Đừng để trạm thu phí BOT 'lờn thuốc'
Theo quy định hiện hành, khi xảy ra ùn tắc từ 750 mét trở lên trước trạm thu phí BOT do bất cứ vấn đề gì thì BOT đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc. Thế nhưng đây lại là điều hiếm khi được các trạm BOT tuân thủ, họ thường chấp nhận bị phạt chớ nhất định không xả trạm và tình trạng này đã tái diễn nhiều lần.
Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì tình trạng BOT “lờn thuốc” này Tổng cục Đường bộ phải chịu phần lớn trách nhiệm. Giải quyết tận gốc vấn đề “lờn thuốc” cũng không khó nếu đứng về phía lợi ích của toàn xã hội.
Với thực trạng giao thông hiện nay, trong dịp nghỉ lễ 30-4 sắp tới đây, tình trạng ùn tắc xe tại các trạm thu phí BOT sẽ lại tiếp diễn khi lượng xe qua trạm tăng cao, đặc biệt là ở các tuyến cao tốc phía Nam.
Trong dịp lễ 30-4 năm ngoái, trạm BOT cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã không chấp hành yêu cầu xả trạm của Cục Cảnh sát giao thông dù ùn tắc kéo dài nhiều ki lô mét. Sau đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – đơn vị khai thác trạm BOT này) bị Cục Cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt.
Lý giải về việc không xả trạm thu phí với báo chí, lãnh đạo VEC đã viện dẫn Thông tư 15/2020 của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng thẩm quyền tạm dừng thu phí là thuộc Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) chứ VEC không có quyền tự ý xả trạm. Vị này cũng khẳng định: lực lượng cảnh sát giao thông chỉ được quyền… đề nghị, còn việc xả trạm hay không phải do Tổng cục Đường bộ quyết định.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) thì trạm thu phí đường bộ không được để dòng xe xếp hàng tại trạm thu phí kéo dài trên 750 mét hoặc 100 xe hay để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10 phút.
Về mặt pháp lý thì nghị định có giá trị cao hơn thông tư, thế nên khi VEC viện dẫn Thông tư 15/2020 của Bộ Giao thông Vận tải để từ chối xả trạm theo quy định trong Nghị định 100/2019 của Chính phủ là hoàn toàn sai về mặt luật.
Mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng khi vi phạm quy định trên mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí. Có thể thấy, mức phạt dù cao nhất này cũng chỉ bằng tổng thu phí khoảng 3.000 xe nên các trạm BOT “lờn thuốc”, cho nên phải chăng họ chấp nhận “chịu đấm ăn xôi” chớ nhất quyết không xả trạm theo yêu cầu của cảnh sát giao thông?
Tình trạng ùn tắc vẫn không xả trạm tại các trạm BOT rõ ràng thuộc về trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ với các quy định pháp luật hiện hành.
Bài thuốc trị tận gốc bệnh “lờn thuốc” này thật ra lại rất đơn giản: Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định các trạm BOT phải chấp hành vô điều kiện yêu cầu xả trạm của lực lượng cảnh sát giao thông tại hiện trường, không được từ chối.
Với trách nhiệm và quyền hạn của mình, Tổng cục Đường bộ phải hành động quyết liệt chớ không thể dừng lại ở những khuyến cáo chung chung kiểu xuân thu nhị kỳ mỗi khi sắp đến dịp lễ tết, dễ tạo cảm giác “giơ cao đánh khẽ” các trạm BOT vì sau các khuyến cáo này thì ùn tắc vẫn tái diễn. Hãy hành xử cứng rắn với các trạm BOT vì lợi ích của toàn xã hội và nền kinh tế đất nước thay vì lợi ích riêng của trạm BOT!
Song Nghi
TBKTSG
|