Thứ Hai, 04/04/2022 09:51

Trừng phạt kinh tế Nga và những hệ luỵ đối với kinh tế thế giới

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga có thể làm GDP của Nga sụt giảm 6%. Tuy vậy, các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ luỵ khó có thể xử lý trong một sớm một chiều.

Trừng phạt kinh tế Nga và những hệ luỵ đối với kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ luỵ khó có thể xử lý trong một sớm một chiều.

Nền kinh tế Nga có khả năng hồi phục đáng kinh ngạc

Liên bang Nga (Nga) có quy mô kinh tế lớn, với GDP đạt 1.500 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. Tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế Nga đứng thứ 2 châu Âu và thứ 6 thế giới, với quy mô GDP đạt 4.021 tỷ USD, cung cấp 16,67% tổng lượng hàng hóa toàn cầu.

Liên bang Nga rất giàu các loại tài nguyên thiên nhiên và năng lượng như dầu mỏ, khí đốt, than và quặng thép.

Đặc biệt, Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nước Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu.

Đây là lợi thế cạnh tranh xuất khẩu rất lớn của Liên bang Nga khi có thể xuất khẩu năng lượng liên tục với giá rẻ cho nhiều khách hàng lớn như châu Âu và Trung Quốc. Sản lượng điện của Nga chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu.

Bên cạnh đó, Liên bang Nga còn có ngành nông nghiệp phong phú. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mỳ quan trọng. Nếu thị trường thế giới thiếu hụt hai mặt hàng này có thể làm tăng giá lương thực toàn cầu, gây nên áp lực lạm phát thêm trầm trọng.

Liên bang Nga còn là quốc gia sản xuất nickel và palladium hàng đầu thế giới. Nước Nga xuất khẩu thép và than đá lớn thứ 3, xuất khẩu gỗ lớn thứ 5, xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới,.. Nền kinh tế nước Nga có khả năng hồi phục đáng kinh ngạc.

Theo Oxford Economics, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga có thể làm GDP của Nga sụt giảm 6%. Tuy vậy, các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ luỵ khó có thể xử lý trong một sớm một chiều.

Trừng phạt kinh tế Nga và những hệ luỵ đối với kinh tế thế giới - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Bích Lâm: Nền kinh tế nước Nga có khả năng hồi phục đáng kinh ngạc.

Trừng phạt kinh tế Nga: Giá dầu lập kỷ lục trong gần 1 thập kỷ

Giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia.

Giá dầu tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga.

Ngày 4/3, giá dầu Brent đã tăng 7% lên 118,11 USD/thùng - đây cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2/2013. Giá dầu thô Mỹ tăng thêm 7,4%, khép lại tuần đầy biến động ở mức 115,68 USD/thùng, khiến giá dầu thô đắt hơn gần 26% so với ngay trước thời điểm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine.

Gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga khiến người dân châu Âu thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và phí sưởi ấm tăng. Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước châu Âu và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới. Nếu Nga cắt khí đốt vào châu Âu, kinh tế các nước châu Âu sẽ bị thiệt hại, phải chi phí tốn kém hơn để tìm kiếm và nhập khẩu nguồn năng lượng thay thế.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng tới 62%. Giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tăng, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu liên tục lập những đỉnh mới trong những tháng vừa qua. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch London ICE,  ngày 7/3/2022, lần đầu tiên trong lịch sử giá khí đốt tại châu Âu lên tới 3.600 USD/1.000m3, phá kỷ lục mọi thời đại.

Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 3/2022 tăng lên mức kỷ lục 7,5%, Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phải đưa lạm phát về mức 2%, song các biện pháp siết chặt tiền tệ sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Giá năng lượng tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, làm giảm hiệu quả của chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà các quốc gia đang nỗ lực thực hiện. Theo Goldman Sachs, nếu giá dầu tăng lên 200 USD/thùng có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất trong 6 thập kỷ

Giá lương thực tăng cao, khủng hoảng thiếu lương thực cục bộ, gia tăng nghèo đói. Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm hơn 18% lượng hàng xuất khẩu quốc tế. Nga và Ukraine nắm giữ khoảng 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu và được gọi là giỏ bánh mỳ của thế giới.

Khủng hoảng Nga-Ukraine khiến xuất khẩu ngũ cốc của Nga giảm hơn một nửa do các tuyến vận tải biển và đường sông bị phong tỏa. Ngày 2/3, Hiệp hội ngũ cốc Nga thông báo, trước tình hình hiện nay xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã giảm 60%. Các chuyến tàu xuất khẩu ngũ cốc của Nga chỉ còn chở 40.000 tấn/ngày. Ukraine đã ngừng các chuyến tàu xuất khẩu ngũ cốc.

Khủng hoảng Nga-Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất trong 6 thập kỷ gần đây kể từ khi Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tính và công bố Chỉ số giá lương thực. Trong tháng 2/2022, Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trừng phạt kinh tế Nga gây thiếu hụt, tăng giá các kim loại công nghiệp thiết yếu

Khủng hoảng Nga-Ukraine tác động rất lớn đến giá kim loại công nghiệp như nickel, đồng, nhôm, palladium vì Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn.

Do xung đột leo thang ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga làm gián đoạn nguồn cung, ngày 8/3/2022 giá nickel - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga tăng hơn 17%, ở mức 33.820 USD/tấn, sau khi đạt 34.120 USD/tấn - tăng gấp đôi, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2008. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã gọi đó là mức giá "điên rồ".

Giá nhôm tăng 2,1% đạt mức 3.930 USD/tấn, trước đó giá nhôm đã tăng lên mức kỷ lục 4.000 USD/tấn. Palladium- mặt hàng sử dụng trong điện thoại di động, hệ thống xả ô tô cũng tăng vọt.

Sự thiếu hụt và tăng giá mạnh của các mặt hàng kim loại này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành như xây dựng, bao bì, ô tô và pin xe điện.

Trong thời gian đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến chỉ một gián đoạn nhỏ tại một khu vực cũng có thể gây ra thách thức lớn đối với kinh tế toàn cầu. Từ sự việc đơn lẻ như thiếu hụt chíp bán dẫn cũng dẫn đến những tác động bao trùm lên toàn bộ kinh tế thế giới.

Vì vậy, khi Mỹ và phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiếu hụt và giá tăng cao của nhiều kim loại công nghiệp quan trọng càng làm kinh tế thế giới phải đối mặt với các khó khăn trầm trọng hơn.

Gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu

Trừng phạt kinh tế Nga còn làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao khi vận tải hàng không và đường biển bị tác động bởi các lệnh cấm không phận và đường biển giữa Nga với các nước phương Tây.

Hiện nay, khủng hoảng  Nga-Ukraine đã cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng, buộc các công ty vận tải phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ.

Vận tải hàng hóa bị tắc nghẽn, ứ đọng hàng và đội phí, giá cước hàng không đang tăng vọt gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trừng phạt kinh tế Nga và những hệ luỵ đối với kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Trừng phạt kinh tế Nga còn làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao.

Rối loạn hệ thống tài chính, tăng trưởng toàn cầu suy giảm

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể gây nên tình trạng hỗn loạn tài chính ở Nga, làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và đẩy giá năng lượng tăng cao.

Việc loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) chỉ làm tăng nặng hình phạt chứ không phải là yếu tố thay đổi cục diện, nhưng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn trong hoạt động thanh toán khi giao dịch với Nga.

Theo Thời báo New York, việc loại Nga ra khỏi SWIFT có thể làm suy yếu vai trò nguồn tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD nếu Nga phát triển một hệ thống thay thế với các đối tác như Trung Quốc, đồng thời làm giảm vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Trưởng nhóm kinh tế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane khi trao đổi với các nhà hoạch định chính sách thừa nhận xung đột Nga-Ukraine có thể khiến GDP năm 2022 của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm từ 0,3- 0,4%, từ mức dự báo tăng 4,3% vào tháng 11/2021 xuống mức 4%, ngay cả mức dự báo 4% cũng trở nên bấp bênh. ECB dự báo quý 1/2022, kinh tế của cộng đồng chung châu Âu có mức tăng trưởng dương, tuy nhiên sang quý 2 sẽ không có tăng trưởng.

Tại Mỹ, do lạm phát tăng cao, FED quyết định tăng lãi xuất 0,25% và sẽ tăng 7 lần trong năm 2022; dự báo lạm phát tháng 3 năm nay của Mỹ có thể trên 8%, khi đó FED có thể sẽ "mạnh tay" tăng 0,5% lãi xuất trong kỳ điều hành tới.

Trong bối cảnh này, FED dự báo kinh tế Mỹ tăng khoảng 2,8% khi đã tính đến ảnh hưởng của khủng hoảng Nga-Ukraine. Nếu giá xăng dầu và các kim loại công nghiệp không hạ nhiệt, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo năm 2022 tăng trưởng kinh tế Mỹ khoảng 1,7% và có thể suy thoái trong năm 2023 sau khi đạt mức tăng kỷ lục 5,7% trong gần 40 năm qua.

Khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ra những tác động KTXH sâu rộng

Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass, khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội sâu rộng. Làn sóng tăng giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát đang gia tăng và sản xuất ngừng trệ do đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược, chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Ngày 18/3/2022, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các chủ nợ khác trên toàn cầu vừa đưa ra cảnh báo về tác động kinh tế sâu rộng từ căng thẳng giữa Nga-Ukraine. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này thông qua tăng trưởng giảm tốc, gián đoạn hoạt động thương mại và lạm phát tăng cao.

Tổ chức OECD đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,5% xuống 3,5%; lạm phát toàn cầu tăng lên mức 7,5%; đặc biệt, khu vực đồng tiền chung châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế từ cuộc xung đột, với mức tăng trưởng thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với dự kiến chỉ dưới 3%.

Có thể thấy cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mang lại những rủi ro rất lớn cho kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch. Giá cả tăng cao, sức ép lạm phát và chứng khoán sụt giảm là những vấn đề đang xảy đến với kinh tế thế giới. Hiện nay, đa số các quốc gia vẫn đang chật vật phục hồi từ cú sốc đại dịch. Do vậy, dư chấn từ cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine sẽ làm trầm trọng hơn những "vết thương kinh tế" do đại dịch COVID-19 gây ra.

TS. Nguyễn Bích Lâm

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Phó Chủ tịch Fed: NHTW có thể giảm quy mô bảng cân đối kế toán vào tháng 5 (04/04/2022)

>   Kinh tế Nga rơi vào suy thoái, đồng RUB tăng giá ảo (04/04/2022)

>   Nga ‘dội gáo nước lạnh’ vào sự lạc quan của đoàn đàm phán Ukraine (03/04/2022)

>   Ba nước châu Âu chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga (03/04/2022)

>   Nga tuyên bố sẽ không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu (02/04/2022)

>   Tín hiệu 'bong bóng' đang nhen nhóm trên thị trường nhà ở của Mỹ (02/04/2022)

>   Doanh nghiệp Mỹ cân nhắc giảm đầu tư vì cách chống dịch của Trung Quốc (02/04/2022)

>   Lạm phát tại Eurozone tăng lên 7.5% vì giá năng lượng (01/04/2022)

>   Dự trữ vàng và ngoại hối của Nga giảm gần 40 tỷ USD vì xung đột ở Ukraine (01/04/2022)

>   Dịch bệnh khiến người Trung Quốc muốn tiết kiệm thay vì đầu tư (01/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật