Nga đang làm gì để “sống mà không cần phương Tây”?
Tổng thống Vladimir Putin đang chuẩn bị cho nước Nga “sống mà không cần đến phương Tây” trong dài hạn, khi cho rằng “phương Tây không có kế hoạch từ bỏ chính sách gây áp lực kinh tế lên Nga”...
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.
|
Mấy tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều nỗ lực trấn an người dân nước này rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ gây tổn hại cho chính phương Tây nhiều hơn là cho Nga.
Theo trang CNN Business, ông Putin đang chuẩn bị cho nước Nga “sống mà không cần đến phương Tây” trong dài hạn. “Phương Tây không có kế hoạch từ bỏ chính sách gây áp lực kinh tế lên Nga”, ông Putin phát biểu trong một cuộc gặp mới đây với lãnh đạo ngành hàng không Nga. Ông nói mọi lĩnh vực trong nền kinh tế Nga đều cần “đưa ra một kế hoạch dài hạn dựa trên các cơ hội nội tại”.
Chính sách kinh tế tự lực tự cường của ông Putin là điều có thể đoán trước. Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã chuẩn bị cho sự trừng phạt gia tăng của phương Tây bằng một chiến lược có tên “Pháo đài Nga”. Tuy nhiên, quy mô của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đối với Nga nhằm đáp trả việc nước này tấn công Ukraine vào hôm 28/2 - cùng với làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga vì rủi ro về uy tín và mối lo trừng phạt - vẫn là một cú sốc đối với Nga.
“Không ai có thể lường trước được rằng phương Tây lại có thể đưa ra những biện pháp trừng phạt như vậy”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận hồi tháng 3 khi nói về việc khoảng một nửa dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD của Nga bị đóng băng.
Moscow đã tuyên bố sẽ kiện việc ra toà án việc phương Tây áp trừng phạt lên dự trữ ngoại hối của mình, và cũng doạ sẽ kiện nếu bị tuyên là vỡ nợ chỉ vì bị đóng băng tài sản.
Dưới đây là một số biện pháp mà các doanh nghiệp, ngành nghề, và giới chức Nga đang xoay sở để chung sống với “bình thường mới” dưới sự trừng phạt của phương Tây:
THIẾT KẾ LẠI Ô TÔ LADA
Lada, thương hiệu ô tô nội biểu tượng của thời Liên Xô, vốn rất phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Công ty Avtovaz, nhà sản xuất Lada, thuộc sở hữu của hãng xe Pháp Renault, và theo ông Evgeny Eskov - Tổng biên tập tạp chí ô tô Nga Auto Business Review, Autovaz và Renault chia sẻ một hệ thống thu mua linh kiện.
Autovaz không tiết lộ những mẫu xe nào bị ảnh hưởng bởi trừng phạt, nhưng tuyên bố các sản phẩm của hãng sẽ dần trở lại trong những tháng tới. Ông Eskov nói những mẫu xe thiết kế lại sẽ đơn giản hơn so với những mẫu xe hiện tại, chẳng hạn không có những tính năng như hệ thống chống bó phanh (ABS).
“Đó sẽ chỉ là những mẫu xe thô mộc như trước kia thôi”, ông nhận định.
THU HÚT LẬP TRÌNH VIÊN LÀM VIỆC CHO MẠNG XÃ HỘI VKONTAKTE
Cho tới gần đây, Instagram là mạng xã hội hàng đầu ở Nga tính trên lượng người dùng hàng tháng – theo dữ liệu từ Brand Analytics. Mạng lớn thứ nhì là Vkontakte, phiên bản Nga của Facebook.
Kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, và nhất là sau khi cơ quan chức năng Nga chặn Facebook và Instagram vào tháng trước, Vkontakte đã tìm mọi cách để thu hút các lập trình viên tài năng tới làm việc cho nền tảng của mình. Mạng này đang áp dụng chính sách miễn hoa hồng đối với bất kỳ nội dung tạo doanh thu nào và miễn phí quảng cáo cho đến cuối tháng 4, áp dụng đối với bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào chuyển khỏi các mạng xã hội khác hoặc tái kích hoạt tài khoản trên Vkontakte từ ngày 1/3. Vkontakte cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể từng bước cho việc mở kinh doanh trên nền tảng này.
Dữ liệu của Vkontakte cho thấy các biện pháp này có thể phát huy tác dụng. Lượng người dùng hàng tháng đã lập kỷ lục trên 100 triệu trong tháng 3. Trong khi đó, theo dữ liệu của Brand Analytics, Instagram đã mất một nửa lượng người dùng sử dụng tiếng Nga trong thời gian từ 23/2-6/4.
THẺ TÍN DỤNG DO NGÂN HÀNG NGA PHÁT HÀNH
Nga đã chuẩn bị cho tình huống bị phương Tây cô lập tài chính kể từ khi một số ngân hàng lớn nhất của Nga bị trừng phạt sau khi nước này sáp nhập Crimea. Trên một số phương diện, sự chuẩn bị này dã phát huy tác dụng. Hệ thống Thẻ thanh toán Quốc gia Nga và hệ thống thẻ ngân hàng dựa trên đó, gọi là “Mir”, đã phát triển bùng nổ.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), hơn 113 triệu thẻ Mir được phát hành trong năm 2021, từ chỗ chỉ có tổng cộng 1,76 triệu thẻ vào cuối năm 2016. Năm ngoái, khoảng 1/4 tất cả thanh toán thẻ tín dụng ở Nga là thanh toán bằng thẻ Mir.
Giới phân tích nói rằng con số tăng trưởng này là kết quả của chính sách bắt buộc. “Trước khi chiến tranh nổ ra, thẻ tín dụng của Nga không hấp dẫn đối với người Nga”, chuyên gia Maria Shagina của Học viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan nhận định. Thay vào đó, theo bà Shagina, Chính phủ Nga đã yêu cầu công chức, người hưởng lương hưu và người hưởng các chế độ khác phải sử dụng thẻ Mir.
Khi hai hãng thẻ phương Tây là Visa và Mastercard tuyên bố dừng tất cả các giao dịch và hoạt động ở Nga, người dân nước này đã có sẵn lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, Mir không phải là một sự thay thế trực tiếp, vì thẻ Mir chỉ dùng được ở Nga và một số ít quốc gia khác, chủ yếu là các nước Liên Xô cũ.
Nỗ lực của Nga nhằm xây dựng một hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế thay thế hệ thống SWIFT cũng gặp trở ngại. Hệ thống có tên SPFS của Nga mới có 400 đơn vị tham gia ở thời điểm năm 2021, so với con số 11.000 đơn vị tham gia SWIFT.
“Hệ thống này chưa mang lại hiệu quả cao vì các ngân hàng nước ngoài không hào hứng tham gia”, bà Shagina phát biểu.
VIỆC LÀM TRONG KHU VỰC TƯ NHÂN
Theo bà Elina Ribakova, phó kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington, nói rằng tình trạng thất nghiệp hàng loạt chưa xảy ra ở Nga, nhưng đó là một trong những điều khiến giới chức Nga lo ngại nhất.
Thủ đô Moscow đang cố gắng ngăn chặn tình trạng này bằng cách triển khai một chương trình đào tạo lại và tuyển dụng những người từng làm việc cho các công ty phương Tây ở Nga và hiện đang hoặc sắp mất việc vì doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga. Thị trưởng Moscow, ông Sergey Sobyanin, tin rằng thành phố này đang đối mặt nguy cơ mất 200.000 việc làm.
Trong một bài blog, ông Sobyanin nói rằng chương trình này nhằm giúp những lao động mất việc tìm được một việc làm mới. Các công việc mà vị Thị trưởng đề cập bao gồm theo dõi giấy tờ như hộ chiếu và giấy khai sinh, làm việc trong các công viên của thành phố hoặc các trung tâm y tế tạm thời mà thành phố đang mở. Một khoản ngân sách 41 triệu USD đã được dành riêng cho các công việc này và đào tạo lại lao động.
Đối với những người Nga từng gây dựng sự nghiệp ở những công ty phương Tây như McKinsey hay Goldman Sachs trước chiến tranh, đây là một thay đổi đột ngột. Nhưng giới chuyên gia cho rằng phần lớn nguời Nga làm lãnh đạo trong doanh nghiệp nước ngoài sẽ di cư ra nước ngoài.
ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO?
Đến hiện tại, có thể nói rằng Nga đã chống chọi được với sự trừng phạt của phương Tây, bởi hệ thống tài chính của nước này không hề sụp đổ. Đó một phần nhờ công của Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 20%, sau đó giảm về mức 17%, và áp các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga đã vượt qua được điều tồi tệ nhất. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga có thể suy giảm 8,5% trong năm nay. Sự sụt giảm có thể lớn hơn nếu châu Âu cấm nhập khẩu dầu Nga. Lạm phát ở Nga hiện là 17,5% - một thách thức ngay cả ông Putin cũng thừa nhận là đang gây tổn thất cho người dân nước này.
Theo giới chuyên gia, một rủi ro lớn khác nằm ở sự phụ thuộc của Nga vào hàng hoá nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng đang bị cấm vận. Đây là một vấn đề mà điện Kremlin khó tìm cách khắc phục hơn là tìm biện pháp cải thiện kinh tế vĩ mô.
Bình Minh
VnEconomy
|