Mặc sức ép, những nước nào đang mua dầu giá rẻ của Nga?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ nói nước này sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và đặt câu hỏi rằng dầu Nga đang nhiều và rẻ, tại sao lại không mua?...
Giá dầu thô Ural của Nga tại châu Âu đã giảm khoảng 30% trong giai đoạn từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, từ 111 USD xuống còn 78 USD/thùng - Ảnh: Getty Images
|
Gần hai tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, hầu hết dầu mỏ của nước này đang tiếp tục được bán cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Một phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu của Refinitiv cho thấy kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hôm 24/2 cho tới ngày 18/4, tổng cộng có 380 tàu chở dầu đã khởi hành từ Nga, tăng so với 357 tàu cùng giai đoạn năm 2021.
Trong số này, 115 tàu đã hoặc đang trên hành trình tới châu Á, bao gồm 52 tàu tới Trung Quốc, 28 tới Hàn Quốc, 25 tới Ấn Độ, 9 tới Nhật Bản và 1 tới Malaysia. Số tàu chở dầu từ Nga tới Ấn Độ tăng gấp 8 lần và tới Trung Quốc tăng 33% so với cùng giai đoạn năm trước. Trong khi đó, số tàu tới các nước còn lại giảm 16%.
"Hầu hết các nước mua dầu mỏ và khí đốt của Nga là ở châu Âu. Nếu chúng ta chờ 2-3 tháng nữa và nhìn vào danh sách những nước mua nhiều dầu và khí đốt của Nga, tôi cho rằng sẽ không khác nhiều so với trước đây và Ấn Độ sẽ không nằm trong top 10 của danh sách đó".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar
|
Nhiều nền kinh tế lớn phương Tây, như Anh, Mỹ đã dừng hoặc tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu dầu Nga, như một biện pháp trừng phạt để phản ứng với cuộc chiến của Moscow tại Ukraine. Thậm chí trước khi các chính phủ có động thái quyết liệt, nhiều công ty năng lượng như BP và Shell đã nói sẽ không mua dầu của Nga nữa do áp lực từ cổ đông, rủi ro ảnh hưởng tới danh tiếng và những rào cản trong khâu hậu cần.
Kết quả là, giá dầu thô Urals của Nga tại châu Âu đã giảm khoảng 30% trong giai đoạn từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, từ 111 USD xuống còn 78 USD/thùng, theo dữ liệu của Refinitiv. Đây là mức giá hời với những nước sẵn sàng làm ăn với Nga trong bối cảnh hiện nay.
"Chúng tôi đã bắt đầu mua (dầu Nga). Chúng tôi đã nhận được khá nhiều thùng dầu – tôi ước tính tương đương với lượng cung cấp trong khoảng 3-4 ngày. Việc này sẽ tiếp tục được thực hiện”, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết đầu tháng này tại sự kiện của một đài truyền hình địa phương. “Chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nguồn cung đang sẵn có và giá rẻ, tại sao lại không mua?”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman - Ảnh: AP
|
Hãng tin Bloomberg gần đây cho biết Nga đang chào bán thêm dầu mỏ cho Ấn Độ với mức giảm giá tới 35 USD/thùng xuống thấp hơn mức giá trước chiến tranh.
“Dầu mỏ Nga là một lựa chọn hấp dẫn cho những bên mua không phải đối mặt với sự giám sát của công chúng về việc mua hàng”, Vandana Hari - người sáng lập, CEO của hãng phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights tại Singapore – nhận xét. “Các công ty tại Singapore cũng không có nghĩa vụ hay chịu bất kỳ áp lực nào từ chính phủ để phải tránh xa Dầu mỏ Nga. Nhìn chung, các công ty ở châu Á không phải chịu sự giám sát để buộc phải có lập trường chống lại Moscow”.
Theo các nhà phân tích, Ấn Độ và Trung Quốc – hai nước không bị Moscow cho vào danh sách “quốc gia không thân thiện” – có thể sẽ tiếp tục mua dầu của Nga.
“Hai nước này có thể sẽ tận dụng tình hình hiện tại để mua thêm dầu thô của Nga. Chúng tôi cho rằng lượng nhập khẩu trong 2-3 tháng tới sẽ tăng lên, dù trong tháng 3 không tăng đáng kể”, Daniel Gerber, CEO của công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logisitics, nói.
Để bảo vệ quyết định tiếp tục mua dầu Nga của New Delhi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar chỉ ra rằng châu Âu đã dầu mỏ và khí đốt từ Nga trong tháng 3 nhiều hơn 15% so với tháng trước.
“Hầu hết các nước mua dầu mỏ và khí đốt của Nga là ở châu Âu”, ông Jaishankar nói hôm 31/3 và cho biết Ấn Độ chỉ nhập khẩu chưa tới 1% tổng nhu cầu dầu thô của mình từ Nga. “Nếu chúng ta chờ 2-3 tháng nữa và nhìn vào danh sách những nước mua nhiều dầu và khí đốt của Nga, tôi cho rằng sẽ không khác nhiều so với trước đây và Ấn Độ sẽ không nằm trong top 10 của danh sách đó”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hari của Vanda Insights cho rằng việc tẩy chay một số mặt hàng Nga của các công ty phương Tây chỉ mang tính hình thức.
Trên thực tế, dữ liệu theo dõi của Refinitiv cho thấy, từ ngày 1/3 đến 15/4, 41 tàu chở dầu khởi hành từ Nga có hành trình tới Hà Lan, 36 tàu tới Italy và 9 tàu tới Đức.
Xuất khẩu năng lượng mang về cho Nga hơn 235 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm ngoái. Các quốc gia phản đối cuộc chiến ở Ukraine nhấn mạnh rằng nếu không nhắm tới lĩnh vực năng lượng của Nga thì các biện pháp trừng phạt kinh tế khác sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Thực tế cho thấy thị trường chứng khoán Nga và cả đồng Rup của nước này đều đã phục hồi sau đợt lao dốc vừa qua do tác động của cuộc chiến.
Trong khi tranh luận về việc tẩy chay năng lượng Nga vẫn tiếp diễn, một trở ngại lớn hơn với các quốc gia đang tiếp tục mua dầu của nước này là khâu hậu cần.
"Vì chúng tôi không có tàu chở dầu, nên việc tìm kiếm tàu đến Nga để chở dầu trở nên khó khăn hơn bởi vì các hãng vận tải biển đang ngày càng thận trọng hơn trong việc đưa tàu tới quốc gia này, kể cả khi đó là vùng Viễn Đông chứ không phải khu vực Biển Đen”, một đại diện của công ty Taiyo Oil nói với Nikkei Asia. “Một số công ty bảo hiểm cũng từ chối cung cấp bảo hiểm cho các chuyến chở dầu Nga”.
Taiyo Oil có một nhà máy lọc dầu gần cảng biển ở Kikuma, phía Tây tỉnh Ehime của Nhật Bản. Công ty này cho biết đã nhập khẩu dầu Nga từ các tàu chở dầu cập cảng vào cuối tháng 3 thông qua một hợp đồng dài hạn hiện tại. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tìm các lựa chọn thay thế từ Trung Đông, Đông Nam Á và Bắc Phi.
Ngọc Trang
VnEconomy
|