FT: Mỹ sẽ cung cấp 15 tỷ m3 khí đốt cho EU để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga
Mỹ đang hoàn tất kế hoạch cung ứng thêm 15 tỷ m3 khí thiên nhiên hóa lòng (LNG) cho EU vào cuối năm nay, dựa trên nguồn tin thân cận từ Financial Times.
Thỏa thuận này sẽ giúp EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trong bối cảnh các nước châu Âu đang đặt mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022.
Nguồn khí đốt từ Mỹ sẽ góp phần giúp EU thực hiện mục tiêu vừa đưa ra trong tháng này: Đó là thay thế 50 tỷ m3 khí đốt của Nga bằng các nguồn khác trong năm 2022. Trong năm 2021, Mỹ cung cấp 22 tỷ m3 khí LNG cho EU.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến công bố thỏa thuận này trong ngày 25/03 (giờ địa phương).
Lượng khí LNG nhập khẩu của EU
|
“Châu Âu sẽ nhập thêm khí LNG từ Mỹ và điều này giúp thay thế lượng khí LNG mà EU nhập từ Nga”, bà Von der Leyen phát biểu ngày 24/03.
Quan chức thuộc Ủy ban châu Âu cho biết kế hoạch với Mỹ sẽ tập trung bảo đảm an ninh nguồn cung cho EU trong ngắn hạn, tăng cường sản lượng khai thác tại Mỹ trong trung hạn và áp dụng các biện pháp hạn chế lượng tiêu thụ.
EU hiện đang cân nhắc kế hoạch cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản đối phương án này, cho rằng chúng sẽ châm ngòi cho suy thoái.
Ngoài ra, EU cũng lên kế hoạch tăng nhập khẩu 50 tỷ m3 khí LNG từ các nhà cung ứng hàng đầu thế giới như Mỹ, Qatar hay Ai Cập trong tháng này, nhưng một số chuyên gia cảnh báo kế hoạch này không khả thi.
Giới chức tham gia soạn thảo kế hoạch của Mỹ nhấn mạnh rằng lượng khí LNG cung ứng cho châu Âu sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng thương mại. Phần lớn khí LNG của Mỹ hiện đều đã có nơi cung ứng cụ thể, nhất là những khách hàng ở châu Á. Cùng lúc, các cơ sở chiết suất, lưu trữ khí LNG của Mỹ dọc duyên hải đều đang vận hành ở mức công suất gần tối đa.
“Chúng tôi cho rằng các biện pháp khả dĩ trong ngắn hạn sẽ chủ yếu thiên về tái phân bổ lượng hàng để chuyển sang cho châu Âu thay vì tăng tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ”, Samantha Dart, Chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, nhận định.
Mike Yarwood, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), cho hay châu Âu sẽ phải “gồng mình” trả giá cao hơn cho khí đốt trong vài năm tới để đạt mục tiêu.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|