Thế khó của ngân hàng trung ương Trung Quốc
Bức tranh kinh tế xấu đi buộc chính quyền Trung Quốc phải tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng lạm phát gia tăng có thể thu hẹp dư địa hỗ trợ của nước này.
Theo CNN, lạm phát dai dẳng ở Trung Quốc sẽ thu hẹp dư địa để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các thước đo giá sản xuất và tiêu dùng tháng 3 của Trung Quốc đã tăng cao hơn nhiều dự báo của giới quan sát.
"Lạm phát giá thực phẩm và năng lượng gia tăng đã hạn chế dư địa để PBoC cắt giảm lạm suất, ngay cả vào thời điểm bức tranh kinh tế đang xấu đi nhanh chóng", ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura - nhận định.
PBoC cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi bức tranh kinh tế ngày càng xấu đi. Ảnh: Reuters.
|
Triển vọng kinh tế xấu đi
Theo báo cáo được đội ngũ Nomura công bố hồi đầu tháng, lãi suất tiền gửi thời hạn 1 năm của Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng giá tiêu dùng. Điều này làm giảm giá trị tương đối của tiền gửi ngân hàng tại Trung Quốc.
Trong khi đó, lãi suất tại Mỹ tăng cao cũng thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Trung Quốc. Việc giới chức Bắc Kinh hạ lãi suất có thể khiến rút ngắn khoảng cách hơn nữa.
Trước đây, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc thường có xu hướng chênh 100-200 điểm phần trăm so với lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ.
Trong một tuyên bố hồi cuối tháng 3, PBoC tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế.
Lạm phát gia tăng có thể hạn chế khả năng ra chính sách của Trung Quốc.
Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại China Renaissance
|
"Những thách thức đối với nền kinh tế đang ngày càng gia tăng, trong khi giới chức Trung Quốc vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cả năm. Do đó, chúng tôi cho rằng việc tăng cường hỗ trợ chính sách là rất cấp thiết", các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định.
"Chúng tôi cho rằng tháng 4 sẽ là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc giảm lãi suất, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp bảng cân đối kế toán", ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại China Renaissance - nhận định.
Theo biên bản cuộc họp của FED được công bố vào tuần trước, hầu hết nhà hoạch định chính sách đều nhất trí cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ của ngân hàng trung ương Mỹ.
"Lạm phát gia tăng có thể hạn chế khả năng ra chính sách của Trung Quốc", ông Pang nhận định. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ "khi thích hợp" để hỗ trợ tăng trưởng.
Rơi vào thế khó
Lệnh phong tỏa Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới - khiến tình trạng tắc nghẽn trong hệ thống vận chuyển càng trở nên tồi tệ, gây áp lực cho kinh tế toàn cầu.
Các nhà chức trách khẳng định cảng Thượng Hải vẫn hoạt động. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra số lượng tàu chờ xếp và dỡ hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục.
"Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng từ nhiều góc độ, từ nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải", Giám đốc điều hành Freightos Zvi Schreiber nhận định. Điều này khiến áp lực lạm phát gia tăng.
Theo dữ liệu của Wind, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng 8,3% trong tháng 3, chậm hơn mức tăng 8,8% của tháng 2, đánh dấu mốc thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong đó, các sản phẩm từ than và dầu mỏ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất.
Đối với chỉ số giá tiêu dùng, giá xăng dầu tăng mạnh nhất với mức tăng lên tới 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng 2.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Trung Quốc tăng cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó. Ảnh: Reuters.
|
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 1,5% vào tháng 3, tăng từ 0,9% trong tháng 2, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Giá thịt heo giảm mạnh 41,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục kéo lạm phát lương thực đi xuống. Nhưng giá rau tăng 17,2%.
"Lạm phát của Trung Quốc cũng tạo áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này", ông Bruce Liu - CEO của Esoterica Capital - bình luận.
Theo ông Liu, những lo ngại rằng làn sóng Covid-19 sẽ lan sang các khu vực khác của đất nước như Quảng Châu và Bắc Kinh cũng ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.
Theo các nhà phân tích tại Citi, PBoC có thể cắt giảm lãi suất chính sách hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 4. Họ cho rằng làn sóng Omicron kéo dài sẽ đòi hỏi giới chức Trung Quốc mạnh tay nới lỏng những chính sách tiền tệ.
"Theo quan điểm của chúng tôi, lạm phát chưa hạn chế các chính sách tiền tệ nới lỏng vào lúc này. Nhưng nó có thể gây lo ngại trong nửa cuối năm", nhóm phân tích của Citi nhận định.
Citi dự báo mức tăng chỉ số giá sản xuất sẽ vẫn khiêm tốn do chỉ số năm 2021 đã ở mức cao. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng 2,3% trong năm nay.
Thảo Phương
ZING
|