Giải pháp nào để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu?
Tại Tọa đàm trực tuyến “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” diễn ra chiều ngày 04/03, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, tính đến sáng 04/03, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1,400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản.
Cũng theo bà Hà: “Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/03. Dự kiến từ 15/03 đến 20/04, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2,000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe đã lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”.
Tọa đàm trực tuyến “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” diễn ra chiều ngày 04/03
|
Doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù có nhiều giải pháp nhưng kết quả cuối cùng không được như mong muốn. Về phía doanh nghiệp, vẫn nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.
Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính nên khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Hiện, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa mà đã thay đổi về các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 (quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và lệnh 249 (biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu). Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. “Tôi cũng không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký được theo 2 lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian”, ông Bình trăn trở.
Về việc giúp đỡ các doanh nghiệp thì Hiệp hội có những biện pháp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhận rõ vị trí hiện tại. Việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc phải cấp mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số được thông tin rõ, nếu không làm thì không đưa hàng sang thị trường Trung Quốc được.
Về phía công chức Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ cùng với các ban, ngành tại địa phương, thường xuyên có trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, là một trong những đơn vị chủ trì trong việc thông quan hàng hóa, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu.”
Giải pháp nào chính ngạch?
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: “Chúng ta phải chuyển đổi thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường."
Ông Chinh cho biết, hiện nay Việt Nam tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và những điều kiện về thuế hoàn toàn ưu đãi. Vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp làm sao tiếp cận được? Ở đây không phải vấn đề các chương trình xúc tiến thương mại hoặc vấn đề đối tác mà vấn đề là hàng hóa của doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của các nước không?
Để làm được tiểu ngạch sang chính ngạch thì cần thời gian. Chính ngạch không đơn thuần là hình thức buôn bán, mà vấn đề nằm ở 3 công đoạn.
Thứ nhất là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả.
Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.
Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO và tham gia các hiệp định nên cần tuân thủ các nguyên tắc. Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
“Chúng tôi cũng đề xuất trao đổi với các tỉnh biên giới, cần có khu trung chuyển tại Việt Nam để khách hàng Trung Quốc sang xem hàng, đồng ý lấy hàng thì chúng ta giao sang bên kia. Nếu chúng ta vẫn đưa hàng sang Trung Quốc rồi mới kiểm hàng thì sẽ bị động bởi hàng tốt thì họ lấy còn hàng xấu thì trả về”, ông Chinh cho biết thêm.
Ngoài ra, còn một giải pháp khác là tiếp tục thúc đẩy ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo ông Lê Minh Hoan: “Chúng ta đang làm việc với phía bạn, một số mặt hàng chưa có mặt trong Nghị định thư, hai bên sẽ cùng ngồi lại để các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch hơn. Do điều kiện COVID-19 nên các chuyên gia của họ cũng chưa sang được”.
Về phía ý kiến của ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: “Về vấn đề chuyển đổi sang phương thức chính ngạch là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được. Vì mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng”.
Tiên Tiên
FILI
|