Thứ Năm, 24/03/2022 09:11

Ngân hàng đặt kế hoạch đầy lạc quan cho năm 2022

Hoạt động tín dụng tăng trưởng ngay trong những tháng đầu năm giúp nhiều ngân hàng lạc quan trong kết quả kinh doanh quý 1 cũng như kỳ vọng tăng trưởng tích cực cho cả năm 2022.

Theo thông tin từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 1.82% so với cuối năm 2021. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm 2022 cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Kết quả điều tra xu hướng tín dụng do NHNN thực hiện hồi tháng 12/2021 ghi nhận: các tổ chức tín dụng ước tính tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5.3% trong quý 1/2022 và dự báo tăng 14.1% cho cả năm.

Các chuyên gia từ CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định nhu cầu tín dụng năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350,000 tỷ đồng của Chính phủ trong 2 - 3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.

Nhìn lại quá khứ, kể cả khi có hơn 4 tháng phải giãn cách xã hội, tăng trưởng tín dụng năm 2021 vẫn đạt 13.53%, do đó các ngân hàng có cơ sở để đặt kỳ vọng vào năm 2022 tươi sáng hơn, khi các hoạt động kinh tế dần mở cửa và các con số sơ bộ trong quý 1 cũng cho đầy tích cực.

Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, tổ chức ngày 16/03, Phó Tổng Giám đốc VIB - ông Hồ Vân Long cho biết, lãi quý 1/2022 của Ngân hàng ước đạt 2,200 tỷ đồng, tăng 24 - 25% so với cùng kỳ năm trước và tương đương khoảng 21% kế hoạch năm. Mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại tăng trên 5%.

Trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo (2022 - 2026), VIB đặt mục tiêu tăng trưởng kép, lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm. Riêng năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 10,500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402,500 tỷ đồng; 265,600 tỷ đồng và 280,600 tỷ đồng. 

Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 11/02, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - CFO của MSB tiết lộ con số kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022 khả quan với CASA tăng 2,350 tỷ đồng so với 31/12/2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỷ đồng.

MSB đặt mục tiêu năm 2022 sẽ đạt quy mô tài sản 233,000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,800 tỷ đồng, kỳ vọng tăng trưởng 34% so với kết quả năm 2021. Tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của NHNN, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1.5%. 

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, năm nay, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, MSB sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí; đồng thời đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của Ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Ngân hàng.

Còn tại MB, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 15/03, lợi nhuận hợp nhất trong quý 1/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5,500 tỷ đồng.

Trong năm 2022, MB đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức 15% đã được NHNN cấp tạm thời. MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 19,800 tỷ đồng cho cả năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh 2022 của một số ngân hàng đã công bố

Ở nhóm quốc doanh, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay tối thiểu 12% so với năm 2021. Mục tiêu tổng tài sản tăng 8% so với đầu năm. Ngân hàng cũng dự kiến mức tín dụng tăng 12%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu duy trì dưới 1.5%, thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2022 của VietinBank là 10-20%; tổng tài sản tăng khoảng 5-10%; tín dụng tăng khoảng 10-14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10-12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

SSI Research ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng trong năm nay là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của đơn vị này, chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con...

Điểm đáng chú ý là các ngân hàng quốc doanh ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 ở mức 19%, trong khi các ngân hàng tư nhân có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay phần lớn phụ thuộc vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu.

Tỷ lệ NPL công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/06/2022. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, sẽ phải tăng thêm dự phòng; điều này có thể làm giảm lợi nhuận của các nhà băng.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   OCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2022 tăng 29%, lên hơn 7,000 tỷ đồng (23/03/2022)

>   Thẻ tín dụng nội địa đang yếu thế trên sân nhà (23/03/2022)

>   Nâng cao trải nghiệm khách hàng, SHB đưa Robot thông minh vào phục vụ giao dịch (23/03/2022)

>   BVB đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng 45%, tăng vốn thêm 1,618 tỷ đồng (22/03/2022)

>   Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (22/03/2022)

>   PVcomBank và Vemanti Group ký kết hợp đồng nền tảng ngân hàng kỹ thuật số (21/03/2022)

>   SMBC công bố chính thức dừng hợp tác chiến lược với Eximbank (21/03/2022)

>   Khi ngân hàng đẩy mạnh Bancassurance (22/03/2022)

>   Ngân hàng nào đang có lãi dự thu cao nhất? (21/03/2022)

>   Sức hấp dẫn của cổ phiếu STB trong mắt giới phân tích? (21/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật