Giải cứu công ty Trung Quốc trong vụ khủng hoảng 8 tỷ USD ở thị trường nickel London
Dù nguy hiểm đã qua, giao dịch nickel tại London vẫn đang trong trạng thái đóng băng sau khi một giao dịch bất thường khiến giá nickel tăng chóng mặt và dẫn tới hàng tỷ USD thua lỗ cho một công ty đến từ Trung Quốc...
Sở giao dịch kim loại London (LME) - Ảnh: Zuma/WSJ.
|
Ngành công nghiệp kim loại, các cơ quan giám sát tài chính và giới chức Trung Quốc vừa cấp tập giải quyết một cuộc khủng hoảng trên thị trường nickel ở London. Dù nguy hiểm đã qua, giao dịch nickel tại London vẫn đang trong trạng thái đóng băng sau khi một giao dịch bất thường khiến giá nickel tăng chóng mặt và dẫn tới hàng tỷ USD thua lỗ cho một công ty đến từ Trung Quốc.
Theo tờ Wall Street Journal, trung tâm trong cuộc khủng hoảng này là Tsingshan Holding Group, nhà sản xuất nickel – kim loại dùng để sản xuất thép không rỉ và pin xe điện – lớn nhất thế giới.
“SHORT SQUEEZE” VÀ KHOẢN LỖ 8 TỶ USD
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ các hợp đồng bán khống nickel của Tsingshan ở Sở giao dịch kim loại London (LME). Các nhà bán khống bán ra một tài sản và đợi cho giá giảm để mua vào, từ đó hưởng lãi là phần chênh lệch giá. Khi giá tài sản bị bán khống tăng mạnh, nhà bán khống đối mặt thua lỗ và có một giải pháp là mua vào để cắt lỗ, nhưng cách này có thể dẫn tới tình trạng giá càng tăng mạnh hơn – hiện tượng gọi là “short squeeze”.
Gần đây, giá nickel leo thang mạnh cùng với giá của nhiều hàng hoá cơ bản khác do ảnh hưởng của xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Theo các nhà giao dịch, khủng hoảng xảy ra khi giá nickel bắt đầu leo thang vào đầu tuần này và Tsingshan không thể huy động đủ tiền mặt để đáp ứng lệnh dừng ký quỹ (margin calls) đối với các hợp đồng bán khống.
Đối mặt thua lỗ và nguy cơ vỡ nợ, công ty có hai cách để rút khỏi các giao dịch bán khống trước đó để cắt lỗ. Một là mua lại các hợp đồng kỳ hạn bán khống, và hai là giao hàng số nickel trong các hợp đồng đó.
Lựa chọn đầu tiên là khó, vì Tsingshan sẽ phải gánh thua lỗ khổng lồ.
Và cho dù Tsingshan là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, lựa chọn thứ hai cũng không phải là một việc dễ dàng đối với công ty này. Nickel được giao đến các nhà kho của LME phải đạt độ tinh khiết ít nhất 99,8% - một tiêu chuẩn mà các sản phẩm nickel thô và nickel gang được Tsingshan sản xuất số lượng lớn không thể đáp ứng.
Khi nhà môi giới phục vụ Tsingshan rục rịch mua lại các hợp đồng nickel mà họ đã bán cho công ty này trước đó, giá nickel tăng với tốc độ “kinh hoàng” hơn.
Vào hôm thứ Ba tuần này, LME đã tạm dừng giao dịch nickel - đánh dấu lần đầu tiên sàn này phải dừng giao dịch một hợp đồng kim loại kể từ vụ sụp đổ của một liên minh kẽm quốc tế vào năm 1985. Quyết định tạm ngừng giao dịch nickel được đưa ra sau khi giá nickel tăng gấp đôi chỉ trong vòng một vài giờ đồng hồ - một cú tăng mà các nhà giao dịch cho là chưa từng có tiền lệ.
Không thể cắt lỗ bằng cách mua lại các hợp đồng bán khống, Tsingshan đối mặt với khoản thua lỗ 8 tỷ USD. Ngày 9/3, công ty cho biết đã gom đủ nickel để trang trải cho các trạng thái bán khống nhằm tránh phải hứng chịu số lỗ này. Tsingshan đã nhận được một “phao cứu sinh” tài chính là các khoản vay từ JPMorgan Chase và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc – nguồn thạo tin cho hay.
Tsingshan có tầm quan trọng chiến lược trong ngành công nghiệp kim loại của Trung Quốc, giữ vai trò một nhà cung cấp nickel và thép chủ chốt. Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phải vào cuộc và kêu gọi các ngân hàng trong nước giúp Tsingshan – một nguồn tin cho hay. Cũng theo nguồn tin này, các hợp đồng kỳ hạn nickel mà Tsingshan đã bán ở London là nhằm mục đích phòng hộ thông thường, chứ không phải để đầu cơ, đã giúp công ty nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.
CƠN GIẬN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Ngày 9/3, đại diện của Tsingshan nói với Thời báo Chứng khoán, một tờ báo tài chính thuộc tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, rằng công ty cần huy động đủ số lượng tấm nickel để giao hàng. Công ty tư nhân này dự kiến đổi nickel thô mà công ty sản xuất được lấy nickel tấm để có nickel đủ tiêu chuẩn giao hàng cho các hợp đồng đã bán.
Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi lớn đối với LME là khả năng của Tsingshan và các nhà môi giới của công ty này trong việc đáp ứng các lệnh dừng ký quỹ và tránh rơi vào cảnh vỡ nợ trong vài ngày hoặc vài tuần tới đây – nguồn thạo tin tiết lộ.
Trong một nhà máy nickel ở Nga - Ảnh: Reuters/WSJ.
|
Biến động liên quan đến Tsingshan đã gây ảnh hưởng đến các công ty khai mỏ, hãng sản xuất thép và công ty khai mỏ, vì giá ở LME là giá tham chiếu cho thị trường kim loại toàn cầu. Biến động này lại xảy ra đúng vào lúc thị trường hàng hoá cơ bản đang biến động mạnh vì xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga đã gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung và cản trở giao dịch kim loại, năng lượng và lương thực – tất cả đều là những mặt hàng thiết yếu cho sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu.
LME đã đối mặt với sự chỉ trích của nhà đầu tư và các nhà giao dịch tài chính, những người cho rằng quyết định huỷ các giao dịch được tiến hành trước khi lệnh tạm dừng giao dịch được đưa ra khiến họ mất đi khoản lãi lẽ ra họ được hưởng và còn phải gánh thêm thua lỗ từ những giao dịch đôi giữa nickel và các tài sản khác - Wall Street Journal cho hay.
“Rõ ràng đây là những chuyện chưa từng có tiền lệ và buộc chúng tôi phải làm những việc mà chúng tôi không muốn phải làm” CEO Matthew Chamberlain của LME phát biểu. “Chúng tôi đã phải đối mặt với lựa chọn giữa một bên là đảm bảo sự ổn định tài chính tổng thể và dài hạn của thị trường, với một bên là những khoản lợi nhuận ngắn hạn từ các giao dịch của những người tham gia thị trường trong buổi sáng ngày thứ Ba”.
Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết khủng hoảng Tsingshan đã giúp giải toả nỗi lo lắng trên thị trường nickel, đưa giá của một số hợp đồng nickel tại Sở Giao dịch hàng hoá tương lai Thượng Hải giảm tối đa 17% trong buổi tối ngày thứ Tư. Trước đó, một số hợp đồng nickel đã bị tạm ngừng gioa dịch vì giá tăng hết biên độ cho phép.
LME cho biết sẽ mở cửa thị trường trở lại một cách thận trọng, bằng cách rút ngắn thời gian giao dịch và đặt hạn chế đối với biến động giá nickel theo cả hai chiều. Sàn giao dịch này đã yêu cầu các công ty có trạng thái giá lên (long) và giá xuống (short) lớn phải cân bằng trạng thái để giảm nguy cơ giá tăng chóng mặt khi xảy ra tình trạng “short squeeze” (giá một tài sản bị cuốn vào vòng xoáy đi lên sau khi việc giá bắt đầu tăng khiến các nhà bán khống tranh mua để cắt lỗ). LME thậm chí có thể yêu cầu các công ty phải công bố trạng thái ròng giữa các hợp đồng giá lên và giá xuống – nguồn tin cho hay.
Các nhà đầu tư ở LME nổi giận vì việc huỷ hợp đồng, cho rằng việc này chỉ có lợi cho Tsingshan, các ngân hàng cho Tsingshan vay tiền và LME. Một nhà quản lý quỹ đầu cơ cho biết đã cắt giảm 90% trạng thái ở LME vì không thể đặt tiền của khách hàng vào một nơi mà giao dịch có thể bị huỷ.
An Huy
VnEconomy
|