Mỹ và châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng kỷ lục
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đẩy giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ và châu Âu tăng vọt. Điều này làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Theo CNBC, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng lên mức kỷ lục hôm 18/4 (theo giờ Mỹ) do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá tương lai có lúc tăng vọt 10% lên 8,05 USD/triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.
"Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động kéo dài đối với các thị trường khí đốt tự nhiên của Mỹ", ông David Givens - Trưởng bộ phận khí đốt tự nhiên và dịch vụ điện Bắc Mỹ tại Argus Media - nhận định.
Còn theo EBW Analytics, thời tiết thay đổi cũng khiến thị trường Mỹ rơi vào tình trạng “tăng trưởng quá mức”.
Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng mạnh trong vòng 1 năm qua, còn giá khí đốt ở châu Âu vọt lên mức kỷ lục. Ảnh: Reuters.
|
Tác động từ xung đột Nga - Ukraine
Trong vòng 1 năm qua, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng 108%. Điều này làm gia tăng mối lo ngại lạm phát cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Còn ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức kỷ lục. Bởi khối này phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Nghị viện châu Âu đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với dầu, khí đốt tự nhiên và than nhập khẩu từ Nga.
Theo dữ liệu chính thức, EU nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì chiến sự ở Ukraine. Giới chức châu Âu cũng thảo luận về việc cấm vận dầu Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đe dọa cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những hạn chế đối với nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ tác động mạnh tới kinh tế của khu vực này.
Các gói kích cầu của chính phủ trong thời kỳ đại dịch đã khiến giá cả leo thang. Đà tăng của giá năng lượng do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine càng làm gia tăng áp lực lạm phát.
Ông Stefan Kooths, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kiel
|
Hôm 15/4, 5 tổ chức kinh tế lớn nhất của Đức đã cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái nếu nguồn cung khí đốt bị chặn. Tác động thậm chí sẽ lan rộng ra khắp châu lục.
Theo cơ quan thống kê châu Âu, Đức đã mua 58,9% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ từ Nga vào năm 2020. Nếu nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu bị chặn đứng, theo các tổ chức kinh tế Đức, tăng trưởng GDP nước này sẽ bị thu hẹp còn 1,9% trong năm nay.
Đến năm 2023, nền kinh tế thậm chí còn sụt giảm 2,2%. Lạm phát sẽ vọt lên mức kỷ lục 7,3%. Năm 2023, lạm phát có khả năng đạt 2,8% và thậm chí chạm ngưỡng 5% vì gián đoạn nguồn cung.
"Nếu nguồn cung khí đốt bị chặn, nền kinh tế Đức sẽ trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng", ông Stefan Kooths - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kiel - nhận xét. Theo ông, những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine đang đè nặng lên hoạt động kinh tế của cả phía cung và phía cầu.
"Các gói kích cầu cầu của chính phủ trong thời kỳ đại dịch đã khiến giá cả leo thang. Đà tăng của giá năng lượng do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine càng làm gia tăng áp lực lạm phát", ông nói thêm.
Mỹ không phụ thuộc vào khí đốt Nga như châu Âu. Tuy nhiên, nỗi lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đe dọa nguồn cung khí đốt của Nga. Chẳng hạn, hôm 22/2, Đức đã tuyên bố tạm dừng dự án Nord Stream 2 - dự án trị giá 11 tỷ USD được ra đời nhằm tăng gấp đôi dòng khí đốt giữa Nga và Đức. Điều này đẩy giá khí đốt tăng cao trên các thị trường toàn cầu.
Cung không theo kịp cầu
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang xuất khẩu lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục sang châu Âu. Điều này cũng làm khí đốt tự nhiên tăng cao.
Theo ông Campbell Faulkner - Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc phân tích dữ liệu của OTC Global Holdings, trong bối cảnh giá tăng vọt, các nhà sản xuất vẫn giữ sản lượng trong tầm kiểm soát. Hàng tồn kho hiện thấp hơn 17% so với mức trung bình 5 năm qua.
"Dường như Mỹ sẽ làm giống châu Âu vào thời điểm này năm ngoái. Đó là loại bỏ tính thời vụ và chuyển sang kịch bản giả định nhu cầu không đổi", ông giải thích.
"Một áp lực khác đối với thị trường khí đốt tự nhiên là cuộc chiến giành giật LNG dự phòng giữa châu Á và châu Âu. Lượng LNG này chắc chắn sẽ rời khỏi bờ biển phía Tây nước Mỹ và New England vào mùa đông tới", ông Faulkner nói thêm.
Mỹ đang xuất khẩu lượng khí tự nhiên hóa lỏng kỷ lục sang châu Âu. Đây là giải pháp tạm thời của khối này nhằm giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga. Ảnh: Reuters.
|
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đà tăng giá của khí đốt tự nhiên sẽ không kéo dài. "Sự kết hợp giữa nhiều yếu tố có thể thúc đẩy nhu cầu và cản trở quá trình sản xuất", Citi nhận định.
"Nhưng thị trường có thể phản ứng thái quá với những tác động của các yếu tố này khi giá tăng cao", hãng nói thêm.
Trong phiên giao dịch hôm 18/4 trên sàn Mỹ, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên EQT Corp., Range Resources và Coterra Energy đã chạm ngưỡng cao nhất trong 52 tuần. Giá cổ phiếu của Range và Coterra tăng hơn 4%, trong khi giá cổ phiếu EQT tăng gần 7%.
Thảo Phương
ZING
|