Giá xăng dầu: Cần gấp biện pháp hỗ trợ
Giá xăng trong nước liên tục tăng trong các kỳ gần đây, đến mức cao nhất từ trước đến nay, gần chạm 30,000 đồng/lít. Nguyên nhân một phần do giá thế giới leo thang, nhưng cũng không thể phủ nhận việc giá xăng đang “gánh” nhiều loại thuế phí, điển hình là thuế môi trường đến 4,000 đồng/lít. Doanh nghiệp, người dân đang rất cần biện pháp hỗ trợ trước mắt, về lâu dài là cơ chế có thể hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với biến động trên thế giới.
Xăng “còng lưng gánh” thuế, phí
Mỗi lít xăng hiện nay phải đóng thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường cố định 4,000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế này chiếm khoảng 40% giá bán ra của một lít xăng.
Trong 4 loại thuế đánh vào xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất, lại là số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá dầu thế giới giảm sâu hay tăng mạnh, mức thu thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu vẫn không đổi.
Khung thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng với xăng dầu
|
Ngoài ra, mỗi lít xăng còn phải “cõng” thêm chi phí kinh doanh định mức, phí lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, phí lợi nhuận doanh nghiệp.
Một công cụ đắc lực trong điều hành giá xăng dầu thời gian qua chính là Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Về số lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 4/2021, Bộ Tài chính cho biết đạt hơn 1.7 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong quý 4/2021 là 138 triệu đồng. Ngoài ra, số dư quỹ BOG đến hết quý 3/2021 là hơn 824 tỷ đồng; số dư đến hết quý 2/2021 là trên 1,122 tỷ đồng; số dư đến hết quý 1/2021 là hơn 5,340 tỷ đồng, còn số dư tại cuối 2020 là trên 9,234 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 4/2021 số dư quỹ BOG còn gần 898.6 tỷ đồng tức chưa bằng 1/10 so với số dư cuối năm 2020. Do đó, quỹ BOG khó “kham” được sức nóng của giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện khó kham nổi sức nóng giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay - Ảnh: Tuấn Trần
|
Vướng cơ chế điều hành, hoạt động sản xuất xăng dầu nội địa
Thời gian qua, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định tăng sản lượng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn khá dè dặt do khối này vẫn còn lo ngại các rủi ro trong tương lai, đặc biệt là dịch COVID-19. Tốc độ tăng sản lượng chậm hơn so với nhu cầu xăng dầu khi nhiều quốc gia phục hồi kinh tế đã đẩy giá dầu tăng trong mấy tháng qua.
Thêm vào đó, chiến cuộc kéo dài giữa Nga và Ukraine càng khiến nhiều nước lo ngại nguồn cung xăng dầu và khí đốt bị gián đoạn lâu hơn nữa. Giá dầu Brent hiện đã điều chỉnh sau khi chạm ngưỡng 130 USD/thùng nhưng so với đầu năm vẫn ghi nhận tăng khoảng 30%.
Giá dầu thế giới tăng nhưng khi về tới Việt Nam, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay khiến giá xăng dầu trong nước bị trễ nhịp. Bộ Công Thương 10 ngày mới điều chỉnh giá xăng dầu một lần, dẫn đến tình trạng lắm lúc giá dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn cao, gây bức xúc cho người dân lẫn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi lần giá xăng dầu quốc tế tăng, lại xuất hiện nhiều bất cập trong điều chỉnh giá xăng dầu và cách tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở.
Kết quả tất yếu là giá xăng dầu trong nước không điều chỉnh kịp hoặc điều chỉnh chưa hợp lý theo diễn biến thế giới, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ. Tại kỳ điều chỉnh 11/03 vừa qua, giá xăng RON 95 đã tăng lên sát 30,000 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước là 20.5 triệu tấn. Trong đó, nguồn cung từ kênh nhập khẩu chiếm khoảng 7 triệu tấn, tương đương 34%; phần còn lại (65 - 66%) do các nhà máy trong nước sản xuất.
|
Không chỉ giá tăng, nguồn cung ứng cũng gặp nhiều khó khăn sau khi nhà máy sản xuất lớn nhất cả nước là Nghi Sơn giảm công suất. Tình trạng thiếu hàng cục bộ đã xảy ra ở một số địa phương, một số cây xăng phải treo biển “hết hàng” như đã thấy.
Không thể phủ nhận thực tế rằng xăng dầu là sản phẩm mang tính chiến lược quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Không những vậy, mặt hàng này còn khá nhạy cảm và dễ ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân. Những gút mắc về cơ chế điều hành xăng dầu cũng như hoạt động sản xuất xăng dầu nội địa đến nay vẫn chưa có phương án tốt hơn. Biện pháp hỗ trợ giá xăng lúc này là cực kỳ cấp thiết và về lâu dài cần có cơ chế hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với biến động trên thế giới.
Cần nhanh chóng hỗ trợ giá xăng
Tác động của giá xăng dầu đè nặng lên nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, có thể làm suy yếu sức cầu. Điều này cũng làm giảm hiệu quả các chính sách (tài khóa) hỗ trợ phục hồi nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua gần đây.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, mức thuế VAT giảm xuống 8% chỉ là một trong những biện pháp ngắn hạn và tác động chưa đủ lớn so với mức giá xăng tăng đột biến hiện nay. Trong khi các chuyên gia đang giúp Chính phủ xây dựng những gói giải pháp hỗ trợ nền kinh tế thì hỗ trợ giá xăng là gói trực tiếp và cần phải thật nhanh để tạo nguồn lực cũng như niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Có rất nhiều chi phí gắn liền với xăng dầu. Riêng với thuế, giá xăng càng tăng thì mức thuế tương ứng càng cao, người dân và doanh nghiệp càng gặp khó. Nếu có thể tạm ngừng thu hoặc giảm một số loại thuế, phí, áp lực lên giá xăng dầu sẽ giảm đáng kể.
Ông Hiển cho rằng, Chính phủ không cần nghĩ đến nguồn ngân sách nào khác để bù đắp cho giá xăng tăng như gói hỗ trợ kích thích kinh tế cho doanh nghiệp, chỉ cần tạm thời không thu một số chi phí gắn vào giá xăng bán lẻ, giúp đưa giá xăng về mức hợp lý là đủ và điều này phải làm ngay.
Ngày 10/03, Bộ Tài chính “chốt” đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 2,000 đồng/lít xăng
|
Mới nhất, để hạ nhiệt giá xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/03, Bộ Tài chính “chốt” đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2,000 đồng/lít xăng, dự kiến có hiệu lực từ 01/04 đến 31/12/2022. Đây là mức giảm phân nửa thuế bảo vệ môi trường (4,000 đồng). Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mức này được xem là khá lớn trong bối cảnh giá xăng dầu tăng và tương đối đủ ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, về cơ bản, điều này chỉ làm giảm tác động đến người dân chứ chưa thể làm hạ nhiệt giá xăng, do giá xăng phụ thuộc vào giá dầu thế giới - vốn đang còn rất cao. Trong tương lai, ngoài việc cần có phương thức điều hành giá linh hoạt hơn, việc đảm bảo nguồn cung trong nước phải được chú trọng thay vì chúng ta cứ phải “thót tim” trông chừng giá thế giới.
Duy Na
FILI
|