Thứ Năm, 03/03/2022 10:20

Lỗ nặng vì nông sản ế

Đã đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều mặt hàng nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn không có thương lái hỏi mua khiến người dân điêu đứng.

Nguyên nhân được xác định là do thị trường xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) gặp khó khăn và các loại chi phí tăng cao nên doanh nghiệp đành "bỏ của chạy lấy người".

Đỏ mắt tìm người mua

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nhưng giá đang xuống thấp, chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg khiến nhiều người đang có nguy cơ thua lỗ nặng. Ông Hồ Thanh Tuấn, một nông dân huyện Krông Pa, cho biết tuy là vùng có khí hậu nóng, được mệnh danh là "chảo lửa" của tỉnh Gia Lai nhưng ở đây rất thích hợp với dưa hấu. Do đó, năm nay ông thuê 17 ha đất tại xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa để trồng dưa hấu. Năng suất ước đạt hơn 40 tấn/ha. Chưa kịp vui mừng vì dưa được mùa, ông Tuấn phải khóc nghẹn khi vào kỳ thu hoạch, giá dưa hấu chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg.

Lỗ nặng vì nông sản ế - Ảnh 1.

Người trồng thanh long ở Bình Thuận đóng gói sản phẩm để tiêu thụ trong nước. Ảnh: HỢP PHỐ

Theo ông Tuấn, chi phí đầu tư cho 1 ha dưa hấu vào khoảng 160 triệu đồng. Trước Tết Nguyên đán, giá dưa hấu vẫn còn dao động khoảng 180-200 triệu đồng/ha. Sau Tết, dưa bắt đầu rớt giá thê thảm, xuống 100 triệu đồng/ha và bây giờ chỉ còn 60 triệu đồng/ha nhưng thương lái cũng không "thèm" hỏi mua. Với hơn 17 ha trồng dưa, ông Tuấn dự tính sẽ lỗ hơn 1 tỉ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, hàng trăm hộ dân ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa) cũng mất ăn mất ngủ khi giá dưa hấu giảm mạnh. Sau khi thông tin các cửa khẩu vào Trung Quốc đóng cửa, nhiều thương lái còn không dám mạo hiểm mua hàng khiến nhiều nông dân trồng dưa xem như mất trắng. Anh Huỳnh Ngọc Hồng, một chủ vườn, cho biết: "Mấy hôm nay gọi điện kêu thương lái tới mua nhưng họ không tới với lý do cửa khẩu phía Trung Quốc đang đóng. Năm ngoái, thương lái đến tranh nhau hỏi mua dưa hấu với giá rất cao. Vậy mà giờ họ không ngó ngàng. Nếu giá không lên nữa thì vẫn phải bán vì dưa chín, không bán sẽ mất trắng".

Lỗ nặng vì nông sản ế - Ảnh 2.

Dưa hấu rớt giá khiến người trồng lỗ nặng .Ảnh: HOÀNG THANH

Tại tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội Thanh long tỉnh cho biết toàn tỉnh dự kiến còn khoảng 70.000 tấn thanh long bước vào kỳ thu hoạch trong tháng 3 nhưng giá chỉ khoảng 1.000 đồng/kg. Trái thanh long chín không thể giữ được trên cây lâu nên một số chủ vườn buộc phải hái bỏ. Lý do là tình hình xuất khẩu bằng đường bộ ra cửa khẩu phía Bắc đang ách tắc, đường biển đang khan hiếm vỏ container, chi phí vận chuyển quá cao.

"Một chuyến vận chuyển bằng đường biển hiện nay bình quân khoảng 160 triệu đồng/container, gấp 4 lần so với trước. Chi phí đội cao như vậy, rồi sang Trung Quốc bán rất chậm hoặc bán với giá thấp thì doanh nghiệp đâu thể tiếp tục thu mua cho nông dân được" - ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, thông tin.

Tháo gỡ khó khăn

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết không riêng dưa hấu mà 80% các mặt hàng nông sản đều phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, người trồng dưa điêu đứng. Riêng tại huyện Krông Pa, hiện có khoảng 1.000 ha trồng dưa hấu với sản lượng khoảng 40.000 tấn.

Về giải pháp lâu dài, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho rằng trồng dưa hấu mang lại lợi nhuận rất lớn cho người dân, hơn hẳn so với cây thuốc lá và khoai mì. Năm nay, người dân không may khi vụ thu hoạch dưa rơi đúng vào thời điểm cửa khẩu đóng cửa nên giá dưa không được như kỳ vọng. "Đầu tư trồng bất cứ cây gì cũng sẽ gặp rủi ro, thậm chí năm nay thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích người dân tiếp tục trồng dưa. Chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận phương pháp trồng mới để cho chất lượng, năng suất cao. Năm nay, do dịch nên Trung Quốc mới đóng cửa, còn năm sau thị trường mở cửa trở lại, dưa hấu sẽ lại được mùa" - ông Thảo nhận định.

Để đối phó, người nông dân đang tự xoay xở để tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Chị Nguyễn Thu Linh (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết vườn thanh long hơn 4 tấn đang chín không tìm được thương lái hỏi mua nên chị đã tìm các kênh kết nối qua mạng internet để đóng thùng đi các điểm chợ trong nước. Đến sáng 2-3, chị Linh cắt bán được gần 1 tấn hàng để đóng thùng gửi vào TP HCM nhờ người quen bỏ lại các chợ. "Họ mua lại của mình 3.000 đồng/kg, mình chịu thêm chi phí đóng hàng đi. Dù bán gần 1 tấn hàng, trừ chi phí đóng thùng, thu lại chưa đến 3 triệu đồng, song gỡ được đồng nào hay đồng nấy" - chị Linh cho biết.

Để tháo gỡ vướng mắc này, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu để đối phó với chính sách "zero Covid" của Trung Quốc. Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu thanh long chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long; thực hiện kiểm soát, phun khử khuẩn phương tiện, hàng hóa ngay từ khâu đóng gói, xếp hàng lên phương tiện để bảo đảm kiểm soát dịch bệnh... 

Chuyển dần sang chính ngạch

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho rằng trước khó khăn này, sở đang phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin, những yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Việc thực hiện các giao dịch xuất khẩu cần theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...

Hợp Phố - Hoàng Thanh

Người lao động

Các tin tức khác

>   Giá hàng hóa tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 giữa xung đột Nga-Ukraine (02/03/2022)

>   Cửa khẩu đóng mở thất thường, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh (01/03/2022)

>   Thanh long nghịch vụ rớt giá thê thảm, đỏ mắt tìm người mua (28/02/2022)

>   Xung đột Nga-Ukraine chi phối diễn biến của các mặt hàng nông sản (27/02/2022)

>   Chưa qua tháng Giêng dồn dập báo tin kỷ lục: Gom đủ 50 tỷ USD (27/02/2022)

>   Giá cá tra tăng cao: Vui thôi đừng vui quá (25/02/2022)

>   Giá thực phẩm và phân bón có thể leo thang vì xung đột Nga-Ukraine (25/02/2022)

>   Giá cá tra tăng mạnh (23/02/2022)

>   Nếu Nga bị trừng phạt, nguồn cung hàng hóa nào sẽ bị tác động? (22/02/2022)

>   Ùn tắc nông sản sang Trung Quốc: Vẫn chờ đàm phán xuất chính ngạch (21/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật