Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm vì COVID
Trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm trước lần đầu tiên trong gần hai năm, do ảnh hưởng của việc phong tỏa phòng chống dịch COVID và nhu cầu của người tiêu dùng yếu đi, dữ liệu chính thức của nước này cho thấy hôm thứ Tư.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quyết duy trì chiến lược zero-COVID nghiêm ngặt khi cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát do biến thể Omicron gây ra trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, chi phí kinh tế tăng lên do ngày càng xuất hiện nhiều làn sóng lây nhiễm, buộc chính quyền địa phương ban hành lệnh phong tỏa, khiến người tiêu dùng phải ở nhà, tạm dừng hoạt động kinh doanh và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nhập khẩu giảm 0.1% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên nước này hứng chịu mức giảm như thế kể từ tháng 8/2020, giai đoạn đầu của đại dịch.
Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo từ cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế Bloomberg, và khác xa mức tăng trưởng 15.5% trong hai tháng đầu năm nay.
“Một số yếu tố không mong đợi ở môi trường quốc tế và trong nước đã vượt ngoài dự đoán của chúng tôi”, Li Kuiwen, phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nói với các phóng viên.
“Để đạt mục tiêu ổn định ngoại thương, chúng tôi phải nỗ lực lớn hơn”, ông nói thêm.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng chậm lại trong tháng 3 xuống còn 14.7%, giảm nhẹ so với mức 16.3% trong hai tháng đầu năm.
Mặc dù ông Li không nêu rõ các yếu tố bên ngoài, nhưng sự sụt giảm xuất khẩu đã diễn ra trong giai đoạn xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như những ảnh hưởng từ đó đã làm tổn hại đến tâm lý kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng trên toàn cầu.
“Dữ liệu thương mại tháng 3 cho thấy rõ tác động của sự gián đoạn liên quan đến đại dịch đối với hoạt động kinh tế và chi tiêu của người tiêu dùng”, Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.
Ông nói thêm những đợt đóng cửa gần đây ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến đã ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các nhà máy sản xuất tạm thời ngừng hoạt động tác động đến nhu cầu nguyên liệu thô nhập khẩu.
Cán cân thương mại của Trung Quốc trong tháng 3 là 47.4 tỷ USD.
Theo Biswas, nhu cầu của châu Âu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể là rủi ro chính, do những cú sốc kinh tế vĩ mô từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là giá dầu và khí đốt cao hơn cũng như áp lực lạm phát gia tăng, đang dẫn đến triển vọng tăng trưởng GDP của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022 bị giảm sút.
Người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong quý đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện tử tăng 9.8% so cùng kỳ, trong đó pin mặt trời, pin lithium và xe hơi đều tăng.
“Sự sụt giảm lớn nhất trong những lô hàng xuất đi là ở đồ điện tử, nội thất và các sản phẩm giải trí, cho thấy nhu cầu trong đại dịch đối với những mặt hàng này đang giảm dần”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|