Thứ Ba, 08/03/2022 08:36

Có giảm được gánh nặng giá xăng dầu?

Giá xăng dầu thế giới tăng cao thời gian gần đây như châm dầu vào lửa đối với giá cả tiêu dùng của người dân khắp thế giới. Một số chính phủ đã có các chương trình hỗ trợ cho người dân để hạ bớt nhiệt. Với Việt Nam, bên cạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì một số giải pháp khác cũng đang được bàn bạc và cân nhắc. Vậy lựa chọn nào sẽ là phù hợp trước mắt và lâu dài?

Trong cấu phần của giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng, các loại thuế, phí chiếm một tỷ trọng khá lớn, thường đến 50% hoặc hơn. Ảnh: N.K

Có nhiều giải pháp

Ai cũng biết xăng dầu là một cấu phần quan trọng trong chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất mà các chi phí này lại chiếm phần đáng kể trong giá hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Thấy rõ nhất ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng là ở nhóm ngành năng lượng, vận tải, đánh bắt khai thác hải sản.

Để hỗ trợ người dân, chính phủ ở một số nước đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị của mình. Trong số các giải pháp được sử dụng, có thể kể ra như giảm thuế, hỗ trợ tiền trực tiếp hoặc gián tiếp qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu.

Có một đặc điểm chung là trong cấu phần của giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng, các loại thuế, phí chiếm một tỷ trọng khá lớn, thường đến 50% hoặc hơn. Các loại thuế, phí thường thấy như thuế tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng, phí môi trường… Như Việt Nam hiện nay, tỷ trọng thuế trên giá cơ sở ở mức 43,2% với xăng RON95 và 26,1% với dầu Diesel, gồm các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường.

Cho nên, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng thường được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy vậy, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, đặc biệt trong giai đoạn các nước cần nguồn lực để phục hồi kinh tế trong đại dịch.

Chính vì vậy mà một số nước thực hiện hỗ trợ có trọng điểm, chỉ nhắm vào nhóm dân cư có thu nhập thấp như cho tiền hỗ trợ cố định hàng tháng trong một khoảng thời gian để bù một phần do giá năng lượng, giá xăng dầu tăng. Bên cạnh đó, có nước còn ban hành chính sách hỗ trợ những ngành nào có chi phí đầu vào là xăng dầu cao như vận tải, đánh bắt hải sản. Một số ngành nghề cần sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển nhiều như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ sửa chữa tại nhà cũng được chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xăng dầu.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Nhiều thảo luận hiện nay về việc giảm giá xăng dầu xoay quanh giải pháp giảm thuế. Tuy nhiên nếu áp dụng giải pháp này tức là áp dụng trên diện rộng, mọi thành phần dù bị ảnh hưởng nhiều hay ít do giá xăng dầu tăng đều được hưởng thì có thể dẫn đến sự không hiệu quả của chính sách. Ví dụ như trường hợp thuế giảm để giá hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng giảm nhưng doanh nghiệp sẽ không giảm giá ở mức độ tương ứng, thành ra có trường hợp doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giảm thuế thay vì người dân.

Giải pháp trước mắt đối với Việt Nam để giảm gánh nặng giá xăng dầu là hỗ trợ trực tiếp cho những ngành nghề, những người dân bị ảnh hưởng nhiều do giá tăng thay vì giảm thuế áp dụng cho tất cả.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng vừa mới áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho một số nhóm ngành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, nên không gian cho ngân sách sẽ không còn nhiều nếu áp dụng giảm thuế xăng dầu trên diện rộng.

Từ kinh nghiệm của một số nước đang áp dụng tạm thời, các bộ ngành có liên quan ở Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp chỉ hỗ trợ cho những nhóm ngành nghề có chi phí đầu vào là xăng dầu chiếm tỷ trọng cao, như vận tải, đánh bắt hải sản, hỗ trợ cho những người lao động có thu nhập thấp phải sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển nhiều. Bởi vì ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng với từng người, từng hộ gia đình là không giống nhau, có những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì tỷ trọng của chi phí xăng dầu trong tổng chi tiêu hàng tháng.

Có điều, giải pháp này sẽ có những khó khăn nhất định trong việc xác nhận đúng đối tượng trong diện được hỗ trợ, các chi phí xăng dầu là hợp lý và hợp lệ. Ở các nước phát triển, việc này không là trở ngại vì họ quản lý hồ sơ thuế và biết thu nhập của người dân, nghề nghiệp hiện tại, và quan trọng hơn là các chi phí đều có hóa đơn rõ ràng, dễ dàng đối chiếu hay hậu kiểm.

Một giải pháp khác cũng đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa được ủng hộ nhiều đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu phải chủ động và tích cực sử dụng các sản phẩm phái sinh trên thị trường xăng dầu như hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như là một giải pháp phòng ngừa rủi ro khi giá xăng dầu biến động lớn, nhất là khi theo chiều hướng tăng.

Đây là sản phẩm đã có trên Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), và mặc dù giá trị giao dịch ngày càng tăng trên MXV, như mới đây đạt kỷ lục 10.000 tỉ đồng vào ngày 24-2-2022, thì việc sử dụng các công cụ phái sinh vẫn còn rất nhiều không gian để sử dụng.

Như vậy, giải pháp trước mắt đối với Việt Nam để giảm gánh nặng giá xăng dầu là hỗ trợ trực tiếp cho những ngành nghề, những người dân bị ảnh hưởng nhiều do giá tăng thay vì giảm thuế áp dụng cho tất cả. Nhóm ưu tiên trước có thể là kinh doanh vận tải, người lao động có thu nhập thấp phải di chuyển nhiều từ nơi ở đến nơi làm việc.

Về lâu dài, cần phát triển mạnh hơn thị trường các sản phẩm phái sinh xăng dầu. Mà muốn vậy, cần tạo ra một thị trường mua bán xăng dầu cạnh tranh tự do lành mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ xác định mức giá trần, và hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là phụ thuộc vào khả năng của chính họ, trong đó có việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng ngừa rủi ro như hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dầu Brent tăng hơn 4% (08/03/2022)

>   Đức tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga bất chấp xung đột tại Ukraine (07/03/2022)

>   Dầu WTI quay đầu giảm về 116 USD sau khi vượt 130 USD/thùng (07/03/2022)

>   Điều gì xảy ra nếu phương Tây cấm vận dầu thô của Nga? (07/03/2022)

>   Giá khí đốt tại châu Âu tăng 79% sau thông tin Mỹ cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga (07/03/2022)

>   Nếu chỉ giảm 1.000 đồng/lít thì ít ý nghĩa (07/03/2022)

>   Dầu Brent vượt 130 USD/thùng vì khả năng phương Tây cấm nhập dầu từ Nga (07/03/2022)

>   Hãng dầu khí Shell bị chỉ trích vì mua dầu thô từ Nga (06/03/2022)

>   Thế giới đang trên bờ vực của cuộc khủng hoảng năng lượng? (05/03/2022)

>   Giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít đối với xăng là quá ít? (05/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật