Chuyên gia: 'Đà tăng của giá dầu vẫn chưa kết thúc'
Giá dầu quay đầu bật tăng sau đợt điều chỉnh giảm ngắn ngủi. Giới quan sát cảnh báo đà tăng của giá dầu vẫn chưa kết thúc.
Giá dầu thế giới quay trở lại đà tăng sau chuỗi ngày hạ nhiệt ngắn ngủi. Theo dữ liệu từ Trading Economics, cả dầu thô Brent và dầu WTI đều được giao dịch trên ngưỡng giá quan trọng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,17% so với 24 giờ trước đó lên 104,15 USD/thùng, còn giá dầu Brent ở mức 107,7 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 1,04%.
Giá dầu thế giới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần và cùng hạ xuống dưới 100 USD/thùng từ ngày 15-16/3. Tuy nhiên, giá loại năng lượng này bắt đầu trở lại đà tăng giá vào ngày 17.
"Giá dầu thô dường như đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm và giờ ổn định trên mức 100 USD/thùng, cho đến khi tình hình địa chính trị ở Ukraine và các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran trở nên rõ ràng hơn", chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) tại hãng tư vấn OANDA bình luận với chúng tôi.
Sau chuỗi ngày giảm ngắn ngủi, giá dầu quay đầu bật tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng. Ảnh: Reuters.
|
Kết thúc đợt điều chỉnh
"Nhu cầu dầu không giảm mạnh như các dự báo trước đó, ngay cả với những lệnh phong tỏa tại Trung Quốc. Nguồn cung dầu dường như vẫn sẽ eo hẹp trong một thời gian khá dài", ông nói thêm.
Theo vị chuyên gia, giá dầu thô WTI sẽ tiếp tục tăng cao nếu các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có nhiều tiến triển. Ông Moya cũng trích dẫn lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Tổng thống Nga Putin vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng xung đột.
"Xung đột dường như sẽ không sớm kết thúc. Điều đó có nghĩa là giá dầu có thể chứng kiến một đợt tăng mạnh nữa", vị chuyên gia tại Oanda cảnh báo.
Giá dầu thô dường như đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm và giờ ổn định trên mức 100 USD/thùng, cho đến khi tình hình địa chính trị ở Ukraine và các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran trở nên rõ ràng hơn.
Chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ)
|
Còn theo chuyên gia tài chính Craig Erlam tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở Anh), giá dầu Brent và WTI một lần nữa trở lại trên ngưỡng 100 USD/thùng, sau khi Điện Kremlin bác những thông tin về tiến bộ trong các cuộc thỏa thuận ngừng bắn.
Cụ thể, hôm 17/3, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin đã bác bỏ mọi thông tin về những tiến bộ đáng kể đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. "Nếu có bất cứ bước tiến nào, chúng tôi sẽ thông báo", ông khẳng định.
Theo ông Erlam, điều đó đã đảo ngược xu hướng giảm của giá dầu. Giá dầu quay đầu lao dốc những ngày qua do các thông tin về những tiến bộ đáng kể trong quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
"Thêm vào đó, giá dầu còn chịu tác động do đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế về thị trường dầu. Theo đó, xuất khẩu dầu từ Nga đã giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày", ông Erlam nói với chúng tôi.
Thị trường mất cân bằng
Trước đó, giới quan sát kỳ vọng giá dầu sẽ được điều chỉnh giảm khi tiêu dùng giảm đi vì giá tăng cao. Đáng nói, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn - tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt.
Điều này có thể đè nặng lên giá dầu, vốn đã tăng phi mã trong những tuần qua bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Nguyên nhân là các lệnh phong tỏa tác động tiêu cực đến hoạt động di chuyển, sản xuất và vận chuyển tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên, chuyên gia Erlam cho rằng sự sụt giảm nhu cầu không theo kịp lỗ hổng nguồn cung, khiến thị trường vẫn mất cân bằng và đẩy giá lên cao.
"Câu hỏi đặt ra là OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) có thống nhất nâng sản lượng để hạ nhiệt thị trường dầu hay không", vị chuyên gia nhận định.
Kế hoạch của OPEC là tăng nguồn cung dầu 400.000 thùng/ngày hàng tháng sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020. Ảnh: Reuters.
|
Hôm 16/3, Libya kêu gọi OPEC nâng sản lượng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Nói với Thủ tướng Nhật Bản một ngày sau đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng bày tỏ mong muốn duy trì sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ.
"Tôi không cho rằng OPEC sẽ tăng sản lượng dầu, ngay cả khi có ngày càng nhiều lời kêu gọi", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore) nói với Zing.
OPEC+ (OPEC và các đồng minh) đã từ chối lời kêu gọi tăng cung từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu khác. Tổ chức này cho rằng giá dầu tăng cao vì yếu tố địa chính trị nhiều hơn là thiếu hụt nguồn cung.
Mới đây, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo thừa nhận nguồn cung dầu đang ngày càng tụt lại so với nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+.
Giới quan sát cũng tin rằng giá dầu không thể hạ nhiệt một cách nhanh chóng. Ông Halley không loại trừ khả năng giá dầu bật tăng lên hơn 130 USD/thùng do những biến động liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. "Cùng với đó là các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây nhắm vào Nga, khiến nguồn cung dầu Nga bị loại bỏ khỏi thị trường", ông lập luận.
Thảo Phương
ZING
|