Thứ Tư, 16/03/2022 09:04

Bộ trưởng Công Thương: Nếu công cụ thuế phí vẫn không kìm được giá xăng sẽ tính đến chính sách an sinh

Sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận nhiều câu hỏi chất vấn về "giá xăng dầu có thể giảm không" tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng ta bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu. Biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nguồn cung xăng dầu không thiếu

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về xăng dầu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội. 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến 40-60% vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Thêm nữa, nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị cung ứng 35% xăng dầu cả nước - giảm công suất. Ba tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất.

Với loạt giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, ông Diên khẳng định, "nguồn cung không lúc nào thiếu". Tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1.2 triệu m3, đáp ứng tới hết tháng 3. Sau thời điểm này, Bộ Công Thương có kế hoạch, phân giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, 1 triệu m3 trở lên.

Về hoạt động thanh kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết công tác kiểm tra ở các địa phương, với sự kết hợp của Tổng cục quản lý thị trường, Sở Công Thương đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn thị trường có 17,000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16,800 cửa hàng.

Số cửa hàng bán lẻ vi phạm, theo Bộ trưởng, chỉ chiếm rất ít với 211 cửa hàng. Có nhiều lý do cho việc nhiều cửa hàng dừng bán như đóng cửa sửa chữa nhưng cũng có những cây xăng cố tính găm hàng, chờ nâng giá. Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do họ nhận xăng dầu từ Nghi Sơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Công Thương về vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Bà nói, nguồn cung xăng dầu được Bộ trưởng giải thích là không thiếu, do việc tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, tức là phụ thuộc nguồn bên ngoài. "Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong đảm bảo nguồn cung thế nào?", bà đặt vấn đề.

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.

Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.

Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Bình Sơn do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%. Nhưng Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.

Vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng, chủ yếu là vấn đề tài chính. PVN, với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp. PVN đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.

Bộ trưởng khẳng định, "khi nào PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nhà máy Nghi sơn đảm bảo nguồn cung theo kế hoạch thì Bộ Công Thương mới dừng nhập xăng dầu".

'Nếu giảm thuế vẫn không kìm được giá xăng sẽ tính đến các quỹ an sinh'

Ông Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?"

Bộ trưởng Công Thương giải thích, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1,500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, ông Diên nói, "chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới".

Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.

Khi hiện quỹ này không còn nhiều, hai Bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm".

Về khả năng giảm giá xăng dầu, ông Diên nói, sẽ phải phụ thuộc thị trường thế giới. Bộ Công Thương cam kết, biên độ giá thế giới tăng quá cao thì liên Bộ điều hành tăng ở mức có thể chấp nhận được. "Công cụ là Quỹ bình ổn, rồi quỹ này không còn thì sử dụng thuế, phí. Nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu", ông nói.

Cân nhắc giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu thay vì môi trường

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng việc nghiên cứu giảm thuế hiện nay để giúp giảm giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Song nếu giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu, theo bà, lại chưa thực sự hợp lý.

Bà Mai phân tích, việc này không phù hợp khi thuế bảo vệ môi trường bản chất đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao.

Ngoài ra, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4,000 đồng, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên. Nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này.

Bên cạnh đó, các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu...

"Việc dùng thuế điều tiết giá cả là cần thiết, nhưng chọn sắc thuế nào thì Bộ Công Thương, Tài chính cần đưa ra giải pháp hợp lý", bà Mai nêu.

Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4,000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Trả lời đại biểu Lưu Mai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn giảm sắc thuế nào, liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ. Nếu chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua, rồi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tháng 6, 7.

"Hiện tình hình rất căng trước diễn biến giá thế giới, để xử lý tình huống bây giờ thì nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường, do đây là thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông nói.

"Bối cảnh Quỹ bình ổn không còn, thuế không được giảm thì làm sao giảm giá, trong khi giá thế giới vẫn tăng, chúng ta làm sao khác được", ông Diên nói và đồng tình trong tương lai sẽ nghiên cứu cho phù hợp. Thuế môi trường với mức 4,000 đồng, ông cho rằng, "cũng chưa thấy cơ sở khoa học để định giá".

Sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Mai tranh luận, nhưng do thời gian có hạn nên ở vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị "gửi ý kiến tranh luận và bộ trưởng trả lời bằng văn bản".

Có nên rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu?

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày là chưa phù hợp, khi giá thế giới giảm thì trong nước chưa giảm theo.

Bộ trưởng Diên cho rằng, điều hành giá 10 ngày một lần thì phù hợp với chu kỳ hạch toán của doanh nghiệp, chu kỳ lấy giá tính chỉ số CPI của ngành thống kê.

Theo Nghị định 95,nếu giá biến động quá lớn thì liên Bộ tham mưu cho Chính phủ điều hành kỳ dày hơn.

Nhưng thực tế trong điều hành thì phải cân đối lợi ích ba bên là người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. "Điều hành dày hơn doanh nghiệp đỡ khó, nhưng người dân lại khổ", ông nói.

Giá tăng liên tục, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều lỗ, nhưng "cố gắng khắc phục vì kinh doanh có lúc lỗ, lúc lãi".

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Cơn lốc mang tên 'bão giá' đe dọa sức chống chịu của nền kinh tế (15/03/2022)

>   Tác động của giảm thuế xăng dầu đến tăng trưởng kinh tế (15/03/2022)

>   Bất an 3 nhân tố kích hoạt lạm phát trong năm 2022 (15/03/2022)

>   Nguy cơ lạm phát ngoài tầm kiểm soát (14/03/2022)

>   Động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (12/03/2022)

>   Bão lạm phát cấp mấy? (12/03/2022)

>   WB: 'Kinh tế Việt Nam đang chứng minh khả năng chống chịu' (11/03/2022)

>   Các kênh đầu tư ảnh hưởng gì trước lạm phát? (kỳ 1) (11/03/2022)

>   Xung đột Nga – Ukraine thu hẹp dư địa phục hồi kinh tế của Việt Nam (10/03/2022)

>   Stagflation (lạm phát đình trệ) là gì? (10/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật