Thứ Hai, 07/03/2022 21:21

Điều gì xảy ra nếu phương Tây cấm vận dầu thô của Nga?

Giá dầu thế giới tăng mạnh lên sát 130 USD/thùng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo giá sẽ tiếp tục tăng nếu phương Tây cấm vận Nga xuất khẩu dầu.

Dầu thô của Nga bị cấm vận ảnh 1

Theo Trading Economics, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục đà tăng trưởng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rạng sáng ngày 7/3, giá hai loại dầu là WTI và Brent đều tiến sát mức 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.

So với tuần trước, giá dầu đã tăng trung bình 10 USD/thùng. Trong vòng 7 ngày qua, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt trên 30%, con số này ước chừng 42% nếu xét trên cả tháng và 89% nếu tính trên một năm. Nếu vượt mốc 147 USD/thùng, giá dầu trong năm 2022 sẽ lập kỷ lục mới.

Theo Bloomberg, việc Nhà Trắng xem xét các biện pháp cấm vận xuất khẩu dầu từ Nga đã dấy lên lo ngại về nguồn cung cho thế giới và thúc đẩy giá dầu.

Nga hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, xếp sau Mỹ. Số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết quốc gia này xuất khẩu khoảng 7,85 triệu thùng dầu/ngày, khoảng 60% số đó đến châu Âu và 20% tới Trung Quốc.

Các nước châu Âu đang phụ thuộc 40% nguồn cung dầu từ Nga, trong khi Mỹ nhập khẩu khoảng 90.000 thùng/ngày. Do vậy, bất cứ biến động ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu đến có thể dẫn đến cú sốc năng lượng cho toàn thế giới.

Dầu thô của Nga bị cấm vận ảnh 2

Sản lượng xuất khẩu dầu của Nga là 5 triệu thùng thô và 2,8 triệu thùng sản phẩm tinh chế mỗi ngày. Ảnh: Bloomberg.

Có thể tăng lên 150 USD/thùng

Sau khi Nga tiến hành các chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và khối đồng minh phương Tây đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt nhằm loại bỏ thị trường Nga khỏi hệ thống tài chính.

Không chỉ đóng băng tài sản ở nước ngoài và ngăn chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin tiếp cận kho dự trữ ngoại tệ trị giá 630 tỷ USD, nhóm các nước trừng phạt còn loại 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT, khiến hoạt động giao dịch gặp gián đoạn.

Thị trường chứng khoán Nga buộc phải đóng cửa hơn một tuần do lo ngại làn sóng bán tháo. Tỷ giá hối đoái của đồng RUB cũng bắt đầu lao dốc từ ngày 24/2 đến nay, hiện ở mức 138 RUB đổi 1 USD.

Dù phải gánh chịu liên tiếp các đợt trừng phạt, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn nằm ngoài tầm ngắm. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng Mỹ và phương Tây sẽ sớm cân nhắc đánh vào dầu thô của Nga nếu tình hình chiến sự tại Ukraine tiếp tục leo thang.

Dầu thô của Nga bị cấm vận ảnh 3

Giá dầu được dự đoán tăng lên 150 USD/thùng. Ảnh: Getty.

Nếu gói trừng phạt mới được thông qua, giá dầu thô quốc tế có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng.

Mặt khác, việc Iran có tiến triển mới trong thỏa thuận về chương trình hạt nhân có thể đưa hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran quay lại cuộc chơi. Việc lệnh trừng phạt cấm vận dầu của Tehran được dỡ bỏ sẽ là yếu tố kìm hãm giá dầu.

Song, những thùng dầu từ Iran vẫn không thể thay thế nguồn cung thâm hụt từ Nga.

“Một số nhà đầu tư kiên quyết tin rằng thỏa thuận mới của Iran sẽ cung cấp sản lượng dầu cứu trợ cần thiết. Chúng tôi một lần nữa phải cảnh báo thỏa thuận này vẫn chưa được thông qua và số dầu bù đắp vẫn là quá nhỏ để lấp đầy sự gián đoạn của Nga”, Helima Croft, nhà phân tích từ RBC Capital, lưu ý.

Tìm nguồn cung thay thế

Chia sẻ với CNBC, Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu từ Energy Aspects, cho biết các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng khiến 70% dầu thô xuất khẩu của Nga bị đình trệ. Con số này ước tính lên tới 3,8 triệu thùng/ngày.

Dữ liệu Energy Intelligence cho thấy hoạt động xuất khẩu dầu thô và qua tinh chế của Nga đã giảm 1/3, tương đương 2,5 triệu thùng/ngày trong tuần này.

Những người tham gia thị trường dần hiểu rằng dầu thô của Nga có thể bị khai trừ trong tương lai gần. Điều này sẽ làm tăng thêm cán cân thị trường vốn đã eo hẹp.

Nỗi sợ gián đoạn nguồn cung đang khiến các đối tác của Nga trở nên cảnh giác và tìm hướng đi thay thế. Từ các thương nhân, nhà máy lọc dầu, ngân hàng, công ty bảo hiểm hay chủ tàu vận chuyển, không ai muốn liên quan đến hàng hóa từ Nga.

Do đó, ngay cả trong trường hợp Mỹ và phương Tây không ban hành lệnh cấm vận, các chuyên gia phân tích cho rằng giá dầu thế giới sẽ vẫn tăng nhanh.

Dầu thô của Nga bị cấm vận ảnh 4

Giá dầu vẫn tăng bất chấp sự tồn tại của lệnh cấm vận. Ảnh: Reuters.

Các nhà máy lọc dầu bắt đầu thay thế dầu thô của Nga. Một số khách hàng lớn của Nga như Monroe Energy - doanh nghiệp mua dầu Nga lớn thứ 3 ở Mỹ - đã bắt đầu ngừng mua hàng.

“Do tình hình không chắc chắn trên thị trường, Neste đã thay thế phần lớn dầu thô của Nga bằng các loại khác, chẳng hạn như dầu Biển Bắc. Doanh nghiệp đang chuẩn bị cho nhiều lựa chọn mua sắm, sản xuất và hậu cần khác nhau”, công ty lọc dầu Neste của Phần Lan thông báo.

Dự kiến, các tác động của lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga - quốc gia xuất khẩu 5 triệu thùng thô và 2,8 triệu thùng sản phẩm tinh chế mỗi ngày - sẽ nặng nề hơn nhiều so với những gì Iran và Venezuela đã trải qua.

Nguy cơ suy thoái kinh tế

“Lịch sử cho thấy việc giá dầu tăng 100% trong một năm thường gây ra suy thoái như năm 1990, 2000, 2008. Chúng ta có thể chưa đến giai đoạn đó nhưng lại đang tiến gần hơn mỗi ngày”, Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek Research, nhận xét.

Cùng kỳ năm ngoái, dầu thô có giá khoảng 64 USD/thùng. Con số này đã tăng gấp 2 lần tính đến nay.

Trong năm 2000 và 2008, nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái là vụ nổ bong bóng dot-com và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 1990, giá khí đốt tăng cao trong bối cảnh chiến tranh ở Kuwait cũng tác động đáng kể đến nền kinh tế.

Theo Colas, ngay cả khi những cuộc suy thoái đó do yếu tố khác gây ra, việc giá dầu tăng mạnh có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc.

Dữ liệu từ CNBC Rapid Update, căn cứ từ 14 dự báo về nền kinh tế Mỹ, cho thấy GDP của Mỹ ước đạt 3,2% trong năm nay, giảm nhẹ 0,3% so với dự báo hồi tháng 2. Lạm phát đối với chi tiêu dùng cá nhân đạt 4,3%, tăng 0,7% so với khảo sát cách đây một tháng.

Dầu thô của Nga bị cấm vận ảnh 5

Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức 4 USD/gallon. Ảnh: Bloomberg.

Dù chưa thể xác định nền kinh tế Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước cú sốc nhiên liệu như dầu thô và xăng, hầu hết dự báo đều chỉ ra xu hướng gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng.

Song, việc cắt đứt nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ có kết cục tồi tệ hơn nhiều.

“Hậu quả sẽ rất khôn lường nếu Nga ngừng xuất khẩu 4,3 triệu thùng dầu/ngày sang Mỹ và châu Âu. Quy mô và thời gian của sự gián đoạn này sẽ tạo ra cú sốc đối với tăng trưởng toàn cầu”, JPMorgan nhận định.

Một số chuyện gia lo ngại giá cả leo thang sẽ tạo lực cản lớn hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Lạm phát được xem như yếu tố chính khiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ suy giảm. Lạm phát ước tính tăng hơn 1,7% trong quý này và 1,6% ở quý tiếp theo. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ giảm từ 4,3% xuống 2,4% vào cuối năm.

Theo nhà kinh tế học Peter McCrory từ JPMorgan, cứ 10% giá khí đốt tăng thêm, chi phí mà người tiêu dùng phải bỏ ra lại tăng 4 tỷ USD. Tương tự, cứ 10% giá dầu tăng thêm, con số này là 19 tỷ USD.

Mỹ đang trên đỉnh của lạm phát suy thoái, giá năng lượng và lương thực hiện nay có khả năng tăng cao hơn nữa

Joseph Lavorgna, chuyên gia phân tích của Natixis

Đối với kinh tế châu Âu, Barcalys đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 4,1% từ tháng trước xuống 3,5%. Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế châu Âu nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng cận suy thoái.

“Giá hàng hóa tăng vọt và tâm lý ngại rủi ro ám chỉ một cú sốc lạm phát toàn cầu. Trong đó châu Âu là khu vực chịu nhiều rủi ro nhất”, ngân hàng này lưu ý.

JPMorgan dự báo tăng trưởng GDP của châu Âu đạt 3,2%. Dẫu vậy, kinh tế châu Âu có thể dậm chân tại chỗ trong quý II. Đối với Nga, quốc gia đang hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, JPMorgan dự báo GDP có khả năng giảm 12,5%.

Hiện kinh tế Nga đang bị loại bỏ khỏi thị trường thế giới. Sức nặng của các biện pháp trừng phạt thậm chí cản trở Nga tiếp cận khoản dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế.

Viện Tài chính Quốc tế dự báo kinh tế Nga có thể giảm 15%, gấp đôi so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Chúng tôi nhìn thấy nhiều rủi ro sắp tới. Nước Nga sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa”, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của IIF, nhận xét.

Ngọc Phương Linh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Giá khí đốt tại châu Âu tăng 79% sau thông tin Mỹ cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga (07/03/2022)

>   Nếu chỉ giảm 1.000 đồng/lít thì ít ý nghĩa (07/03/2022)

>   Dầu Brent vượt 130 USD/thùng vì khả năng phương Tây cấm nhập dầu từ Nga (07/03/2022)

>   Hãng dầu khí Shell bị chỉ trích vì mua dầu thô từ Nga (06/03/2022)

>   Thế giới đang trên bờ vực của cuộc khủng hoảng năng lượng? (05/03/2022)

>   Giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít đối với xăng là quá ít? (05/03/2022)

>   Dầu vọt 7% khi xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang (05/03/2022)

>   Lý do các nước vùng Vịnh từ chối tăng sản lượng dầu trước sức ép phương Tây (04/03/2022)

>   JPMorgan: Giá dầu có thể lên 185 USD/thùng nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn (04/03/2022)

>   Vì sao cuộc khủng hoảng giá dầu không sớm kết thúc (04/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật