Indonesia “nửa mừng nửa lo” trước cơ hội mua dầu giá rẻ từ Nga
Dù nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về việc Indonesia nhập khẩu dầu từ Nga giữa xung đột Ukraine, dư luận nước này lại tỏ ra ủng hộ...
Ảnh minh họa: Nikkei Asia
|
Kế hoạch của Indonesia về mua dầu Nga giữa cuộc xung đột ở Ukraine đang làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc quốc gia này nên ứng xử ra sao với các vấn đề toàn cầu. Indonesia đang rất cần dầu giá rẻ để kiềm chế lạm phát, nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích rằng việc mua dầu từ Nga sẽ tiếp sức cho cuộc chiến của Moscow tại Ukraine.
Theo Nikkei Asia, Chính phủ Indonesia dưới sự điều hành của Tổng thống Joko Widodo từ lâu ưu tiên các vấn đề trong nước hơn các vấn đề toàn cầu, với trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng ngành công nghiệp chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, là quốc gia giữ cương vị chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và là một nền kinh tế mới nổi hàng đầu, Jakarta đang chịu nhiều áp lực liên quan tới các chính sách hướng nội của mình.
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cũng đang quan tâm tới vấn đề này. Vào cuối tháng 3, Greenpeace nói rằng các nhà hoạt động của tổ chức này đã dùng thuyền kayak và thuyền hơi để ngăn chặn việc chuyển tải dầu Nga sang cho tàu Pertamina Prime. Đó là con tàu thuộc sở hữu của Pertamina International Shipping - công ty con của công ty dầu khí nhà nước Pertamina của Indonesia, nhưng không rõ liệu tàu này có đang tìm cách vận chuyển dầu thô từ Nga sang Indonesia hay không.
CƠ HỘI DẦU RẺ HIẾM CÓ
Theo Bộ Năng lượng Indonesia, quốc gia này đã không nhập khẩu dầu từ Nga những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều động thái trong nước đang được chuẩn bị để nhập khẩu dầu Nga. Hôm 28/3, tại một phiên họp của Quốc hội Indonesia, bà Nicke Widyawati, Chủ tịch Pertamina, đã yêu cầu các nhà lập pháp cho phép mua dầu “giá tốt” từ Nga.
“Về mặt chính trị, chắc có vấn đề gì cả, miễn là công ty mà chúng tôi hợp tác không bị trừng phạt”, bà Widyawati nói. “Chúng tôi cũng đã thảo luận về vần đề thanh toán, việc này có thể thực hiện thông qua Ấn Độ”.
Tuy nhiên, theo Yuddy Chrisnandi, giáo sư và cựu đại sứ Indonesia tại Ukraine, việc mua dầu của Nga đồng nghĩa “Indonesia đang gián tiếp giúp Moscow mua đạn dược, bom – tất cả vật liệu và máy móc phục vụ chiến tranh – để tiếp tục cuộc chiến”.
Các nhà hoạt động của Greenpeace phản đối việc chuyển tài dầu của Nga sang tàu Pertamina Prime của Indonesia - Ảnh: Greenpeace)
|
Dù nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về việc này, dư luận nước này lại tỏ ra ủng hộ. Bên dưới một video trên YouTube về kế hoạch mua dầu Nga của Pertamina, hầu hết các bình luận đều bày tỏ quan điểm ủng hộ.
“Đây là ý tưởng tuyệt vời”, một bình luận viết. “Việc này mang lại lợi ích về mặt kinh tế. Còn về mặt chính trị, chúng ta đang thể hiện chủ quyền của mình”.
Một bình luận khác nói: “Thật tuyệt. Indonesia phải dũng cảm lên. Đừng bị chi phối bởi phương Tây dù có bị chỉ trích. Mua dầu Nga là vì lợi ích của người dân Indonesia".
“Kế hoạch mua dầu giá rẻ từ Nga là một quyết định mang tính cơ hội”, nhà kinh tế Bhima Yudhistira tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp có trụ sở ở Jakarta, nhận xét. “Indonesia nên tận dụng lợi thế của nền chính trị tự do và chủ động của mình. Indonesia thực sự cần giá dầu rẻ, đặc biệt là khi giá dầu thế giới tiếp tục tăng trên 100 USD/thùng. Chính phủ cần giá dầu rẻ để kiếm chế đà tăng giá nhiên liệu trong nước, để lạm phát không tăng quá cao”.
Đồng quan điểm, bà Yuri Sato, thành viên nghiên cứu danh dự tại Viện các nền kinh tế đang phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (IDE-JETRO), nhấn mạnh rằng Indonesia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và là một nước nhập khẩu ròng dầu thô.
“Jakarta đang rất muốn ghìm giá nhiên liên liệu trong nước. Yêu cầu cho phép nhập khẩu dầu từ Nga của Pertamina là một biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng của nước này”, bà Sato nói. “Indonesia luôn duy trì quan điểm trung lập dựa trên luật pháp quốc tế mà không đứng về phía bất kỳ cường quốc nào. Hơn nữa, quốc gia này có lập trường tự do về hợp tác kinh tế với bất kỳ nước nào”.
Chia sẻ với Nikkei Asia, đại diện của Pertamina cho biết công ty vẫn chưa được “bật đèn xanh” để triển khai nhập khẩu dầu từ Nga.
“Hiện tại, kế hoạch mua dầu thô Nga của chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn lên kế hoạch nội bộ tại Pertamina”, người này cho biết.
Tổng thống Joko Widodo phát biểu khai mạc cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Jakarta vào ngày 17/2/2022 - Ảnh AFP
|
Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy đang có sự phản đối và bất đồng trong Chính phủ Indonesia về vấn đề này.
Từ năm 2016, Pertamina đã tham gia vào một dự án lọc dầu liên doanh trị giá 13 tỷ USD tại tỉnh East Java của Indonesia với tập đoàn năng lượng Nga Rosneft. Một giám đốc của Pertamina gần đây cho biết việc mua đất và giải phóng mặt bằng cũng như thiết kế kỹ thuật vẫn đang được triển khai bất chấp các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại nhằm vào Nga của phương Tây.
"Hy vọng tình hình sẽ sớm bình thường trở lại”, Kadek Ambara Jaya, chủ tịch kiêm giám đốc của liên doanh Pertamina-Rosneft, nói với Nikkei tháng trước. "Nhu cầu nhà máy lọc dầu ở Tuban (East Java) đang rất cấp thiết, không chỉ với Pertamina mà còn vì lợi ích quốc gia để không phụ thuộc vào dầu nhập khẩu”.
Theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo Indonesia từ lâu đã chịu áp lực kiềm chế lạm phát. Năm 1998, trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, Tổng thống Indonesia Suharto khi đó đã quyết định tăng giá nhiên liệu, khiến giá cả leo thang chóng mặt và châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp cả nước. Do đó, không ngạc nhiên khi chính quyền của Tổng thống Widodo kiên định với việc giữ giá năng lượng ở mức thấp dù ngân sách trợ cấp năng lượng tăng lên đáng kể trong năm nay.
Tuy nhiên, hiện tại, giá dầu tăng mạnh do cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải chuyển một phần chi phí tăng lên sang cho người tiêu dùng. Động thái này được dự báo sẽ đẩy lạm phát tăng của Indonesia tăng cao hơn nữa, từ 2,64% trong tháng 3 – mức cao nhất trong 2 năm.
Tuần trước, hàng nghìn sinh viên đại học đã tham gia các cuộc biểu tình ở Jakarta và nhiều thành phố lớn khác để phản đối việc giá xăng và các mặt hàng khác tăng cao. Trước đó, ông Widodo đã chỉ trích một số bộ trưởng trong nội các vì đã không giải thích rõ ràng với công chúng lý do giá cả tăng cao.
“Giá dầu tiếp tục tăng có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia và các nền kinh tế đang phát triển lớn nhập khẩu nhiều dầu khác giảm khoảng 1 điểm phần trăm”, Indermit Gill, phó chủ tịch Nhóm Thực hành toàn cầu về Tăng trưởng Công bằng, Tài chính và Thể chế (EFI) của WB, nhận định trong một bài đăng blog tháng trước.
ÁP LỰC TỪ PHƯƠNG TÂY
Giới phân tích nhận định, Chính phủ của ông Widodo có thể thấy rằng Indonesia không bắt buộc phải tuân theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, nhưng với cương vị chủ tịch Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) năm nay, nước này đang chịu áp lực lớn phải quyết đoán hơn trong vấn đề liên quan tới Moscow.
Năm ngoái, tại lễ tiếp nhận cương vị Chủ tịch G20, Tổng thống Indonesia cam kết sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển, đặc biệt là về việc phân phối vaccine Covid-19, chuyển đổi năng lượng và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây được xem là cơ hội để Indonesia vươn lên và được công nhận là một nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh.
Indonesia đang rất cần dầu giá rẻ để kiềm chế lạm phát, nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích rằng việc mua dầu từ Nga sẽ tiếp sức cho cuộc chiến của Moscow tại Ukraine.
|
Tuy nhiên, xung đột leo thang ở Ukraine đã phủ bóng đen lên cơ hội hiếm có này. Hội nghị bộ trưởng đầu tiên của G20 kể từ khi Nga tấn công Ukraine được tổ chức vào ngày 20/4, nhưng các quốc gia thành viên hiện đang có sự chia rẽ về sự tham gia của Moscow.
Hôm 6/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng Nga nên bị loại khỏi G20 và Washington sẽ tẩy chay một số cuộc họp của nhóm này nếu có đại diện Moscow tham gia. Thủ tướng Scott Morrison cũng đồng quan điểm với bà Yellen. Tuy nhiên, một số thành viên G20 khác, bao gồm Trung Quốc lại đứng về phía Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tháng trước, ông Widodo tỏ ra thận trọng khi đề cập tới việc này, nhấn mạnh rằng G20 là “tổ chức hợp tác kinh tế hàng đầu" chứ không phải là sân chơi chính trị.
Indonesia không phải quốc gia châu Á duy nhất muốn duy trì quan hệ, ít nhất trong lĩnh vực năng lượng, với Nga. Đầu tháng này, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichji Hagiuda nói rằng Tokyo ưu tiên an ninh năng lượng và sẽ không rút khỏi các dự án khí đốt Sakhalin-1, Sakhalin-2 và Arctic LNG 2 (ARC 2) ở Nga.
Trong khi đó, Sri Lanka đã mua than giá rẻ từ chi nhánh tại Singapore của SUEK AG - công ty xuất khẩu than lớn nhất Nga, theo tin từ Reuters cuối tháng trước.
Tại Ấn Độ, truyền thông địa phương cho biết Moscow đã chào bán dầu giá rẻ cho New Delhi và chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang nghiên cứu việc này.
Kể cả các quốc gia ở phương Tây cũng đang có sự chia rẽ xung quanh việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, còn Anh có kế hoạch dần giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, Chính phủ Đức và Italy khó ra quyết định hơn bởi họ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga hơn. Năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga 40% khí đốt tự nhiên và hơn 20% dầu thô mà khối này tiêu thụ.
Hoài Thu
VnEconomy
|