc 12% con số đó. Vì vậy, việc Trung Quốc đã làm tốt hơn trong thời gian dài hơn nhiều có nghĩa là nó sẽ chậm lại bởi vì khi tiến gần đến mức giới hạn hơn, tiền lương của bạn tăng lên, vốn không còn sinh lời nhiều và trừ khi bạn thực hiện một số thay đổi nhất định, có một xu hướng tự nhiên đối với nền kinh tế là không ngừng hội tụ, nhưng chắc chắn sẽ hội tụ với tốc độ chậm hơn”.
Nói đơn giản, Ấn Độ có nhiều nguồn lực còn nhàn rỗi, do đó có thể phát triển nền kinh tế thông qua triển khai các nguồn lực này hiệu quả hơn bằng cách phát triển các công nghệ mới.
Tuy vậy, Udayan Roy, giáo sư kinh tế tại Đại học Long Island, lại không đồng ý với điều trên.
“Chúng tôi đã nghe luận điểm này nhiều lần trước đây. Sự kém hiệu quả của thị trường Ấn Độ nằm rất sâu trong thị trường hàng hóa và tài nguyên, và tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong tương lai gần. Hãy lấy thị trường lao động làm ví dụ: Các công ty có hơn mười người không thể sa thải công nhân. Đó là một điều không khuyến khích cho các công ty đang phát triển lớn hơn và đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô”, Roy nói.
Ngoài ra, có những mối quan hệ thân thiện giữa Chính phủ và các doanh nghiệp lớn (chủ nghĩa tư bản thân hữu) trong một số lĩnh vực của nền kinh tế như tiện ích, viễn thông, giao thông vận tải, năng lượng và ngân hàng, làm hạn chế sự cạnh tranh và lãng phí tài nguyên.
“Ví dụ, các ngân hàng phân bổ nguồn vốn cho doanh nghiệp theo các tiêu chí chính trị hơn là kinh tế”, Roy nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Guo Yu, nhà phân tích hàng đầu về châu Á - Thái Bình Dương tại Sibylline, lại có cách tiếp cận trung dung, khi coi cả hai nước đều đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa.
“Là những nền kinh tế lớn, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là những mắc xích quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa thương mại và chuỗi cung ứng. Cả hai nền kinh tế đều đã gặt hái được những lợi ích đáng kể từ toàn cầu hóa. Ấn Độ và Trung Quốc đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau, do đó không có lợi (hoặc có ích) khi xem xét khái niệm nước này thay thế nước kia”, ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Yu nhận thấy Ấn Độ đang tận dụng lực lượng lao động trẻ và thể chế dân chủ, trong khi Trung Quốc đối mặt một môi trường địa chính trị ngày càng thù địch.
“Ấn Độ ngày càng có lợi thế trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều lao động với dân số trẻ đông đảo và hệ thống chính trị dân chủ thường khiến nước này trở thành đối tác ưu tiên của nhiều nền kinh tế phương Tây. Ngược lại, Bắc Kinh đối mặt môi trường địa chính trị đầy thách thức, nếu không muốn nói là thù địch, trong vài năm qua, được củng cố bởi sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhiều Chính phủ phương Tây đã có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và giám sát chặt chẽ hơn đối với thương mại và đầu tư của nước này”, Yu cho biết.
Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa Ấn Độ sẽ là người chiến thắng trong giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa.
“Việc Trung Quốc kiên quyết duy trì chiến lược zero-COVID đã gây ra sự gián đoạn đáng kể cho hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng, và được coi là điều ngược với toàn cầu hóa. Mặc dù Ấn Độ có thể tận dụng một số lợi thế từ việc sản xuất bị mất ở Trung Quốc, nhưng nước này không có khả năng thay thế Trung Quốc. Thật vậy, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, lực lượng lao động có tay nghề cao và thị trường rộng lớn với tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc tiếp tục khiến nước này trở thành nền kinh tế hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế, bất chấp những thách thức về chính trị và địa chính trị”, Tiến sĩ Yu nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Yu nhìn nhận hai nước này sẽ đóng vai trò hàng đầu trong giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa, ít nhất là ở khu vực châu Á.
“Không có gì ngạc nhiên khi thấy các hiệp định thương mại mới như RCEP và CPTPP nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực hơn nữa. Ngoài sản xuất và thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số cũng sẽ giúp hình thành quá trình toàn cầu hóa trong tương lai”, ông nói.
Tất cả những điều này có thể phụ thuộc vào việc liệu toàn cầu hóa có tồn tại được sau hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine hay không.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|