Dow Jones tăng vọt 450 điểm, dầu WTI giảm 8% và tích tắc rớt mốc 100 USD
Chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng mạnh trong phiên đầu tuần, trong khi giá dầu lao dốc và trader theo dõi diễn biến mới nhất từ xung đột Nga-Ukraine.
Tính tới lúc 22h ngày 14/03 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 450 điểm (tương đương 1.2%), trong khi S&P 500 tăng hơn 1% và Nasdaq Composite cộng 0.3%.
Trên thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 tăng 1.54%, DAX leo dốc 2.64%, CAC tăng 2.39% và FTSE MIB tiến 1.97%.
Chứng khoán diễn biến tích cực khi giá hàng hóa – vốn đã tăng mạnh trong thời gian gần đây – bắt đầu hạ nhiệt.
Hợp đồng dầu WTI tương lai lao dốc 8.3% xuống 100.25 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai sụt gần 8% xuống 103.72 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu WTI có lúc rớt mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ ngày 24/02.
Nguồn: CNBC
|
Rebecca Babin, trader năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth U.S, cho rằng đà lao dốc của giá dầu đến từ yếu tố địa chính trị và yếu tố nhu cầu. Nga và Ukraine được cho là nối lại đàm phán hòa bình trong ngày 14/03, trong khi nhu cầu sử dụng dầu tại Trung Quốc có thể giảm mạnh vì các đợt phong tỏa mới.
“Diễn biến ngày hôm nay phản ánh sự thay đổi trong diễn biến đàm phán Nga-Ukraine, qua đó thôi thúc trader bán ra. Lo ngại về nhu cầu vì các đợt phong tỏa ở Trung Quốc cũng khiến trader chốt lời và áp lực về mặt kỹ thuật cũng xuất hiện khi giá dầu rớt mốc tâm lý quan trọng”, Rebecca Babin cho biết.
“Các đợt phong tỏa tại Trung Quốc đang làm thị trường lo ngại cực độ”, John Kilduff, đối tác tại Again Capita, cho hay, đồng thời lưu ý giá nhiên liệu cao trên thế giới cũng khiến lượng cầu suy giảm.
Trên thị trường vàng, hợp đồng vàng tương lai giảm 1.4% xuống 1,957.6 USD/oz. Hợp đồng palladi lao dốc 15.7% xuống 2,357.50 USD/oz và sắp ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
“Giá cả gần đây trên thị trường hàng hóa biến động quá mạnh và nếu diễn biến này kéo dài thêm một khoảng thời gian, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không tin rằng kịch bản cơ sở sẽ là suy thoái và cũng không nhận thấy cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm từ mức hiện tại”, Mislav Matejka, Chiến lược gia tại JPMorgan, cho biết trong một báo cáo.
Cổ phiếu dầu khí lao dốc cùng với giá dầu. Cổ phiếu Devon Energy sụt gần 10%, trong khi Occidental Petroleum mất hơn 7% và Diamondback Energy sụt 5%. Chứng chỉ quỹ Energy Select Sector SPDR lao dốc 3.8%.
Phố Wall cũng để mắt tới xung đột Nga-Ukraine khi hai quốc gia này nối lại đàm phán. Một quan chức Ukraine cho biết các mục tiêu của họ là tiến tới thỏa thuận đình chiến và Nga rút lại quân đội ngay lập tức, cùng với các lời đảm bảo khác.
“Đà tăng của giá tài nguyên thiên nhiên đang chững lại khi trader đang xem xét các bước đi kế tiếp của xung đột Nga-Ukraine và xu hướng nâng lãi suất của Fed”, Keith Buchanan, Chuyên gia quản lý danh mục tại Globalt Investments, cho hay.
Fed sắp nâng lãi suất?
Trong khi đó, Fed được dự báo nâng lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này. Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dự báo mới của Fed về lãi suất, lạm phát và kinh tế khi xét tới sự bất ổn xoay quanh căng thẳng địa chính trị.
“Tại thời điểm này, Fed được dự báo sẽ cẩn trọng khi bàn về chính sách lãi suất trong năm 2022”, Lindsey Bell, Chiến lược gia thị trường tại Ally, cho hay. “Xung đột Nga-Ukraine đang làm tăng thêm sự phức tạp cho công việc của Fed. NHTW Mỹ nhiều khả năng vẫn chờ đợi thêm dữ liệu để đưa ra quyết định”.
Trader cũng đang theo dõi sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, trong đó thành phố Thâm Quyến đã bị phong tỏa.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|