Thời trang “quay vòng” trong nền kinh tế tuần hoàn
Trong nền kinh tế tuần hoàn với xu hướng tiết kiệm nguyên liệu và tái chế, hàng may mặc có vai trò quan trọng. Bởi lẽ, ngành dệt may tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, sợi bông và năng lượng, trong khi nguồn tài nguyên lại chỉ có hạn...
Đây là vấn đề đang được nhiều quốc gia, hãng thời trang, công ty dệt may cố gắng giải quyết. Thế giới hiện tiêu thụ khoảng 80 tỷ chiếc quần áo mới; đến năm 2025 dự kiến sẽ tiêu thụ 6,4 triệu tấn quần áo mới (12,66 kg/ người). Ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon hiện nay, nhiều hơn cả ngành vận chuyển và hàng không cộng lại. Nếu không có gì để cải thiện tình hình, vào năm 2050, dự kiến con số này sẽ là 26%.
“MIẾNG BÁNH” TỶ USD TỪ NGÀNH THỜI TRANG
Khác với thời trang bền vững, khi ở đó, thương hiệu sẽ tập trung vào việc mang đến các sản phẩm sử dụng chất liệu xanh hoặc cắt giảm những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Thời trang tuần hoàn lại tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của vật chất, của sản phẩm, nhằm loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường.
Mô hình thời trang bền vững, ở một khía cạnh khác, sở hữu đầy đủ tính chất tuần hoàn. Theo đó, sau khi được khai thác và đưa vào sử dụng, tài nguyên sẽ được giữ lại và xoay vòng trong hệ tuần hoàn tiêu dùng ấy lâu nhất có thể, thông qua việc sử dụng và tái sử dụng sản phẩm ấy dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau đó, chính sản phẩm ấy sẽ được tái chế thành vật liệu thô được dùng trong sản xuất, nhằm tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới mà không cần phải khai thác thêm tài nguyên. “Khai thác - sản xuất - tái chế” là hướng đi mới mà mô hình thời trang tuần hoàn đem lại.
Giá trị tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn của thời trang có thể lên tới 5 nghìn tỷ USD, theo các chuyên gia. Quy mô của thị trường tiềm năng đã được ước tính trong một bản báo cáo được biên soạn bởi một nhóm ngành và học giả bao gồm PwC, công ty tư vấn bền vững Anthesis, Công ty luật Rdl & Partner, Startupbootcamp, Trường Kinh doanh ESSEC, Đại học & Viện Nghiên cứu Wageningen và nhà cung cấp chuỗi thời trang Lablaco. Các chuyên gia cho biết ngành công nghiệp này chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng tái sử dụng và tái chế sản phẩm.
“Khai thác - sản xuất - tái chế” là hướng đi mới mà mô hình thời trang tuần hoàn đem lại.
|
Một lượng lớn sản phẩm kết thúc ở bãi rác nhưng có thể dễ dàng bán lại. Các công nghệ tái chế cải tiến có khả năng tạo ra sự biến đổi... Báo cáo lập luận về cách tiếp cận lấy sản phẩm làm trung tâm, thay vì lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Mục tiêu của cách tiếp cận này là giúp cho các cơ sở tái chế có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra tính minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường sống.
Hiện nay, giá trị thị trường được tạo thành từ ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 3 nghìn tỷ USD, bao gồm thị trường sợi sinh thái 40 tỷ USD, phòng thử đồ ảo trị giá 6 tỷ USD, thị trường in 3D 16 tỷ USD, cũng như các lĩnh vực đồ cũ, bao gồm bán lại và thay đổi các loại quần áo...
|
Năm 2021, hơn 16 tổ chức, gồm đại diện cho chính quyền thành phố, nhà sản xuất từ các đối tác cốt lõi gồm Burberry Group plc, Gap Inc., H & M, Ngân hàng HSBC, NIKE, Inc. và Nhà thiết kế người Anh - Stella McCartney, đã đưa ra ba biện pháp thiết thực giúp loại bỏ các rác thải trong ngành công nghiệp thời trang cũng như quy trình sản xuất gây ô nhiễm tới môi trường. Thứ nhất, hỗ trợ tài liệu và đưa ra mô hình kinh doanh quần áo đã qua sử dụng. Thứ hai, cải thiện thiết kế, sử dụng vật liệu an toàn, có thể tái chế ngay từ ban đầu. Thứ ba, biến quần áo đã qua sử dụng thành quần áo mới. Chiến dịch này còn nhận được sự hỗ trợ của C&A Foundation và Walmart Foudation.
BẮT ĐẦU TỪ CÔNG ĐOẠN THIẾT KẾ
Theo dự báo, dân số thế giới sẽ vượt quá 8,5 tỷ vào năm 2030 và sản xuất hàng may mặc toàn cầu sẽ tăng 63%. Vậy làm thế nào chúng ta có thể áp dụng thực tế các nguyên tắc tuần hoàn cho thời trang? Theo Chương trình hành động tài nguyên chất thải (WRAP) có trụ sở tại Vương quốc Anh, có tới 80% tỷ lệ tác động đến môi trường của sản phẩm được xác định ở giai đoạn thiết kế. Điều đó mang lại cho các thương hiệu và nhà thiết kế quyền lực để định hình lại hệ thống.
Hãng Nike và H&M hiện đang là đối tác toàn cầu của Quỹ Ellen MacArthur. Burberry cũng gia nhập, cùng với Stella McCartney và PVH (sở hữu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) làm đối tác cốt lõi cho sáng kiến “Thời trang tuần hoàn” mới của MacArthur. Ở cấp độ sản xuất, Burberry hợp tác với Công ty Elvis & Kresse có trụ sở tại London để tái sử dụng chất thải da. Giày thể thao Flyknit của Nike sử dụng nguyên tắc thiết kế giảm chất thải, trong khi chương trình “Tái sử dụng giày” của thương hiệu biến những đôi giày bị mòn thành Nike Grind, một vật liệu được sử dụng để phủ lên các sân thể thao và sân chơi. H&M mời khách hàng quyên tặng quần áo họ không dùng từ bất kỳ thương hiệu nào...
Tủ quần áo thiết kế theo mô hình đăng ký đã tồn tại. Ở Bắc Kinh, thương hiệu YCloset chỉ yêu cầu khách hàng chi trả 100 USD mỗi tháng, sau đó sẽ có quyền đăng ký mượn quần áo để mặc không giới hạn. Kenzo và Acne cũng bắt đầu đi theo mô hình này vào năm ngoái. Hãng thuê quần áo Rent The Runway tại Mỹ thì cho thuê tất cả các loại quần áo thiết kế chỉ bằng một phần nhỏ của giá bán lẻ của họ. Với 9 triệu thành viên trực tuyến, họ đang phân nhánh với các cửa hàng tại 5 thành phố của Mỹ.
Các trang web bán sản phẩm thời trang “second hand” sẽ được coi là lựa chọn hoàn hảo, thay thế cho thời trang nhanh trong nền kinh tế tuần hoàn.
|
Các nền tảng Tradesy, Poshmark, ThredUP, Rebag... đang bán ngày càng nhiều quần áo, túi, giày đã qua sử dụng với giá phải chăng. Hay gần đây, các hệ thống bán lẻ Macy’s, Madewell và Nordstrom đã thêm quần áo cũ vào danh mục hàng hóa của họ. Tại Đông Nam Á, Style Theory, một startup cho thuê và bán hàng thời trang đã qua sử dụng ở Singapore và Indonesia và được các quỹ đầu tư rót 30 triệu USD sau 5 năm ra mắt. Style Theory cho phép 200.000 người đăng ký mượn số lượng quần áo không giới hạn với mức phí hàng tháng không đổi. Nền tảng này hiện sở hữu 50.000 bộ quần áo và hơn 2.000 túi xách đã qua sử dụng, phục vụ hơn 2,3 triệu lượt khách.
Tại Việt Nam, từ tháng 4/2021 đến nay, dự án “Tủ đồ 0 đồng REshare” do nhóm những người trẻ 8x sáng lập, cũng đã trở thành điểm đến của những người yêu môi trường. Họ chọn nền tảng thương mại điện tử để tuần hoàn sản phẩm trong ngành thời trang, trong đó khách hàng có thể quyên góp quần áo cho dự án. REshare sẽ tiến hành phân loại, xử lý và đưa sản phẩm lên web để khách hàng lựa chọn. Cả hai hoạt động quyên góp và nhận các trang phục đều miễn phí hoặc có mức phí rất thấp để duy trì dự án.
Theo thống kê, các trang web bán sản phẩm thời trang “second hand” sẽ được coi là lựa chọn hoàn hảo, thay thế cho thời trang nhanh trong nền kinh tế tuần hoàn. Nếu như năm 2017, thời trang bền vững chiếm 6% trong khi thời trang nhanh sở hữu 9% thị phần thời trang; thì đến năm 2027, con số này dự kiến là 15%. Chính sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng của giới trẻ khiến các nhà mốt ngày càng vững tâm chọn hướng phát triển bền vững. Bởi những thứ người ta cho là rác thải, trong mắt họ, là một sự sống mới.
Băng Hảo
VnEconomy
|