Bài cập nhật
Góc nhìn 16/03: Rung lắc?
KBSV cho rằng mặc dù trạng thái của thị trường đã bớt trở nên tiêu cực hơn, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên kế tiếp kể từ 16/03 trước khi hình thành mặt bằng giá vững chãi hơn.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu giảm dần tỷ trọng cổ phiếu
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường sau chuỗi phiên giảm điểm đã ghi nhận diễn biến hồi phục tích cực trở lại. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 0.45% dừng tại 1452.74 điểm trong khi HNX-Index tăng 1.59%, chỉ số Upcom-Index cùng chiều tăng 0.44%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 24,737 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Lực cầu giá thấp tỏ ra chủ động trong phiên 15/3 đặc biệt tại các mã bluechips như PNJ (+4.5%), POW (+4.8%), VPB (+2.5%), MSN (+3.7%), VJC (+2.1%), GAS (+1.9%), GVR (+1.5%)…tăng giá. Ngược lại, VCB (-3.7%) là bluechips gây giảm chỉ số nhiều nhất trong phiên 15/3.
Về nhóm ngành, nhóm Xây Dựng, Đầu tư công ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên 15/3 như LCG (+6.5%), HHV (+4.9%), C4G (+8.9%), HUT (+9.7%). Ngoài ra, nhóm Dầu khí cũng đảo chiều tăng nhanh trong phiên như PVC (+9.7%), PVS (+1.1%)…mặc dù giao dịch ở vùng giá đỏ trước đó.
Khối ngoại bán ròng hơn 421 tỷ đồng trong đó HPG (115 tỷ), VIC (95 tỷ), VCB (95 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, STB (124 tỷ), VPB (67 tỷ), VJC (65 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng.
Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục về gần mức 1,460 điểm, nhưng thị trường có thể sẽ nhanh chóng giảm điểm trở lại ngay trong phiên. Điểm tích cực là chỉ số VN30 đã lấy lại mức hỗ trợ ngắn hạn 1,466 điểm, Yuanta cho rằng ngưỡng 1,466 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN30. Đồng thời, chỉ báo tâm lý giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn tiếp tục thận trọng với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, Yunta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức 45-50% danh mục. Đồng thời, dòng tiền đang có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu và ưu tiên lựa chọn hoặc nắm giữ ở nhóm cổ phiếu Dịch vụ tài chính, Hóa chất, Bán lẻ và Xây dựng & VLXD.
Thị trường xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ?
CTCK Agribank (Agriseco): Về phân tích kỹ thuật, chỉ số đang có tín hiệu tích cực khi đóng cửa với cây nến xanh và chinh phục lại mốc 1,450 điểm. Tuy nhiên với mức thanh khoản thấp, nên độ tin cậy của cây nến vẫn chưa cao. Trong kịch bản tích cực, chỉ số có thể quay lên lấp “gap” quanh vùng 1,465 điểm. Ngược lại, vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số quanh 1,426-1,440 điểm. Do đó, Agriseco nhận định đây là giai đoạn nhạy cảm của thị trường, khi có thể xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ. Chiến thuật phù hợp giai đoạn này là canh giá xanh để tái cơ cấu danh mục, mua vào tại những nhịp điều chỉnh sâu và bán ra khi dòng tiền hưng phấn.
VN-Index lên lại vùng 1,470 điểm
CTCK Đông Á (DAS): Các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành dầu khí và ngân hàng đảo chiều từ giảm sang tăng trong phiên 15/03 đã giúp thị trường khởi phát một nhịp hồi phục kỹ thuật sau 2 phiên giảm sâu. Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng tỷ trọng vốn hóa trong rổ chỉ số VN-Index không cao nhưng đã tác động tâm lý tích cực cho nhà đầu tư khi bùng nổ giao dịch trong phiên.
Điểm sáng hiện nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tích lũy tạo nền giá, rất có thể sẽ là động lực hỗ trợ thị trường. Nhịp phục hồi kỹ thuật có thể kéo dài 2-3 phiên và đưa VN-Index lên lại vùng 1,470 điểm.
Với chiến lược trading ngắn hạn, nhà đầu tư xem xét cơ hội giao dịch nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng và quan tâm nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản đang thuận lợi về sản lượng và giá bán.
Tiêu cực trong ngắn hạn
CTCK Mirae Asset: Phiên phục hồi nhẹ giúp cải thiện điểm số của VN-Index. Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae phục hồi nhẹ lên -6, tuy nhiên vẫn thể hiện trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn.
Vẫn đang có dấu hiệu tích cực
CTCK MB (MBS): Thị trường trong nước ngược dòng thành công nhờ dòng tiền quay lại bắt đáy đối với nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, bất động sản… trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng hồi phục trên diện rộng và đóng vai trò lực kéo chính giúp thị trường giữ vững đà tăng trong phiên chiều bất chấp khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng.
MBS cho rằng, thị trường trong nước vẫn đang có dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thế giới vẫn còn biến động bởi các nhân tố như việc Fed nâng lãi suất, căng thẳng địa chính trị hay đợt bùng dịch COVID-19 đang quay trở lại một số quốc gia Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tiếp tục quan sát thị trường
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trên góc nhìn kỹ thuật, vùng hỗ trợ 1,425-1,450 điểm đã trụ vững được trong 2 phiên liên tiếp và thúc đẩy được lực cầu từ đây. Kháng cự gần nhất của thị trường được xác định quanh ngưỡng 1,470 điểm. Nếu như không có những sự kiện tiêu cực xảy ra trong đêm 15/03 thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một phiên hồi phục nữa trong ngày giao dịch tiếp theo 16/03 để thu hẹp dần khoảng cách với kháng cự 1,470 điểm.
SHS khuyến nghị những nhà đầu tư đã tham gia mua vào trong vùng hỗ trợ 1,425-1,450 điểm 2 phiên gần đây có thể tiếp tục quan sát thị trường và gia tăng tỷ trọng nếu thị trường có nhịp chỉnh mạnh về hỗ trợ dài hạn quanh 1,410 điểm (MA200).
Tiếp tục chịu áp lục rung lắc
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù trạng thái của thị trường đã bớt trở nên tiêu cực hơn, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên kế tiếp kể từ 16/03 trước khi hình thành mặt bằng giá vững chãi hơn.
Sau khi đã gia tăng tỷ trọng quanh ngưỡng hỗ trợ của cổ phần mục tiêu, nhà đầu tư có thể thực hiện bán xoay vòng một phần tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm.
Kiểm tra vùng kháng cự gần 1,455-1,460 điểm
CTCK Asean (Aseansc): Dự báo trong phiên giao dịch 16/03 tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1,455-1,460 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,465-1,470 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Minh Hồng
FILI
|